Nữ thương binh kể chuyện bị địch tù đày, tra tấn và ý chí không khuất phục
(Dân trí) - "Tôi nhiều lần không may rơi vào tay kẻ thù khi hoạt động cách mạng. Tôi từng bị địch bắt, tù đày từ các nhà tù của Nha cảnh sát đô thành Sài Gòn, cho đến nhà tù tại Côn Đảo", nữ thương binh kể lại.
Sáng 25/7, TPHCM tổ chức hội nghị họp mặt người có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Sự kiện đã đón tiếp, tôn vinh, 120 người là các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
Chương trình có sự tham dự của ông Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH. Dự hội nghị họp mặt còn có hàng trăm đoàn viên, thanh niên ưu tú trên địa bàn.
Đại diện cho các đại biểu có mặt, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi (thương binh hạng 2/4) chia sẻ, trong mỗi dịp 27/7, những hồi ức về khoảng thời gian chiến tranh ác liệt lại ùa về như mới ngày hôm qua. Trong quãng thời gian đau thương ấy, bà đã chứng kiến những người đồng chí, đồng đội ngã xuống khi đang tuổi thanh xuân, để lại nỗi đau thương, mất mát cho người ở lại.
"Ngày xưa, chúng tôi cầm súng không phải để được tuyên dương, được ghi nhận, tri ân. Chúng tôi yêu nước, yêu quê hương, thương đồng bào mình nên theo chân Bác, không tiếc máu xương để đánh đuổi kẻ thù, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc", bà Phan Thị Ngọc Tươi xúc động.
Còn sống là còn phụng sự Tổ quốc
Để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về hy sinh, gian khổ của thế hệ đi trước, hội nghị đã lắng nghe những chia sẻ của chính những người trong cuộc đã đi qua khoảng thời gian chiến tranh.
Bà Ngô Thị Cẩm Tiên (80 tuổi, thương binh hạng 4/4), Phó Chủ tịch thường trực CLB Truyền thống Kháng chiến quận 11, chia sẻ, lớn lên trong gia đình có truyền thống tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngay từ thuở nhỏ, bà đã nhận thức rõ và đi theo cách mạng, giữ vững tinh thần yêu nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
"Trong kháng chiến, tôi nhiều lần không may rơi vào tay kẻ thù khi hoạt động cách mạng. Tôi từng bị địch bắt, tù đày từ các nhà tù của Nha cảnh sát đô thành Sài Gòn ngày đó, cho đến nhà tù tại Côn Đảo", bà Tiên kể lại.
Nữ thương binh bày tỏ, trong kháng chiến, nhiều đại biểu ngồi tại hội trường và những người không có mặt từng phải chịu gian khổ, tù đày như vậy. Mỗi người trong số đó đều trải qua vô vàn đau thương, mất mát, chịu sự tra tấn dã man.
"Địch tra tấn bằng nhiều hình thức, từ đánh đập, dìm nước, treo trụ điện. Nhưng với tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của gia đình, tôi đã quyết tâm đến cùng không khai báo", bà Ngô Thị Cẩm Tiên kể lại.
Đến ngày đất nước giải phóng, bà cho rằng mình may mắn hơn nhiều đồng đội vì còn sống sót quay về. Nhiều đồng đội của bà đã vĩnh viễn nằm xuống vì sự bình yên của nhân dân.
"Tôi luôn giữ vững ý nghĩ, còn sống phút giây nào thì còn phụng sự Tổ quốc. Tôi mong muốn các bạn trẻ, thế hệ trẻ hôm nay luôn hướng về Tổ quốc, sự nghiệp cách mạng, nhớ về sự hy sinh của thế hệ đi trước. Các em, các cháu cần có lý tưởng, hoài bão xây dựng đất nước tươi đẹp", bà Ngô Thị Cẩm Tiên nhắn nhủ.
Người thương binh đặc biệt bỏ lại âu lo
Ông Đinh Văn Dũng (81 tuổi, thương binh đặc biệt hạng 1/4), kể lại, trong cuộc đấu tranh và bảo vệ biên giới Tây Nam, ông đã để lại đôi chân ở chiến trường, một bên tai không còn nghe được. Tuy nhiên, ông cho rằng, mất mát của ông chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn sự hi sinh của các đồng đội, đồng chí.
"Ngày trở về, thương tích của tôi là 95%, tôi cũng từng suy nghĩ về tương lai của mình sẽ ra sao. Rồi, tôi đã bỏ hết mặc cảm, âu lo, phiền não, để lại ước mơ tuổi trẻ và lao vào lao động, sản xuất bằng khả năng của mình. Từ đó, những khó khăn trong cuộc sống đã giảm dần", thương binh Đinh Văn Dũng bày tỏ.
Ông cho rằng, phép màu đã đến, khi Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo tích cực mình đến cuộc sống của mình. Bằng sự hỗ trợ đó, người thương binh đặc biệt đã vượt mọi khó khăn để luôn giữ vững tinh thần của một công dân gương mẫu, nỗ lực đóng góp cho xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó để lại vẫn còn đó. Những vết thương về thể chất, tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể các thương binh, gia đình liệt sĩ.
"Những đau thương, mất mát của chiến tranh giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn giá trị của hòa bình. Những câu chuyện xúc động của gia đình thương binh, liệt sĩ với những tấm gương bình dị, cao cả, tỏa sáng càng làm rạng rỡ, vinh danh 2 tiếng Việt Nam", Phó Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ.
Lãnh đạo UBND TPHCM đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM gửi lời tri ân sâu sắc đến các vị lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương binh, bệnh binh thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.