1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nửa triệu lao động có nguy cơ thất nghiệp

Ngày 19/6, Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cùng Action Aid đã công bố bản báo cáo nghiên cứu về tác động của vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da của Việt Nam vào EU, trong đó cho biết: nửa triệu lao động Việt Nam khó tránh khỏi thất nghiệp.

Hôm nay (20/6), Tham tán thương mại VN tại Liên minh Châu Âu (EU) được uỷ quyền của Bộ Thương mại sẽ điều trần trước Uỷ ban Châu Âu (EC) về những vấn đề liên quan đến vụ kiện nói trên.

 

Gánh nặng đè lên vai phụ nữ nghèo

 

Được biết, ngay từ tháng 7/2005, khi EU bắt đầu tiến hành vụ kiện, số lượng đơn hàng dành cho các doanh nghiệp (DN) da giày VN đã giảm mạnh, khiến nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, cho công nhân nghỉ chờ việc hàng loạt. Sản lượng giày mũ da chiếm trên 80% lượng giày dép xuất khẩu vào EU và chiếm khoảng từ 80 - 100% số đơn hàng.

 

Khi EC khởi kiện, ngay lập tức các đối tác đã phản ứng nhằm hạn chế những tác động xấu từ vụ kiện, như: Rút đơn hàng và chuyển dịch việc thuê gia công sang các nước: Indonesia, Campuchia, Thái Lan... làm cho các DN không chỉ mất đơn hàng, mà mất luôn cả khách hàng.

 

Những tháng cuối năm 2005, do đơn hàng giảm khiến sản lượng giày có mũ da giảm khoảng 30% so với 2004. Đến quý I/2006, lượng đơn hàng đã giảm từ 20-50% so với cùng kỳ năm 2005, và tại thời điểm Action Aid cùng Lefaso nghiên cứu thì cả 21 DN chưa có đơn hàng các tháng tiếp theo, nên nguy cơ không có việc làm cho nửa triệu người lao động trực tiếp trong ngành da giày là điều khó tránh.

 

Tác động của vụ kiện càng trở nên nghiêm trọng, bởi mức thu nhập của công nhân ngành da giày vốn đã ở mức rất thấp trong các ngành sản xuất công nghiệp ở VN, đặc biệt có tới 80% lao động trong ngành da giày là lao động nữ và chủ yếu là lao động nghèo đến từ nông thôn.

 

Kết quả điều tra của Lefaso và Action Aid còn cho thấy, mỗi người công nhân trong ngành còn phải hỗ trợ từ 2-3 thành viên trong gia đình.

 

Nói với vị đại diện Tham tán thương mại EC, chị Hoàng Thị Bích - CN Nhà máy giày Khải Môn - đề nghị: "Thay mặt cho những người phụ nữ trong ngành da giày, tôi kêu gọi EC xem xét lại vụ kiện".

 

Trước đó, trong một bức thư gửi tới phiên điều trần của EC tại Brussels, Bỉ vào ngày 2/6, hơn 2.000 nữ công nhân da giày VN đã kêu gọi EC hãy vì những người lao động nghèo mà xem xét lại vụ kiện.

 

EC cũng chịu thất bại?

 

Tham tán thương mại EC tại VN - ông Felipe Palacios - cho rằng: Mục đích của vụ kiện là nhằm vào những nhà buôn đã đưa giày mũ da từ VN sang EU - đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất những ưu đãi ở VN và bán được hàng giá cao ở EU, nhóm mục tiêu này chưa hẳn là những nhà sản xuất ở VN.

 

Cũng theo ông Felipe Palacios, những người chịu trách nhiệm chính của vụ kiện đã cân nhắc tất cả các khía cạnh liên quan, khi đưa ra kết luận có vấn đề bán phá giá đối với giày mũ da từ VN, điều này được thể hiện bằng việc lần đầu tiên EC đưa ra mức thuế tạm thời, chứ chưa đưa ra ngay mức thuế cuối cùng.

 

Chúng tôi đang làm việc với Chính phủ VN, dự kiến đến tháng 10/2006 sẽ tiến hành thảo luận nhằm đưa ra được các biện pháp áp dụng, nhằm giảm đến mức tối thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của vụ kiện đối với cuộc sống cũng như công ăn việc làm của người lao động trong ngành da giày VN.

 

Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - bà Đinh Thị Mỹ Loan - cho biết: Bộ Thương mại và Lefaso đang cùng EC tích cực đàm phán, tìm giải pháp tránh cho VN không phải chịu mức thuế bán phá giá ở một mức độ nhất định. Đây là công việc hàng ngày hàng giờ, để đi đến một kết quả chấp nhận được cho cả hai phía.

 

Bà Loan khẳng định: Giải pháp để tháo gỡ vấn đề của vụ kiện đang có, VN đang cùng với EC tìm kiếm tháo gỡ những giải pháp đó. Tuy nhiên, đây là những vấn đề chưa từng có trong tiền lệ thực thi pháp luật và thực tiễn của EU, cũng như các nước đã sử dụng biện pháp chống bán phá giá.

 

Trong trường hợp các giải pháp đưa ra không đi đến việc thoả thuận tháo gỡ cho ngành da giày VN, thì đó là thất bại không chỉ của riêng VN mà còn là thất bại của EU trong việc tìm giải pháp đúng đắn cho ngành da giày VN, cũng như công cuộc giúp VN xoá đói giảm nghèo của EU lâu nay.

 

Theo Công Thắng

Lao Động