Nón “Thúy” trong lòng khách nước ngoài
Không chỉ khách trong nước đến Huế hỏi về nón “Thúy” mà ngay cả khách nước ngoài cũng quan tâm đến nó, coi như món quà kỷ niệm với Cố đô.
Nón Huế tồn tại và trở thành nét đặc trưng không thể thiếu của thành phố thơ mộng này. Ngày nay nghề truyền thống này dần dần bị phai nhạt nhưng nón “Thúy” - thương hiệu vẫn luôn gắn liền với thời gian, qua bao nhiêu năm đưa tiếng thơm của nón Huế đi khắp năm châu.
Kể từ khi Huế được công nhận di sản văn hóa thế giới thì đó cũng là lúc khách nước ngoài biết đến Huế nhiều hơn, cũng như biết đến chiếc nón “Thúy”. Tại sao nón “Thúy” trở nên có thương hiệu trong lòng khách nước ngoài đến vậy?
Chuyện kể rằng có một du khách Úc qua một lần đến thăm nhà chị Thúy, chăm chú nhìn từng đường kim mũi chỉ tỉ mẩn của người phụ nữ khuyết tật. Sau 2h đồng hồ chiếc nón hoàn thành, vị khách đó trầm trồ khen ngợi và yêu cầu chị Thúy làm thêm một chiếc nữa nhưng lồng thêm vào nón chữ “Thúy”. Ông khách đó mang chiếc nón đó về nước, khoảng thời gian sau có một đoàn du khách Úc tìm đến chị Thúy và đề nghị chị biểu diễn cách chằm nón thế nào và cho thêm chữ “Thúy ” trên nón. Và cứ thế cho đến bay giờ du khách nước ngoài biết đến nón Huế nhiều đến vậy.
Nón “Thúy” đã trở thành biểu tượng của nghề nón truyền thống Việt Nam, chiếc nón này được giới thiệu qua nước nào bán hết đến đó. Nón “Thúy” ngày càng có danh tiếng hơn, hàng ngày chị Thúy vừa phải làm nón, vừa tiếp đón các đoàn khách nước ngoài đến xem và đặt mua hàng. Nón bài thơ hấp dẫn khách du lịch vì vẻ đẹp mềm mại thanh tao, màu trắng sáng xanh dụi mát của lá, ngoài ra chiếc nón còn rất tiện ích có thể che mưa che nắng được, làm vật trang trí cho các bộ quần áo, hơn nữa nó còn là món quà lưu niệm vô cùng quý giá cho mỗi du khách.
Nón “Thúy” tuy có thương hiệu nhưng không hề bị thương mại hóa, mỗi cái không quá 1 đô la, với chị Thúy “Khách nước ngoài hay khách nội địa cũng cùng giá rứa thôi, họ quan tâm đến nghề nghiệp ông cha mình là quí lắm rồi”. Khách nước ngoài quan tâm đến nón thường hay đến cuối đường Trần Phú tìm cho mình một chiếc nón “Thúy” độc quyền. Ngoài ra du khách muốn mua chiếc nón bài thơ mang đặc trưng Huế thường ra chợ Dạ Lê, chợ này tập trung buôn bán hàng nón và các mặt hàng liên quan nghề chằm nón truyền thống.
Làng nghề truyền thống dần bị mai một nhưng hình ảnh nón bài thơ nói chung và nón “Thúy” nói riêng luôn trường tồn với thời gian trong lòng mỗi du khách.
Đọc thêm về những sản vật và văn hóa cố đô Huế tại đây. |
Theo Thanh Tươi
Travellink.vn