1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nữ đại gia và khát vọng bình yên

(Dân trí) - Thiên hạ rầm rĩ về “vụ ly hôn nghìn tỷ” của một nữ đại gia, ái nữ của ông chủ tập đoàn kinh doanh khách sạn, du lịch, BĐS nổi tiếng Hà thành. Nỗi đắng cay của cuộc hôn nhân thất bại của chị lại phải gánh thêm ngàn lẻ một lần bị đào xới…

Chàng, nàng và… địa ngục !

 

Như bao người phụ nữ khác, hôn nhân đã từng là giấc mơ đẹp nhất với chị. Những người phụ nữ thường gửi gắm vào đó biết bao nhiêu hy vọng, rồi một ngày khi thấy những hy vọng đó đã tan thành mây khói, một mình không gánh nổi cuộc tình, nhiều người vẫn cắn răng chịu đựng, nước mắt thầm rơi, nhưng tận đáy lòng vẫn le lói mong chờ “ngày mai sẽ khác”… Có những tháng năm trôi qua trong cuộc đời mà sau đó nghĩ lại, người ta không hiểu vì sao mình có thể “qua” được. Bây giờ, khi đã có đủ thời gian và khoảng cách để nhìn nhận lại mọi việc, chị càng thấy, với những người không hiểu nhau, không cùng quan điểm sống, không thể chia sẻ mọi vui buồn và đi đến hòa hợp, thì sự “gắn bó” của họ chẳng qua chỉ là hình thức và đến một ngày sẽ trở thành địa ngục. Bởi vậy, với chị, luật hôn nhân gia đình với những quy định cụ thể về ly hôn, chính là chỗ dựa, là lối “thoát hiểm”, là sự giải tỏa cho cuộc hôn nhân đã đến hồi bế tắc của mình…

 

Nhưng phải đợi đến khi có “giọt nước tràn ly”, người vợ trẻ, người mẹ của hai đứa con thơ đó mới dứt khoát được điều phải làm. Đó là ly thân. Một quyết định cần thiết, khó khăn, thậm chí đã phải trả giá bằng… máu!

 

“Kẻ thứ ba”: Bạo lực gia đình

 

Chúng tôi đã tận mắt đọc kết quả khám thương của chị do đại tá - bác sĩ Nguyễn Phương Tri – Nguyên trưởng khoa, Bệnh viện trung ương quân đội 108 kết luận vào ngày 29/12/2009, tức 4 ngày sau trận đòn trong phòng ngủ, mà người ra tay không ai khác, là người hằng đầu gối tay ấp, cha hai đứa con của chị: “Bị chấn thương sọ do bị đánh, nay đau đầu, thấy buồn nôn. Xuất huyết kết mạc 2 mắt”. Có thể nói, đó là một câu chuyện khó tin: một cặp vợ chồng trẻ, được học hành chu đáo, lấy nhau tự nguyện, con trai con gái ngoan ngoãn xinh đẹp, kinh tế khá giả, công việc cả hai đều ổn định… nhưng chỉ đến năm thứ 5 của cuộc sống chung, đã ngang nhiên xuất hiện “kẻ thứ ba”: Bạo lực gia đình.

 

“Kẻ thứ ba” đó, ban đầu là những “cuộc nói chuyện” thâu đêm suốt sáng. Đi làm về, căng thẳng và mệt mỏi, lẽ ra người nữ doanh nhân ấy có thể tạm quên công việc thương trường và thảnh thơi trong tổ ấm của mình. Nhưng không, những cuộc tra hỏi triền miên, những nghi ngờ nối tiếp nghi ngờ, những hành xử bất thường từ phía người chồng đã khiến chị đôi lúc cảm thấy mình mệt mỏi và chán nản, rồi cuối cùng cảm thấy chỉ thiếu phát điên. Ngay cả các đối tác của chị cũng bị vạ lây vì người chồng khi thì tin nhắn, khi thì đến gặp trực tiếp, dọa nạt, bắt ép phải nhận đã ngoại tình với vợ mình… Liệu đó có phải là một cách “yêu” vợ?  Liệu đó có phải là một cách “dàn xếp” gia đình của người chồng khôn ngoan?

 

Tiếp  đến là thượng cẳng chân và hạ cẳng tay.

 

Trận đòn rạng sáng ngày Noel năm 2009 đó đã diễn ra trong im lặng. Người vợ không thể kêu cứu bất cứ ai: hai đứa con thơ dại đang ngon giấc trên giường, điện thoại bàn bị ngắt, điện thoại di động bị tịch thu… Chị đã phải nuốt nước mắt, câm lặng chịu đòn, trong khi người chồng cũng không một lời ầm ĩ, chỉ điên khùng bằng hành động, túi bụi đấm đá vào đầu, vào mặt vợ. Sáng ra, chị vẫn phải dậy, dọn dẹp nhà cửa và mượn phấn son để che những vết bầm tím, chuẩn bị cho con đi học còn bản thân thì không được ra khỏi nhà, phải cam kết “sẽ vĩnh viễn ở nhà không đi làm”.

 

“Lúc đó, nỗi đau tinh thần của tôi còn lớn gấp bội lần so với nỗi đau thể xác mà tôi đang phải chịu đựng”, sau này, mỗi lần nhớ lại chuyện ấy, chị vẫn không khỏi rùng mình. Và rồi chị đã “bỏ của chạy người” với cuốn sổ hộ khẩu mang tên mình và vài bộ quần áo để trong chiếc túi nilon nhỏ để khỏi bị phát hiện…

 

Lạm dụng quyền làm cha: ngăn cản con đến trường

 

Chúng tôi cũng đã cầm trong tay những giấy tờ, đơn trình báo, biên bản liên quan đến một số hành vi bất bình thường của người chồng như việc gây ồn ĩ tại những cơ quan đối tác của người vợ … Nếu chuyện này có thể chia sẻ phần nào ở góc độ “khi người ta ghen”, thì chuyện người chồng đến trường học của con để đón con không đúng lịch thỏa thuận, dọa nạt ném lựu đạn, gây tắc đường đến mức công an phải can thiệp; gây mất trật tự ở nhà cô giáo cũng phải để công an can thiệp; đặc biệt là yêu cầu trái khoáy của người làm cha: “Trong thời gian chờ ly hôn, chúng tôi sẽ có thỏa thuận đưa đón các cháu riêng và gửi cho nhà trường. Nếu chưa có thỏa thuận đề nghị nhà trường tạm thời tạm cho các cháu nghỉ học” đến mức công an phường Quảng An đã phải ghi vào biên bản ngày 9/2/2011: “Trong thờì gian thỏa thuận, các cháu phải được đi học bình thường. Không được ngăn cấm quyền học tập của các cháu”…

 

Người cha ấy đã nghĩ gì khi đòi hỏi kỳ lạ về việc nghỉ học của con cái mình như vậy? Một nữ tiến sĩ luật, chuyên nghiên cứu về Luật hôn nhân và gia đình, khẳng định, đó là sự lạm dụng quyền làm cha và vi phạm không những Luật hôn nhân và gia đình mà còn vi phạm cả Luật giáo dục, Công ước về quyền trẻ em… Chỉ biết rằng, cùng với việc dây dưa kéo dài cả năm trời, vụ ly hôn giữa hai người làm cha làm mẹ cũng đã được phiên tòa sơ thẩm ra quyết định cuối cùng, thì hai đứa trẻ vô tội ấy sau quá nhiều cuộc chuyển trường không thành vì bị chính cha đẻ của mình săn đuổi, chúng đã phải nghỉ học không được đến trường và phải chịu cảnh đi học “chui” suốt 6 tháng qua!

