Nữ công nhân "không nói lên lời" khi đứng trên Hội trường Diên Hồng
(Dân trí) - Nhận gửi gắm của nhiều đồng nghiệp về vấn đề nhà ở cho người lao động, nữ công nhân ở Bình Dương run không nói lên lời khi lần đầu tiên được đứng phát biểu trong Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Chiều 28/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn Người lao động năm 2023.
Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đại diện cho công nhân, người lao động cả nước.
Chủ tịch Quốc hội ví diễn đàn lần này như một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, và là một cuộc tiếp xúc rất đặc biệt khi lần đầu tiên tổ chức và có sự tham dự của các bộ trưởng chuyên ngành.
Nhà ở xã hội khan hiếm, gia đình công nhân 4-5 người ở nhà trọ 10m2
Là người đầu tiên được mời nêu ý kiến, công nhân Đào Thị Loan (Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ, tỉnh Bình Dương) cho biết nhận được rất nhiều gửi gắm của đồng nghiệp về vấn đề nhà ở cho người lao động.
Tuy nhiên, nữ công nhân tỏ ra khá căng thẳng, mất nhiều thời gian trình bày ý kiến, thậm chí xin "nói lại" vì quá run do lần đầu tiên được đứng phát biểu trong Hội trường Diên Hồng.
Nữ công nhân nêu thực tế hầu hết người lao động lên các thành phố lớn làm việc phải thuê nhà trọ với diện tích chật hẹp, ẩm thấp, tạm bợ, khó khăn trong sinh hoạt.
Vui mừng khi biết tin về Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, song nữ công nhân ở Bình Dương lo lắng vì nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư nhà ở xã hội.
Nữ công nhân mong Quốc hội sớm sửa luật để các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi, triển khai các dự án nhà ở cho công nhân; đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương dành kinh phí xứng đáng cho việc này.
Ông Nguyễn Việt Anh, đoàn viên Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel nêu thực tế nhiều gia đình công nhân con nằm trên giường, bố mẹ nằm trên sàn, vỏn vẹn 10m2. Nhiều gia đình đông con, 4-5 người ở trong phòng. Nhiều gia đình không muốn cho con ở cùng mà phải gửi về quê, đỡ tốn kém.
Ông mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân bởi "an cư mới lạc nghiệp".
Giải đáp việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết một trong những nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở đang trình Quốc hội là những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân.
Theo ông Tùng, dự thảo luật đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, như: Dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội; có chính sách ưu đãi (miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất để chủ đầu tư tiếp cận đất đai phát triển nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để nhiều chủ đầu tư quan tâm…
Người lao động cũng được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận được nhà ở xã hội.
Liên quan việc triển khai đến gói 120.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết lãi suất ưu đãi của gói này từ 1,5% đến 2%. Thời gian vay với chủ đầu tư là 3 năm, đối với người mua nhà là 5 năm. "Việc hỗ trợ này chắc chắn rằng giúp cho chủ đầu tư có vốn đầu tư nhiều hơn cho người lao động", ông Sinh nói.
Dù vậy, trong triển khai, ông Sinh cho biết còn nhiều vướng mắc về thủ tục.
Ngoài gói hỗ trợ 120.000 tỷ này, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 11. "Chúng ta đã gói 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho chủ đầu tư có các dự án nhà ở xã hội; gói 150.00 tỷ hỗ trợ cho người lao động mua nhà với lãi suất 4,8%. Hai gói hỗ trợ này có thể giúp người lao động tiếp cận, vay để mua nhà ở xã hội", theo lời ông Sinh.
Nợ BHXH khiến hàng trăm nghìn công nhân lâm cảnh khốn cùng
Quan tâm đến một vấn đề khác, chị Lương Thị Tho (công nhân xí nghiệp Quản lý và xử lý chất thải Đình Vũ, TP Hải Phòng) cho biết rất lo lắng, bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Đối với việc Công đoàn khởi kiện bảo hiểm xã hội, đến nay vẫn bế tắc, mặc dù Công đoàn hết sức cố gắng nhưng do mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Chị Tho đề nghị Quốc hội sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn.
Cũng liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chị Đặng Hồng Thêm, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La, phản ánh nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn, trong khi đó, chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động còn thấp so với mức lương tối thiểu.
Nữ công nhân đề nghị Quốc hội xem xét sửa luật theo hướng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tăng quyền lợi cho người lao động như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề; nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...
Chị Lê Thị Hà, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty may Minh Anh (tỉnh Nghệ An), chia sẻ rất bức xúc trước tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp khiến cho hàng trăm nghìn người lao động lao đao, có gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.
"Rất nhiều nữ công nhân sinh nở không được hưởng tiền thai sản, có người con đã 8 tuổi mẹ vẫn không được hưởng chế độ gì; nhiều người lao động thất nghiệp lâm vào cảnh ốm đau, chết mà không có được trợ cấp thất nghiệp; có người nghỉ hưu 7-8 năm mà vẫn chưa được cầm sổ hưu", chị Hà nói đó là lý do nhiều người mất niềm tin, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để còn lo cho cuộc sống trước mắt.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang vina (tỉnh Đồng Nai), băn khoăn khi quyền lợi của người lao động đang có xu hướng suy giảm.
Ví dụ như nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động để được hưởng mức tối đa 75% lên 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ (tăng 5 năm so với trước đây); mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định, người lao động bị giảm 2%, trước đây chỉ giảm 1%.
Trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây, ông Phúc đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành các quy định để không làm suy giảm quyền lợi của người lao động; tạo sự linh hoạt, hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội.