1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Nữ TNXP 3 lần được truy điệu sống

(Dân trí) - Với nhiệm vụ tải thương, thông đường, 3 lần nữ TNXP Hồ Thị Thu Hiền được đồng đội truy điệu sống và cả 3 lần, bà đều trở về an toàn. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bà đã được phong tặng danh hiệu anh hùng.

Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Thị Thu Hiền
Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Thị Thu Hiền

Một ngày cuối tháng 4 lịch sử, khi cả nước đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm ngày chiến thắng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có mặt tại căn nhà nhỏ của nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Thu Hiền (SN 1943, phường Lê Mao, Tp Vinh). Ký ức của những ngày phục vụ chiến đấu ở chiến trường Quảng Bình - Quảng Trị ùa về trong những câu chuyện kể của bà.

18 tuổi, cô gái Hồ Thị Thu Hiền (quê Hưng Phú, Hưng Nguyên) gia nhập đoàn quân thanh niên xung phong Nghệ An phục vụ công việc bắc cầu, làm đường tại các địa phương trong tỉnh. Vừa phục viên được một thời gian, trước đòi hỏi khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Hiền xung phong đi lần thứ 2. Lần này được phiên chế vào đại đội 202, N241, P31 Thanh niên xung phong Nghệ An với chức vụ đại đội trưởng, trực tiếp quản lý và chỉ huy 150 chiến sỹ.

Sau khi đội hình tập hợp, cả đại đội được lệnh hành quân vào phục vụ chiến dịch Trị - Thiên Huế. “Đại đội chúng tôi được phân công nhiệm vụ gùi đạn dược, lương thực phục vụ chiến đấu. Vừa gùi hàng, vừa mở đường, vừa chống trả các cuộc đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ nhằm chặn đứng con đường tiếp tế vào Nam của quân và dân ta" - bà Hiền kể.

Không thể nói hết những gian khổ mà bà cùng đồng đội đã trải qua. Những cơn mưa rừng, những thiếu thốn, đói khát và cả những hy sinh nhưng trên cả là lòng căm thù quân cướp nước, là quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc nên tất cả các nhiệm vụ đều được hoàn thành một cách xuất sắc.

Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Thị Thu Hiền
Hồ Thị Thu Hiền - Đại đội trưởng đại đội 202 TNXP Nghệ An khi tham gia làm đường giao thông ở Quảng Bình - Quảng Trị

Hoàn thành nhiệm vụ vận tải hàng phục vụ chiến dịch Trị - Thiên Huế, năm 1970, đơn vị bà được điều động ra Quảng Bình. Đáng lẽ ra toàn đại đội sẽ được nghỉ ngơi, an dưỡng sau thời gian phục vụ chiến đấu nhưng sau khi nghe tin Bác Hồ qua đời, những người con Xô Viết đã biến đau thương thành hành động cách mạng, phát động đào mương dẫn nước chống hạn, cứu lúa cho 2 xã thuộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Chỉ trong một thời gian ngắn, đại đội 202 đã đào đá, phạt núi làm được 5km đường mương dẫn nước từ sông Lệ Thủy tưới tiêu cho những cánh đồng lúa thường xuyên bị khô hạn.

“Tháng 3/1971, chúng tôi được điều động ra mặt đường, đảm trách nhiệm vụ cáng đá dăm rải nhựa từ Đồng Hới đến Cổn. Đây là cung đường bị đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Chúng đã rải xuống cung đường này không biết bao nhiêu là bom từ trường, bom bi hòng phá hỏng con đường chiến lược vào Nam của ta”, bà Hiền nhớ lại.

Nhiệm vụ phá bom, thông đường được đặt lên hàng đầu. Với kinh nghiệm phá bom từ hồi làm Cầu Cấm, đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền xung phong nhận nhiệm vụ, cùng với 2 chiến sỹ khác ra mặt đường. Bà Hiền vẫn giữ giọng nhỏ nhẹ: “Nhiệm vụ của tổ cảm tử là ra mặt đường, rà, phá bom để các đơn vị bạn san lấp, thông đường cho xe qua. Phương tiện thô sơ, bởi vậy ra đường, sự sống và cái chết là 50-50. Anh em tổ chức truy điệu cho cả 3 người chúng tôi và xác định 3 người hy sinh để giảm thương vong cho cả đại đội nên chúng tôi vào trận với tâm thế hết sức nhẹ nhàng”.

Sau lễ truy điệu sống, 3 chiến sỹ TNXP ra mặt đường. Cả đại đội nín thở theo dõi. Những tiếng nổ chát chúa vang lên, khói bom tỏa kín một vùng trời, bụi, đất, đá tung mù mịt. 3 người lóp ngóp bò dậy, cả đại đội ùa ra, reo hò ăn mừng rồi nhanh chóng san lấp các hố bom để đoàn xe rầm rập tiến ra mặt trận.