 

Hết tình, đến… tiền

 

Phải có một tinh thần thép, chị mới có thể đứng vững và tiếp tục “chiến đấu” để giành lại sự tự do quý giá mà chưa bao giờ chị lại thấy mình cần có nó như lúc này.

 

Trước mắt mọi người, chị vẫn xinh đẹp, vẫn nhẹ nhàng lịch sự, vẫn sáng suốt và quyết đoán. Cuộc sống của một doanh nhân không cho phép chị đầu hàng. Thời gian đối với người mẹ trẻ ấy vẫn phải được chia đôi một cách trọn vẹn cho các con và công việc.

 

Mặc ai nói ngược nói xuôi, chị đã nghĩ vậy, chỉ cốt sao cho chị được bình yên. Hai đứa trẻ đáng yêu của chị được ngày ngày cắp sách đến trường. Mỗi ban mai đến với ba mẹ con là một ngày mới yên ổn, chỉ khi đó ba mẹ con chị mới thực sự có được cuộc sống bình thường, không nơm nớp lo sợ bị quậy phá, đe dọa, không phải sống chung với cảm giác có thể gặp tai họa bất cứ lúc nào. Và đơn ly hôn của chị đề ngày 6/4/2010 đã được tòa án thụ lý giải quyết.

 

Đó là lý do trong suốt quá trình tòa thụ lý án, chị nhất quyết giữ vững ý kiến của mình rằng đó là “không còn con đường nào khác”. Biên bản hòa giải do Tòa án Hoàn Kiếm lập ngày 6/12/2010 mà chúng tôi có được, cho thấy người chồng vẫn mong muốn đoàn tụ, song người vợ trước sau chỉ muốn ly hôn. Cả hai đều xin nuôi con và không yêu cầu bên kia đóng góp tiền nuôi con. Về tài sản, cả hai đều không yêu cầu tòa giải quyết.

 

Bất ngờ, ngày cuối cùng trước khi tòa sơ thẩm mở  xử vụ ly hôn, người chồng đưa đơn bổ sung yêu cầu xin chia tài sản chung. Một khối tài sản khổng lồ mà theo người này cho biết, lên tới 10 nghìn tỷ đồng. Thực hư câu chuyện này, còn phải chờ phiên tòa dành riêng cho nó. Tuy nhiên, về phía người vợ, chị cũng rất ngạc nhiên và thấy “thật phi lý vì một người có thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/ tháng làm sao có thể đầu tư một khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng”? Hẳn người chồng cũng biết rằng, theo luật, không chỉ tài sản được cho, tặng người chồng, hoặc vợ trước hôn nhân là tài sản riêng mà ngay cả tài sản được cho, tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân cũng được coi là tài sản riêng của người đó?

 

Tất nhiên, hãy để cho pháp luật thực thi vai trò khách quan và công minh của mình. Một cuộc ly hôn là  tất yếu khi tình nghĩa không còn. Một vụ kiện chia tài sản cũng là tất yếu khi những người trong cuộc không thể tự dàn xếp, thỏa thuận được êm đẹp những gì đã từng phát sinh ở thời kỳ “cơm lành, canh ngọt”. Chỉ có điều, nếu đây là cách để người ta khó dễ nhau, cách trì hoãn ly hôn, cách trả thù “không ăn được thì đạp đổ”, thì hẳn tòa án cũng không khó nhận ra…

 

Trước và sau ly hôn, điều quan trọng nhất đối với mọi phụ nữ là sự yên ổn. Sự giàu có liệu có thể mua được sự yên ổn không, có giúp người ta hạnh phúc không? Đương nhiên là không. Vì thế mà người phụ nữ trong phóng sự này giờ đây chỉ có một nguyện vọng duy nhất: sự bình yên cho chị và hai đứa con thơ… Mong sao người cha của chúng đừng vì chuyện của người lớn mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của các con và quan tâm hơn đến quyền lợi của chúng: quyền được yêu thương, quyền được đến trường…

 

Nhị Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm