1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ý kiến luật sư về vụ án “ly hôn ngàn tỷ”

(Dân trí) - Gần đây dư luận xôn xao về vụ án “ly hôn ngàn tỷ” giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Thanh Thủy (con gái của Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn) và bị đơn là anh Bùi Đức Minh (phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Ý kiến luật sư về vụ án “ly hôn ngàn tỷ” - 1

Bản án số 05/2011/LHST của TAND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Chị Nguyễn Thanh Thủy gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn với anh Bùi Đức Minh từ tháng 4/2010, cho đến mãi ngày 20/4/2011 vụ án mới được chính thức đưa ra xét xử tại Tòa án quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngay khi có bản án sơ thẩm, anh Bùi Đức Minh kháng cáo lại bản án sơ thẩm này vì cho rằng rằng bản án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và xét xử sai lầm về mặt nội dung.
 
Vậy thực hư của vụ án này ra sao? Yêu cầu của bị đơn có căn cứ pháp lý hay không? PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thiều Dương, Công ty Luật TNHH Đại Việt dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc trên.

Xin ông cho biết, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, vụ án đã phải kéo dài do phía bị đơn đã xin hoãn phiên tòa nhiều lần. Thậm chí cũng đã phải thay đổi thẩm phán hai lần. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Theo đơn khởi kiện đề ngày 12/04/2010 của nguyên đơn và trong suốt quá trình giải quyết vụ án, chị Nguyễn Thanh Thủy chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết cho chị ly hôn với anh Bùi Đức Minh và đề nghị được nuôi 2 con chung sau khi ly hôn. Về tài sản chung, công nợ chung của vợ chồng không có nên chị không yêu cầu tòa án giải quyết.
Phía bị đơn là anh Bùi Đức Minh cũng đã khẳng định vợ chồng không có tài sản, công nợ chung và không yêu cầu Tòa án giải quyết trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Tại phiên hòa giải cuối cùng vào ngày 23/12/2010, trước khi Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử, anh Minh vẫn xác định là vợ chồng không có tài sản chung, công nợ chung. Ngoài ra, từ tháng 12/2010 đến ngày 20/4/2011, anh Minh cũng đã từng xin hoãn vài phiên tòa bằng nhiều lý do khác nhau nhưng cũng không có bất cứ yêu cầu gì về tài sản và công nợ chung. Cả hai bên vẫn xác định không có tài sản chung, không có công nợ chung và không yêu cầu tòa án giải quyết.
Sau nhiều lần hoãn phiên tòa, thật bất ngờ vào lúc 16h30 ngày 19/4/2011, anh Bùi Đức Minh có nộp cho Tòa án đơn trình bày bổ sung yêu cầu chia tài sản chung, công nợ chung của vợ chồng và một số tài liệu chứng cứ kèm theo. Vì việc bị đơn nộp bổ sung yêu cầu vào cuối giờ làm việc ngay trước ngày mở phiên tòa nên Tòa án không thể xem xét giải quyết ngay mà cần xem xét yêu cầu này tại phiên tòa vào sáng ngày hôm sau.
Tại phiên tòa, anh Minh đã trình bày bổ sung yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung và các khoản công nợ chung của vợ chồng. Kèm theo đó, anh Minh và các luật sư của anh Minh lại tiếp tục yêu cầu xin hoãn phiên tòa.
Theo quy định của pháp luật thì Tòa án quận Hoàn Kiếm có bắt buộc phải hoãn phiên tòa, xem xét giải quyết yêu cầu đó của anh Bùi Đức Minh hay không?
Anh Minh căn cứ vào khoản 1, Điều 218, Bộ luật tố tụng dân sự để thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình và xin hoãn phiên tòa: “1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự, nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”.
Tuy nhiên, xem xét khoản 1, Điều 218, Bộ luật tố tụng dân sự nói trên và Mục 6, Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 12/05/2006 hướng dẫn khoản 1, điều 218, Bộ luật Tố tụng dân sự, có thể thấy Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự theo nguyên tắc như sau:
Đối với nguyên đơn: Nguyên đơn được thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình nếu yêu cầu bổ sung của nguyên đơn không vượt quá phạm vi yêu cầu của đơn khởi kiện ban đầu;
Đối với bị đơn: Bị đơn chỉ thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình nếu yêu cầu bổ sung của bị đơn không vượt quá phạm vi yêu cầu phản tố ban đầu;
Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình nếu yêu cầu bổ sung đó không vượt quá phạm vi yêu cầu độc lập ban đầu;
Thật đáng quan tâm vì trong vụ án này nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có thay đổi, bổ sung yêu cầu. Bị đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu trong khi bị đơn từ trước đến thời điểm mở phiên tòa không có bất cứ một yêu cầu phản tố nào.
Việc Tòa án quận Hoàn Kiếm dành quyền khởi kiện tranh chấp quyền sở hữu tài sản chung, công nợ chung của vợ chồng anh Bùi Đức Minh trong một vụ án khác nếu có chứng cứ chứng minh có đúng pháp luật?
Cùng với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự là: “Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó” thì rõ ràng trong trường hợp này Hội đồng xét xử hoàn toàn có quyền từ chối việc đưa ra yêu cầu mới này của bị đơn là anh Bùi Đức Minh và dành quyền khởi kiện cho anh Minh trong một vụ án khác. Việc xét xử của Tòa án quận Hoàn Kiếm Hà Nội là hoàn toàn hợp tình, hợp lý.

Xin cảm ơn ông!

Vũ Văn Tiến (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm