1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nữ phi công xinh đẹp với ước mơ chinh phục bầu trời

Làm phi công phải chấp nhận sống cùng những chuyến bay mà thời gian không cố định, luôn bị động và sức khỏe bị ảnh hưởng vì múi giờ liên tục thay đổi. Nam làm phi công đã vất vả, nên với phụ nữ làm phi công thì những vất vả đó còn gấp nhiều lần.

Chào chị! Được biết chị là nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam, vậy cơ duyên đến với hàng không và quá trình trở thành phi công của chị như thế nào?

Phi công Nguyễn Ly Hương (sinh năm 1983): Hương lựa chọn thi tuyển và theo học phi công hoàn toàn do sở thích cá nhân. Khi vừa tốt nghiệp đại học thì đọc thấy có thông báo tuyển dụng phi công của Vietnam Airlines nên em nộp hồ sơ và may mắn qua các vòng thi tuyển nên cảm thấy hứng thú trong quá trình học và vượt qua được quá trình huấn luyện.

Hương chính thức bay máy bay thương mại từ tháng 12/2008, tham gia tổ lái ATR72-500 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và bắt đầu huấn luyện lái chính từ tháng 9/2014. Từ tháng 1/2015, Hương chính thức trở thành cơ trưởng lái máy bay ATR72-500. Hiện Hương đang là giáo viên huấn luyện bay và dạy lý thuyết - Cơ trưởng của đội bay ATR72-500.


Nữ phi công Nguyễn Ly Hương.

Nữ phi công Nguyễn Ly Hương.

Những đặc thù của ngành hàng không khiến các nam phi công cũng gặp không ít khó khăn, vậy thì đối với phụ nữ phải trải qua những vất vả gì khi làm nghề phi công?

Do yêu thích nghề phi công nên quá trình học tập huấn luyện Hương cũng không thấy có khó khăn gì. Theo em, nghề nào cũng phải học hỏi phải rèn luyện và chắc chắn không nghề nào dễ dàng, em nghĩ việc mình vượt qua chặng đường đó là điều phải làm không nên coi là khó khăn nghề nghiệp.

Sau khi đi làm một thời gian thì có một đặc thù nghề nghiệp đối với tất cả phi công chứ không riêng gì phi công nữ đó là thời gian làm việc. Do các chuyến bay không phải lúc nào cũng trong giờ hành chính, những chuyến bay dài... nên thời gian của phi công không cố định, luôn bị động, việc thay đổi múi giờ cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ phi công.

Phụ nữ làm phi công thì thời gian dành cho gia đình sẽ bị ảnh hưởng, nhất là những bạn phi công đã có gia đình và con cái. Hương đã cố gắng thích nghi và điều tiết thời gian của mình dành cho công việc, cho gia đình phù hợp nhất. Và Hương rất may mắn vì có gia đình giúp đỡ nên cuộc sống cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Nhưng trong công việc, phụ nữ đôi khi có nhiều lợi thế hơn cánh nam giới, còn đối với phi công là nữ như Hương thì sao?

Đối với Việt Nam thì nghề phi công ít nữ, nhưng trên thế giới có rất nhiều nữ phi công, nên đây cũng không hẳn là nghề chỉ dành cho nam giới.

Các bạn nữ thì bản chất là làm việc chi tiết, cẩn thận nên đây cũng được coi là một ưu điểm. Ngoài ra phi công là một nghề mà yêu cầu luôn phải học hỏi bổ sung kiến thức, ôn luyện những kiến thức cơ bản thế nên bạn nào (không chỉ các bạn nữ) thích đọc sách đọc tài liệu thì đây cũng là một điểm mạnh.

Phải đánh đổi nhiều thứ để cống hiến với nghề, chị đã bao giờ hối hận về quyết định làm phi công của mình và muốn đổi nghề chưa?

Đến giờ thì Hương cũng chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình, có lẽ do Hương là người thích nhìn về tương lai hơn là giả thiết về quá khứ. Hương không có ý định đổi công việc gì khác trong tương lai. Được làm công việc yêu thích, công việc ấy trả lương đủ để sống thoải mái thế nên sao em lại phải đổi nghề?

Từng yêu thích và gắn bó với công việc của một kiểm soát viên không lưu, chắc hẳn phải có một sự cuốn hút đặc biệt nào đó mới khiến chị chuyển nghề làm phi công?

Nữ phi công Hà Thị Diệu Hiền (sinh năm 1985) - Hiền sinh ra và lớn lên ở Huế, Hiền tự hào là học sinh của trường Quốc Học - ngôi trường năm xưa Bác Hồ từng theo học. Trước khi đến với nghề bay mình từng là kiểm soát viên không lưu của Công ty Quản ý Bay miền Bắc.

Công việc khá đặc thù, thật sự đã mở ra cho mình nhiều điều mới mẻ, đó là bước đi đầu tiên dẫn dắt mình đến với ngành hàng không, đến gần hơn với radar, đường băng, sân đỗ, và cả với máy bay. Hàng ngày đi làm điều khiển máy bay cất hạ cánh, tình yêu nghề và cả yêu máy bay cũng lớn dần lên.


Cơ phó Hà Thị Diệu Hiền.

Cơ phó Hà Thị Diệu Hiền.

Trước đây mình không nghĩ sau này máy bay sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của mình, nhưng sau chuyến bay cảm giác - chuyến bay kiểm soát viên không lưu bay cùng phi công để hiểu hơn công việc của người lái -  mình quyết định chuyển sang học bay sau gần 5 năm gắn bó với nghề, ước mơ về một góc nhìn mới, được gần hơn, hiểu hơn máy bay và bầu trời.

Được biết, ngày 20/10 gắn liền với chị trong nhiều sự kiện, trùng hợp là lịch bay của chị cũng thường “rơi” đúng vào ngày lễ của phụ nữ, cảm giác của có như thế nào?

Cách đây đúng 3 năm, ngày 20/10/2012 - Hiền về nước sau khi hoàn thành khoá huấn luyện bay cơ bản ở Mỹ. Ngày 20/10 cũng là ngày quốc tế không lưu - chúc các đồng nghiệp Không Lưu luôn đầy tâm huyết, dẫn dắt những chuyến bay an toàn và hiệu quả.


Nữ phi công nhí nhảnh sau giờ làm việc.

Nữ phi công nhí nhảnh sau giờ làm việc.

Ngày 20/10 năm nay mình có lịch bay đi Nhật. Trên những chuyến bay trong ngày này Hiền đã nhận được những lời chúc mừng. Cuộc sống có nhiều bất ngờ và ý nghĩa từ những điều giản đơn. Dịp 20/10, chúc chị em luôn đầy niềm tin, đam mê để thực hiện những ước mơ của mình.

Nhật Minh