1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Nữ bảo vệ trường 32 năm làm bạn với học sinh... cá biệt

(Dân trí) - 32 năm làm bảo vệ trường, bà Hạnh được các thế hệ học sinh gọi thân thương bằng cái tên “má Hai”. Làm bảo vệ nhưng bà giống như “bảo mẫu” nắm hết được các chiêu trò cũng như tâm tư của các học sinh, góp phần dạy dỗ các em nên người.

Về thị xã An Khê, Gia Lai, chỉ cần nhắc đến cái tên “má Hai” đang làm bảo vệ trường THCS Đề Thám hiếm ai không biết. Cái tên khai sinh Nguyễn Thị Hạnh (54 tuổi, trú tổ 7, phường Tây Sơn, TX. An Khê, Gia Lai) của má đã mấy chục năm nay chỉ được nhắc đến trong các bằng khen, kỷ niệm chương của Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh quốc gia, giấy khen của UBND tỉnh Gia Lai và TX. An Khê cũng cùng thành tích này. Còn thường ngày, các học sinh đều thân thương gọi má là “má Hai”.

Má kể, trước kia má vốn làm cấp dưỡng của Công ty Vườn ươm lâm nghiệp trên địa bàn An Khê. Năm má 22 tuổi, công ty giải thể, má chuyển sang làm cấp dưỡng cho trường Cơ sở 2 An Khê (trường THCS Đề Thám hiện nay). Cũng thời gian này, chồng má bị bạo bệnh rồi qua đời, để lại cho má đứa con thơ đang chập chững biết đi và một mẹ già, trong khi tiền lương của má mỗi tháng chỉ có 40 đồng. Nhiều tháng má phải đi vay bạn bè, người thân để có tiền mua gạo nuôi sống 3 miệng ăn.
Nữ bảo vệ trường 32 năm làm bạn với học sinh... cá biệt
32 năm làm bảo vệ nhưng má Hai được các học sinh xem như một người mẹ vừa tận tụy vừa nghiêm khắc.

Những ngày tháng này, tâm trạng má luôn chán nản, có lúc rơi vào tuyệt vọng. Một buổi trưa, khi trường đã tan học từ lâu, má thấy một học sinh nam vẫn quanh quẩn ở sân trường với vẻ mặt buồn rượi. Má lại gần hỏi han và được biết cậu học sinh đang buồn chuyện gia đình với cảnh mẹ ghẻ con chồng nên không muốn về nhà. Má nghe vậy liền lấy cơm cho cậu bé ăn. Kể từ đó, má muốn được gắn bó hơn nữa, lắng nghe nhiều hơn nữa những tâm tư, nguyện vọng của các cô bé, cậu bé học sinh.

Nửa năm sau, bếp ăn tập thể của trường đóng cửa. Không nỡ rời xa những học trò thân thương, má liền xin ở lại trường làm bảo vệ trường. “Làm bảo vệ lương ít ỏi không đủ nuôi sống gia đình, sống phải co bóp nhưng vì má rất thương lũ nhỏ, lúc nó ốm đau, buồn, vui nó đều chạy đến với má nên tình cảm rất thân thiết. Làm nghề khác sẽ có nhiều tiền hơn nhưng do tình cảm giữa má và lũ nhỏ rất thân thiện nên má không nỡ rời xa chúng”, má Hai tâm sự.
Nữ bảo vệ trường 32 năm làm bạn với học sinh... cá biệt
Bằng khen của UBND TX. An Khê giành cho má Hai vì tham gia phá án, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn

 
Má tiết lộ, năm học nào cũng vậy, má đều nắm rõ hoàn cảnh, tính cách và nhất là các chiêu trò của các học sinh cá biệt trong trường. Mỗi lớp má đều có những học sinh “chơi” thân, má dặn dò các học sinh này phải báo ngay cho má biết nếu trong lớp có chuyện gì xấu, bạn nào nghỉ học… Vậy là mỗi sáng sau giờ điểm danh, biết lớp nào có học sinh trốn học đi chơi, má lại xách xe đạp đi khắp nơi tìm kiếm. Đó có thể là quán internet, có thể là ao hồ, hay quán nhậu nào đó…