Hồ Thị Thu Hiền (đội mũ) trong lần giao lưu với thanh niên Trung Quốc
Hồ Thị Thu Hiền (đội mũ) trong lần giao lưu với thanh niên Trung Quốc

Năm 1971, đại đội được lệnh phục vụ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Lam Sơn 719 với nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược ra mặt trận và tải thương từ mặt trận về tuyến sau. “Đường xá hiểm trở, trên bom, dưới đạn nên theo quy định cứ 6 người phụ trách một cáng thương binh. Nhưng khi vào tới nơi thì thương binh nhiều quá, đành phải 2-3 người một cáng, vừa đi, vừa thay nhau.

Với quyết tâm “Không để thương binh bị thương lần 2”, “Bảo vệ thương binh như bảo vệ con ngươi của mắt mình”, cấp trên chỉ chọn những anh em đủ sức khỏe tham gia nhiệm vụ này. Cả đại đội viết đơn tình nguyện bằng máu để được đi. Nếu đi đường lớn, địch phát hiện sẽ dội bom, bắn như vãi đạn, nguy cơ thương vong càng lớn. Bởi vậy chúng tôi quyết định mở một con đường khác để tải thương binh ra”, bà Hiền nhớ lại.

Nhiệm vụ mở đường tải thương được giao cho những đồng chí gan dạ, nhiều kinh nghiệm nhất. Thế nhưng, chiến trường ác liệt với những dốc đèo nguy hiểm, vực núi cheo leo và vô vàn những quả bom từ trường, bom bi, mìn lá được địch rải khắp núi rừng. Vừa đi, vừa dò mìn, phá bom, vừa tìm hướng thuận lợi với cung đường ngắn nhất để mở. 8 đồng chí xung phong nhận nhiệm vụ một mất một còn này, trong đó có đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền. Toàn đơn vị cũng tổ chức truy điệu sống cho đội cảm tử. Và cũng thật may mắn, lần này, toàn đội trở về nguyên vẹn, một con đường tải thương an toàn đã được mở ra, giảm thương vong cho cả thương binh lẫn những thanh niên xung phong tải thương.

Kết thúc chiến dịch Nam Lào, đại đội 202 được điều tới sửa đường từ sân bay thị xã Đồng Hới đến Cổng Trời. Đây cũng là một trong những cung đường bị địch bắn phá ác liệt. Cựu TNXP Hồ Thị Thu Hiền kể: “3 quả bom từ trường được ném trúng tim đường. Sau lưng là một đoàn xe dài dằng dặc đợi ra chiến trường. Lệnh trên xuống: phải thông đường trong thời gian sớm nhất! Nhưng nếu sử dụng phương pháp phá bom thông thường, 3 quả bom sẽ nổ cùng lúc, tất cả những người làm nhiệm vụ phá bom sẽ hy sinh nhưng mặt đường sẽ bị “bốc” đi cả đoạn lớn.

Nữ anh hùng và niềm vui gặp lại đồng đội cũ
Nữ anh hùng và niềm vui gặp lại đồng đội cũ

Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định thay vì nổ mìn phá bom, sẽ tập trung lực lượng đẩy bom xuống taluy âm. Nếu nổ ở phía dưới ấy, đường sẽ bị hỏng ít hơn nhưng những người đẩy bom cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng bởi lẽ quả bom có thể nổ bất cứ lúc nào”.

Lần này, đại đội tiếp tục tổ chức truy điệu sống cho đội phá bom. Sau lễ truy điệu uy nghi, 15 chàng trai, cô gái hơn 20 tuổi, trong đó có đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền ôm đồng đội lần cuối rồi vác đòn tre, đòn gỗ ra đẩy bom. Một không khí căng thẳng bao trùm trên cung đường. Cả đoàn người và xe nín thở theo dõi. Trên mặt đường, các tổ cảm tử TNXP mồ hôi đầm đìa, gắng sức bậy quả bom lên và đẩy xuống vực. Ầm, ầm, ầm! 3 quả bom phát nổ khi đã lăn xuống dưới chân taluy âm. Đường được giải phóng. Cả đoàn người vỡ òa sung sướng, ôm nhau khóc. Xe lại rầm rập ra chiến trường, TNXP lại trở về với công việc san đường, bạt núi.

Kết thúc chiến tranh, đại đội 202 được lệnh trở về Nghệ An, tham gia làm đường 34, đường quốc lộ 7. Ngày 30/10/1975, Hồ Thị Thu Hiền được chuyển về một công ty xây dựng và lập gia đình với quân nhân Hoàng Văn Cự, sinh được 3 người con. Sau khi đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng tại công ty, năm 1993 bà được cấp trên cho nghỉ hưu do vết thương cũ tái phát.

70 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng, bà tự hào đã cống hiến tuổi trẻ, sức lực của mình cho Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với những cống hiến trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, năm 2007, cựu TNXP Hồ Thị Thu Hiền được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hoàng Lam