1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Nửa đêm đi chợ kiếm tiền sắm Tết

(Dân trí) - Những ngày cuối năm, rất nhiều phụ nữ Vân Kiều ở xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị thức dậy từ nửa đêm hoặc rạng sáng, gùi trên vai những giỏ hàng, vượt rừng trong đêm lạnh ra chợ huyện bán, gom tiền sắm Tết.

Hầu hết các thôn, bản của xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đều cách trung tâm huyện hàng chục cây số đi bộ với rừng núi dốc rất hiểm trở. Cả đi lẫn về cũng phải mất hơn hai chục cây số. Vào những lúc trời mưa, việc đi lại của bà con càng trở nên khó khăn gấp bội bởi đường dốc nhão nhoẹt, trơn trượt, hễ sơ hở là có thể bị ngã.

Những địa phương này không có chợ như các nơi khác; chỉ có những quán tạp hóa do người Kinh mở ra bán ở trung tâm xã hoặc các hàng bán dạo chở hàng từ miền xuôi lên.

Cũng chính vì điều kiện “cách núi ngăn sông” mà từ bao đời nay, người dân sống dọc dãy Trường Sơn nếu có nhu cầu trao đổi hay mua bán thì phải cõng, gùi những sản vật như ngô, sắn, măng, chuối… vượt rừng ra chợ huyện bán. Để có được một chuyến chợ, họ phải chuẩn bị từ vài ngày đối với các sản vật (nông sản) hay cả tháng, hoặc cả năm tùy vào những thứ cần mua. Giá trị vật mua càng lớn cũng tương ứng với số lượng hàng hóa cần chuẩn bị trước khi đi.

Từng tốp phụ nữ Hun Dốc đi chợ từ lúc nửa đêm với đèn pin trên tay
Từng tốp phụ nữ Hun Dốc đi chợ từ lúc nửa đêm với đèn pin trên tay

Khi trời vẫn còn tối đen như mực, 3-4 phụ nữ trong bản họp thành từng tốp “cắt rừng” ra chợ huyện. Chiếc gùi trên lưng họ cũng chất đầy các loại nông sản đặc trưng của vùng mình sinh sống. Mỗi lần đi qua đoạn đường dốc, họ phải cúi gập người xuống, tay bám chắc vào cây cối cho khỏi ngã. Nguy hiểm hơn, do phải dò dẫm đi trong đêm tối nên nhiều lúc họ gặp phải rắn, rết, thậm chí có thể ngã xuống vực sâu lúc nào không hay. Một chuyến đi chợ huyện trao đổi hàng hóa của cư dân miền rẻo cao Hướng Hóa lắm nhọc nhằn, nguy hiểm.

Chúng tôi gặp chị Hồ Thị Nan ở bản Hun Dốc cùng một số chị em đang trên đường ra chợ huyện. Đây được xem là địa bàn khó khăn nhất của xã Ba Tầng. Hàng chục năm qua, người dân vẫn chưa có điện chiếu sáng. Ngay cái tên bản cũng đã phản ánh được mọi sự khó khăn của hàng chục hộ dân nơi đây. Mặc dù đã được san lấp đường vào tận thôn nhưng vẫn tồn tại khá nhiều con dốc dựng đứng.

Một góc bản nghèo Hun Dốc
Một góc bản nghèo Hun Dốc

Suốt chặng đường, những tiếng cười nói rôm rả của các chị đã xua tan bớt màn đêm lạnh lẽo. Cũng nhờ nói chuyện qua lại mà họ cũng cảm thấy phấn chấn và bớt mệt mỏi hơn. Trên lưng các chị cũng gùi đủ các thứ nông sản như sắn, măng rừng, hoặc mớ rễ thuốc… Nghe chị Nan bảo đây là một bài thuốc giúp bổ máu và ăn được cơm, một gùi to tướng đến vậy nhưng chỉ đủ để đổi lại muối mắm ăn trong vài ngày. Hết lương thực chị lại vào rừng tìm kiếm rồi lại mang ra chợ huyện bán.

Một số thương lái đón bà con mua hàng ngay giữa đường
Một số thương lái đón bà con mua hàng ngay giữa đường

Khi ra gần trung tâm, bà con chưa kịp vào đến chợ thì đã có một số chị tiểu thương “đón đường” mua hàng. Chị Lê Thị Lan, một thương lái nói: “Bà con đều ở rất xa nên đi bộ từ 11 giờ đến 12 giờ đêm hôm qua mới ra tận chợ huyện. Vì vậy, mình phải canh chừng khoảng 4 giờ sáng, khi họ chỉ còn cách chợ một hai cây số là phải mua ngay, nếu họ vào chợ thì mình không mua được hàng vì đông người cần mua”.

Bà con thỏa thuận, trao đổi sản vật của địa phương
Bà con thỏa thuận, trao đổi sản vật của địa phương

Lúc đi chợ, chiếc gùi của họ chất đầy hàng hóa, còn khi trở về cũng vậy bởi có bao nhiêu thứ cần chuẩn bị trước dịp Xuân về. Nhưng chủ yếu vẫn là gạo, muối…những thứ không thể thiếu đối với cuộc sống của bà con dân bản. Nếu chị nào bán được nhiều hàng thì có điều kiện sắm cho các con một ít quần áo để đón Tết và một ít bánh kẹo, mắm muối…

Không riêng gì người dân xã Ba Tầng mà bà con các xã lân cận như A Xing, A Dơi, A Túc… cũng phải đi giữa đêm khuya, vượt qua những chặng đường khó khăn để về trung tâm huyện. Tết đang đến gần nên bà con ai cũng có nhu cầu mua sắm. Và, để có được một cái Tết tạm gọi là no đủ thì người dân các địa phương này cũng phải tranh thủ đưa những sản vật do mình làm ra để trao đổi, bán cho người khác nhằm mua lại những thứ còn thiếu.

Đăng Đức