Nông dân đang rất lo nước dừa cũng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có mức thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp, tùy thuộc vào hàm lượng đường trong đồ uống để điều chỉnh thói quen tiêu thụ đồ có đường và tăng thu thuế.
Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi.
Chính phủ đề xuất bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10%.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với việc bổ sung sản phẩm này vào diện chịu thuế TTĐB, tuy nhiên một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc thêm.
Cần quy định rõ hàm lượng đường với mức đánh thuế
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, một chai nước tăng lực trên thị trường dung tích 350ml có 64,5 gram đường. Trong khi theo khuyến cáo của tháp dinh dưỡng, lượng đường người trưởng thành dung nạp một ngày nên dưới 25 gram và trẻ em 3-11 tuổi dưới 15 gram.
"Chúng ta uống một chai nước tăng lực tức là dung nạp gấp đôi lượng theo khuyến cáo về sức khỏe", bà Hà nói.
Về mức đánh thuế, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc để đảm bảo giải trình logic và đồng thuận của doanh nghiệp và người dân.
"Tại sao lại lựa chọn tỷ lệ 5 gram/100 ml mà không phải tỷ lệ khác? Các loại sản phẩm đồ uống sử dụng đường tự nhiên từ hoa quả có bị áp thuế này không", bà Hà đặt câu hỏi.
Theo đại biểu, báo cáo tác động của Chính phủ chưa chứng minh cụ thể bằng chứng khoa học của đề xuất này, cần làm rõ hơn.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường 5 gram/100 ml cần phải nhìn sâu xa và tác động đến sức khỏe để điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Trí, đồ uống có đường không hoàn toàn có hại cho sức khỏe. "Tôi đi làm về mệt mỏi, có một cốc nước ngọt vào là tỉnh táo lại ngay. Đâu phải cứ đồ uống có đường là hại", ông Trí nói.
Đại biểu cho rằng, cần có mức thuế phù hợp, tùy thuộc vào hàm lượng đường trong đồ uống để giúp điều chỉnh thói quen tiêu thụ đồ có đường, tăng thu thuế. Nên có 3 mức thuế cho đồ uống có đường ở hàm lượng 3-5 gram/100 ml; 5-15 gram/100 ml và trên 15 gram/100 ml.
Nông dân, doanh nghiệp đang rất lo lắng
Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) cho rằng, đánh Thuế TTĐB với nước giải khát có hàm lượng đường cần phải định nghĩa rõ ràng.
Ông Sơn đặt câu hỏi: Đánh thuế áp dụng với nước ngọt có ga hay gồm cả nước trái cây, rau quả, nước uống để giải khát? Vấn đề này doanh nghiệp rất băn khoăn, không biết có bị đánh thuế hay không?
Ông Sơn nêu dẫn chứng tại tỉnh Bến Tre, người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến từ dừa đang rất lo lắng bởi quy định không rõ ràng này.
Đại biểu cho hay, trái dừa Bến Tre chiếm 70% cả nước, mặc dù ngọt và có đường nhưng vẫn là nước uống từ thiên nhiên. Do đó, việc quy định hàm lượng đường cần phải rõ ràng, với các mức áp thuế cụ thể cho hàm lượng đường trong sản phẩm, thay vì đánh thuế cả gói.
"Bến Tre xuất khẩu từ dừa với doanh thu hằng năm 500 triệu USD, các sản phẩm như nước dừa đóng lon, sữa dừa sản xuất… Việc đánh thuế như vậy có nghĩ đến phát triển của ngành? Cần làm rõ chứ đánh thuế chung chung sẽ ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp", ông Sơn nói.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) bày tỏ đồng tình việc áp thuế với nước giải khát có đường, bởi mặt hàng này là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tuy nhiên, theo bà Ngọc, dự thảo chưa đánh giá kỹ tác động của chính sách tới doanh nghiệp sản xuất nên cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung căn cứ, quy định rõ hàm lượng đường cho phù hợp để dễ triển khai trong thực tiễn.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị cần xem lại một cách toàn diện về đề xuất này vì hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như người tiêu dùng.
Về tác động sức khỏe, theo bà Dung, cơ quan soạn thảo đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động những số liệu về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng nhanh trong 10 năm qua. Tuy nhiên, cần xem xét cả bối cảnh tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em, đặc biệt ở miền núi nước ta cũng vẫn còn rất cao.
Đại biểu cho rằng, việc tăng thuế đối với nước giải khát có đường có thể sẽ không làm trẻ em ở khu vực thành thị giảm tiêu thụ sản phẩm này, nhưng đối với khu vực vùng sâu vùng xa hay khu vực dân tộc thiểu số, việc tăng giá dù không đáng kể cũng sẽ khiến cho trẻ em ở đây vốn đã ít có cơ hội được uống nước giải khát sẽ càng khó tiếp cận các mặt hàng này hơn.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả cả về sức khỏe và kinh tế của đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB, vị đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này và chưa đưa vào dự thảo luật.