Cách đây không lâu, một cậu học sinh tên T. do gia đình ít quan tâm nên sinh hư, thường xuyên bỏ học đi chơi game. Biết chuyện, má liền đạp xe đi tìm. Khi thấy T. trong một quán net, má tìm cách đưa T. về, rồi bằng “nghiệp vụ” của mình, má đã khai thác được chuyện T. thường xuyên trộm tiền của cha mẹ để đi chơi. Má liền bắt T. viết giấy kiểm điểm, sau đó má chở T. về nhà nói chuyện với cha mẹ T., giúp họ nhìn rõ vấn đề để giáo dục con mình tốt hơn. Đến bây giờ, T. đã cai được game và không còn bỏ học nữa.

Các đây 2 năm, 5 cậu học sinh lớp 8 bỏ học đi nhậu, trong đó có C. là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cha mất, mẹ phải tảo tần kiếm sống nuôi anh em C. ăn học. Một hôm mẹ C. kiếm được 30 nghìn đồng, đưa cho C. đi đóng học thì C. mang số tiền này hùn vào với 4 đứa bạn cùng lớp để đi nhậu. Nhậu xong cả 5 không về nhà mà lang thang đi ngủ ở ngoài, khiến cha mẹ đi tìm không thấy.

Má Hai biết chuyện, liền đón đầu tóm được cả 5 đứa. Má lại dùng “nghiệp vụ” riêng để bắt 5 học sinh phải nhận lỗi, viết giấy kiểm điểm. Sau đó má gọi phụ huynh các em lên nhận con, đồng thời báo lại với nhà trường để có biện pháp răn đe cả nhóm.

Khi cần, như một người mẹ đầy trách nhiệm, má cũng sẵn sàng cho những học sinh bướng bỉnh ăn roi. “Mấy đứa lì quá, má bắt nó nằm xuống giường rồi lấy roi quất cho vài cái vào mông. Má đánh chúng nó, chúng còn làm trò để cho má cười, trong bụng cũng thấy buồn cười nhưng má cũng phải giữ nét mặt nghiêm nghị với chúng”, má Hai chia sẻ.
 
Rồi chuyện những học sinh lang thang đi tắm sông, tắm ao đến 7, 8 giờ tối chưa về nhà, má biết chuyện cũng đạp xe đi tìm... Những chuyện như thế má kể cả ngày không hết.
 
Ngoài nắm bắt hết các chiêu, các mánh của lũ học trò tinh nghịch, má còn tìm cách giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nghe chúng tâm sự, chia sẻ để giúp các cô cậu đang tuổi lớn vượt qua khó khăn. Tìm hiểu được lý do vì sao học sinh không đi học, má lại tìm mọi cách để đưa được học sinh đó tới trường. Trước tình cảm lớn lao, tận tụy ấy của má, những học sinh dù cá biệt đến mấy cũng rất nghe lời và kính trọng má.

Một cán bộ công an phường Tây Sơn, TX. An Khê chia sẻ: “Nhiều năm nay, má Hai không chỉ có công trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại trường mà còn giúp phường tham gia phá các vụ án như đánh nhau, trộm cắp… Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ đánh nhau, gây lộn ở khu vực trường”.

Cứ như vậy, 32 năm qua, “má Hai” đã là bạn của biết bao lớp học sinh. Má xem những học sinh đó, dù hư hay ngoan cũng là con, là cháu mình. “Sau mỗi kì thi tốt nghiệp, má vui nhất là khi chúng đậu tốt nghiệp thật nhiều, còn buồn nhất là khi chúng bị rớt, chúng tìm đến má để ôm rồi khóc...”.
Thiên Thư