(Dân trí) - Dịch Covid-19 căng thẳng, Thiếu tá Nguyễn Thị Minh nhất quyết không "lập chốt rào làng", dù chịu không ít sức ép. "Nếu có vấn đề gì, tôi sẽ tự chịu trách nhiệm", nữ Trưởng Công an xã quả quyết.
Dịch Covid-19 căng thẳng, Thiếu tá Nguyễn Thị Minh nhất quyết không "lập chốt rào làng", dù chịu không ít sức ép. "Nếu có vấn đề gì, tôi sẽ tự chịu trách nhiệm", nữ Trưởng Công an xã quả quyết.
Phải thuyết phục khá lâu, Thiếu tá Nguyễn Thị Minh - Trưởng Công an xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) mới đồng ý trò chuyện với tôi. "Công việc thì ở xã nào cũng thế, anh chị em đều vất vả như nhau, tôi có gì đặc biệt hơn để viết đâu", Thiếu tá Minh nói nhưng thấy tôi vẫn khăng khăng muốn gặp, chị đành phải xuôi theo, dù "giao ước" không viết về riêng chị bởi "kết quả này là cố gắng, nỗ lực của tất cả anh em và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các đồng chí trong Đảng ủy, UBND xã".
Thiếu tá Nguyễn Thị Minh là một trong 2 nữ Công an tỉnh Nghệ An được bố trí trưởng công an xã theo Đề án bố trí công an chính quy về xã. Đã kinh qua công tác tại Đội cảnh sát Hình sự, rồi Đội Quản lý hành chính, Công an huyện Nghi Lộc, lại được bố trí về ngay tại quê nhà, theo Thiếu tá Minh, đó là những thuận lợi mà ít đồng nghiệp có được. Và quan trọng hơn hết là chị tự tin mình sẽ làm tốt nhiệm vụ mới khi nhận được sự tin tưởng từ lãnh đạo công an huyện cũng như chính quyền địa phương.
Ngày 20/5/2020, Thiếu tá Minh cầm quyết định về xã Nghi Thịnh nhận nhiệm vụ. "Lúc đó, ngoài trưởng xã ra thì chưa có một công an viên chính quy nào. Mặc dù có sự hỗ trợ của lực lượng công an bán chuyên trách nhưng với những công việc mang tính chất nghiệp vụ thì tôi phải đảm đương hết", nữ trưởng công an xã nhớ lại.
Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng không thể tránh khỏi hụt hẫng trong những ngày đầu, khi công việc mới tiếp nhận còn bừa bộn, nơi ăn chốn ở chưa có. Bởi vậy, suốt một tháng ròng, dù nhà chỉ cách 3 cây số nhưng chị phải "bám trụ" tại công sở để sắp xếp, giải quyết công việc. Khi các công an viên chính quy lần lượt được bổ sung, công việc của Thiếu tá Minh mới bớt vất vả, nhưng áp lực không vì thế mà giảm đi.
Thời điểm đó, Bộ Công an đang triển khai hai đề án lớn là kiểm tra, phúc tra dữ liệu về dân cư và tổng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trên toàn quốc. Để hoàn thành khối lượng công việc cực lớn như thế, cả lực lượng chính quy và đội ngũ bán chuyên trách gần như phải "vận dụng" đến 200% sức lực để hoàn thành kịp tiến độ đề ra. "Thời điểm đó là giữa hè, nắng như thiêu như đốt, chưa có điều hòa, nóng từ thời tiết, "nóng" từ công việc. Ngày, anh em tỏa xuống từng thôn xóm để tra cứu dữ liệu dân cư, tối về kiểm tra, rà soát, nhập dữ liệu vào máy. Để đảm bảo tiến độ, anh chị em cứ thay nhau ngủ mỗi người 2 tiếng rồi lại ngồi vào máy, căng mắt dò từng dữ liệu để đảm bảo chính xác", Thiếu tá Minh nhớ lại.
Khi đề án dữ liệu dân cư tạm ổn thì dịch Covid-19 bùng phát. Vừa đảm bảo công tác an ninh trật tự, vừa là một trong những lực lượng nòng cốt về phòng, chống dịch Covid-19 là thách thức không nhỏ đối với nữ trưởng công an xã và đồng đội. Nhiệm vụ quá mới mẻ, bởi vậy chị phải gồng mình lên, vừa làm, vừa điều chỉnh theo tình hình thực tế và diễn biến "nóng" của dịch.
Tháng 8/2021, toàn huyện Nghi Lộc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch, nhiều chốt kiểm soát được dựng lên ở cửa ngõ ra vào các xã, các thôn làng. Nhưng Thiếu tá Minh lại đề xuất không lập chốt. Đọc được sự nghi ngại trong mắt các lãnh đạo địa phương, Thiếu tá Minh quả quyết: "Tôi sẽ chịu trách nhiệm về quyết định của mình". Thay vì lập chốt, công an chính quy phối hợp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã, xóm và công an bán chuyên trách thành lập các tổ tuần tra lưu động để kịp thời phát hiện, đồng thời xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Chính sự cơ động và đảm bảo tình huống bất ngờ, cộng với việc xử lý kiên quyết, không thiên vị nể nang đã dần dần thay đổi ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19 của người dân.
"Một mình lực lượng công an thì không làm được thế. May mắn chúng tôi có được sự tin tưởng, ủng hộ, đồng thuận từ lãnh đạo địa phương, sự phối hợp tích cực từ các tổ chức đoàn thể, cán sự các xóm đến từng người dân", Thiếu tá Minh đúc rút.
Ông Võ Thanh Đào - Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Phòng chống dịch Covid-19 xã Nghi Thịnh cho biết, vào thời điểm đó, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Nghi Lộc chỉ đạo các địa phương lập các chốt chặn tại các vị trí giáp ranh các xã để tăng cường công tác kiểm soát dịch. "Khi đồng chí trưởng công an xã đề xuất không lập chốt chúng tôi cũng băn khoăn lắm, các xã khác đều lập hết rồi. Đồng chí cán bộ huyện phụ trách công tác phòng chống dịch trên đia bàn xã cũng ý kiến vì sao Nghi Thịnh không làm như các xã. Sau khi nghe Thiếu tá Nguyễn Thị Minh giải thích, quyết tâm của lãnh đạo xã, lực lượng công an chính quy cũng như các đoàn thể và căn cứ vào tình hình thực tế, đồng chí ấy cũng đồng ý với ý kiến không lập chốt chặn Covid-19. Mặc dù không lập chốt kiểm soát nhưng công tác phòng chống dịch trên địa bàn vẫn đạt được kết quả tốt, được huyện ghi nhận và đánh giá cao", Bí thư Đảng ủy xã Nghi Thịnh cho hay.
Về xã mới biết có bao nhiêu vụ việc không tên, bao nhiêu tình huống phát sinh, bao nhiêu vấn đề không thể cứ theo quy định mà xử lý được. Từ chuyện mất gà, lạc vịt, chuyện hàng xóm láng giềng tranh chấp một cái bờ rào, anh em mâu thuẫn vì đất đai cho đến chuyện mâu thuẫn vợ chồng... việc đầu tiên của người dân là "lên tìm chị Minh".
"Chuyện tranh chấp đất đai công an chỉ là đơn vị phối hợp khi xảy ra các tình huống gây mất an ninh trật tự, còn chức năng chính để giải quyết vấn đề này là địa chính và UBND xã. Tuy nhiên, khi người dân tin tưởng tìm đến, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nhưng chủ yếu là tư vấn, giải thích để hòa giải giữa hai bên, bởi hầu hết đều là người làng, người xóm, anh em trong gia đình. Trong trường hợp vụ việc không thể giải quyết được bằng hòa giải sẽ hướng dẫn người dân đến đơn vị chức năng nhưng rất vui khi các vụ việc hòa giải thành công chiếm tỉ lệ cao hơn", Thiếu tá Minh chia sẻ.
Ông L.C.H. (70 tuổi) và em ruột L.Đ.V. (63 tuổi), trú cùng một xóm. Không hiểu khúc mắc từ đâu nhưng thường xuyên mượn rượu để chửi bới, thậm chí là xô xát, gây gổ nhau. Có hôm say "ngoắc cần câu", hai cụ lại gây gổ nhau rồi kéo lên công an xã nhờ... phân giải. Lên đến nơi, hai cụ già tiếp tục chửi nhau, cán bộ công an xã phải ngồi đợi anh em ông H. tỉnh rượu mới có thể làm việc.
Thiếu tá Minh kể: "Tôi mời hai cụ vào phòng làm việc, nhẹ nhàng phân tích. Hai cụ là anh em ruột thịt, là người già cả trong nhà, phải làm gương cho các con, các cháu. Các cụ không yêu thương, không đoàn kết thì làm sao có thể bảo ban được con cháu trong nhà? Hai cụ suốt ngày say xỉn, gây gổ nhau, sau này xuống suối vàng còn mặt mũi nào gặp lại cha mẹ mình. Tôi nói nhiều lắm, lấy tình cảm của người con, người cháu để tâm sự với các cụ. Lúc đầu các cụ còn nóng mặt, quát cả tôi đấy, nhưng dần dần thấy im lặng ngồi nghe. Người em đứng ra nhận lỗi trước, người anh cũng lên tiếng xin lỗi rồi ôm nhau hòa giải và hứa với tôi là bớt uống rượu. Từ đó đến nay rượu thì các cụ không bỏ được nhưng uống chừng mực hơn, cũng không thấy chửi bới nhau nữa".
Thấy Thiếu tá Nguyễn Thị Minh và tôi đi qua ngõ, bà Lê Thị Phương (SN 1955, trú xóm 5, xã Nghi Thịnh) đang cắt cỏ trong vườn đứng lên, đon đả chào: "Chị Minh đi tuần à? Tôi vừa lấy được căn cước công dân rồi chị ạ. May có công an chính quy về xã, cái gì cũng được giải quyết nhanh gọn chứ 6 năm qua tôi cứ vướng mãi không làm được. Thằng con tôi ở nước ngoài bảo đang làm thủ tục để đón mẹ sang với vợ chồng nó đấy". Thiếu tá Minh ghé vào nhà trò chuyện với bà Phương. Câu chuyện quanh vườn tược, rau dưa nhưng rôm rả lắm.
"Chúng cháu về đây với bà con, giúp được bà con cái gì thì cố hết sức để làm. Gần dân, vì dân thì dân mới tin, mới đồng lòng, tạo điều kiện để chúng cháu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình", nữ trưởng công an xã chia sẻ.
"Nhiệm vụ nặng như thế làm sao chị có thể cân bằng hai vai công việc và gia đình?", tôi hỏi. Thiếu tá Nguyễn Thị Minh không đắn đo mà trả lời: "Tôi nghĩ đối với người phụ nữ, đặc biệt là nữ chiến sĩ công an nhân dân, công việc hay gia đình đều rất quan trọng, không thể nói là cái nào quan trọng hơn cái nào. Nếu công việc tốt mà bỏ bê gia đình tôi nghĩ đó là một người vợ, một người mẹ thất bại. Nhưng nếu chỉ lo vun vén riêng tư mà sao nhãng nhiệm vụ, thì tôi không hoàn thành công việc Đảng và Nhân dân giao phó. Tôi may mắn có chồng cùng ngành, luôn cảm thông và thấu hiểu cho công việc của vợ, có bố mẹ hai bên luôn sẵn sàng hỗ trợ, chăm sóc các cháu để tôi yên tâm công tác".
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Nguyễn Vượng