1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nỗi niềm cộng tác viên

(Dân trí) - Họ - các cộng tác viên phải đối mặt với nguy hiểm, khó khăn của nghề báo như các PV chính thức. Tuy nhiên, ngoài nhuận bút ra, họ không được hưởng bất cứ chế độ gì. Nhưng họ vẫn đi, vẫn viết, vẫn dấn thân bởi đơn giản là niềm đam mê và lòng yêu nghề.

Nỗi niềm cộng tác viên
Các phóng viên, CTV ở Nghệ An "trưng dụng" phòng của Trạm y tế xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn) để viết tin bài về vụ xe ô tô bị lũ cuốn trôi tại Khe Ang năm 2013.

Thực tế hiện nay, tại nhiều tòa soạn báo luôn có một lực lượng cộng tác viên hùng hậu. Họ chính là hạt nhân trong việc đưa tin về các sự kiện nóng tại địa phương – nơi mà các tòa soạn báo chưa có phóng viên chính thức hay các văn phòng đại diện.

Thực tế cũng cho thấy, số lượng bài vở đóng góp cho tòa soạn của các cộng tác viên cũng không hề thua kém các phóng viên của báo, thậm chí một số nơi còn nổi trội hơn. Thế nhưng, các cộng tác viên luôn có những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai.

T. quê ở một huyện miền núi Nghệ An đã có thâm niên làm CTV cho một tờ báo có trụ sở tại Hà Nội được 4 năm trời. 4 năm trời, T. theo các sự kiện nóng ở Nghệ An và tập trung chủ yếu ở mảng pháp luật. Đều đặn mỗi tuần T. gửi khoảng 10 tin bài và hầu hết bài vở đều được tòa soạn sử dụng. Tuy nhiên, ngoài nhuận bút ra thì T. không được hưởng bất kỳ chế độ hỗ trợ nào. 4 năm gắn bó, được BBT tín nhiệm, tin tưởng nhưng T. chưa bao giờ được cấp giấy giới thiệu dù dưới danh nghĩa là CTV của báo.

“Nhiều khi đi làm sự kiện nóng, phải lấy ý kiến của các cơ quan chức năng nhưng trong tay không có bất cứ một giấy tờ nào cũng rất khó. Không có giấy giới thiệu của tòa soạn, có khi bị từ chối làm việc một cách thẳng thừng. Bởi vậy, có những sự kiện, vấn đề không thể độc quyền được mà phải đi cùng với một PV của một đơn vị khác để nhờ giấy giới thiệu”, T. chia sẻ.

Với ngòi bút và lòng yêu nghề, họ vẫn bám trụ và dấn thân (ảnh minh họa).
Với ngòi bút và lòng yêu nghề, họ vẫn bám trụ và dấn thân (ảnh minh họa).

Cũng có khi T. "đánh liều" xin giấy giới thiệu của tòa soạn nhưng chỉ nhận được câu trả lời "chưa có quy định cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên" cùng lời động viên tiếp tục cộng tác, khi nào tòa soạn có "cơ chế" sẽ giải quyết hoặc tuyển dụng làm phóng viên chính thức. "Cứ tiếp tục đợi thôi. Mình chọn nghề, nghề chọn mình rồi, không bỏ được. Nhưng đợi đến bao giờ chính em cũng không biết nhưng ít nhất mình cũng còn có cơ hội sống với nghề", T. tâm sự.

M. thì lại có nỗi niềm khác. M. sau một thời gian làm CTV tự do, có một số bài được đánh giá cao nên cũng được một số phóng viên của một số ấn phẩm nhờ viết bài. Viết bài cho các ấn phẩm phải đầu tư nhiều về thời gian bởi yêu cầu về độ lạ, hấp dẫn, gây tò mò cho độc giả. Bài gửi đi rồi, phóng viên thông báo là bài đã được đăng. Vậy là hồi hộp chờ nhuận bút bởi CTV tự do như M. ngoài nhuận bút ra làm gì có thu nhập khác.

Nhưng chờ hoài, chờ mãi cũng không thấy bóng dáng nhuận bút đâu. Gọi điện hỏi thì nhận được câu trả lời “anh chưa có thời gian đi gửi” và cố gắng chờ. Hết tiền ăn, tiền đổ xăng thì cầu cứu bố mẹ ở quê để cầm cự, để tiếp tục đi và viết.

Với ngòi bút và lòng yêu nghề, họ vẫn bám trụ và dấn thân (ảnh minh họa).
Với các cộng tác viên, điều mơ ước của họ chỉ là có một tấm giấy giới thiệu để đi làm (ảnh minh họa).

Đến cả tháng sau cũng không thấy anh PV nọ gửi tiền, gọi điện, nhắn tin cũng không thấy trả lời nữa. 4-5 bài, đối với các ấn phẩm thì nhuận bút cũng đâu có ít! Mất tiền nhưng đau hơn là trí tuệ, công sức của mình bị lợi dụng, bị “ăn chặn” nhưng cũng không biết kêu ai.

Học sư phạm nhưng lại bén duyên với nghề báo, H.Q (quê Diễn Châu, Nghệ An) hiện đang là CTV của một tờ báo trung ương. Q. được đánh giá là chịu khó đi và viết. Bài vở của Q. vẫn được sử dụng đăng đều. Nỗi niềm của Q. không phải tờ giấy giới thiệu mà là nhuận bút. Tòa soạn nơi Q. cộng tác có quy định cụ thể về việc chấm nhuận bút theo lượt bạn đọc. Không đủ lượt view đương nhiên tin bài đó không được chấm nhuận bút.

Bên cạnh quy định về việc phải đạt số lượt đọc mới được chấm nhuận bút thì tòa soạn cũng quy định mức nhuận bút theo view. “Trung bình em mất mỗi tháng từ 5-7 tin bài không được chấm nhuận bút vì không đủ view. Có những tin được chấm nhuận bút nhưng view thấp nên chỉ được 20-30 nghìn đồng. Nhận nhuận bút mà trào cả nước mắt”, Q. nói.

Bởi áp lực “đếm view chấm nhuận” nên mới có chuyện, sau khi tin bài được đăng, Q. phải tìm cách câu view cho bài viết của mình. Cách được Q. sử dụng nhiều nhất là gia nhập nhiều nhóm facebook, mỗi khi có tin bài thì chia sẻ lên đó. Nếu tin bài mình chậm hơn các báo bạn, đồng nghiệp đã chia sẻ lên các nhóm này rồi thì đành phải chịu.

Không lương, không chế độ nên phương tiện tác nghiệp các CTV cũng phải tự mua sắm.
Không lương, không chế độ nên phương tiện tác nghiệp các CTV cũng phải tự mua sắm.

“Mang tiếng là đi làm, tin bài được đăng đều đặn nhưng tháng nào cũng phải về xin bố mẹ “cứu trợ”, Q. cười như mếu. “Việc tính view để trả tiền nhuận bút em thấy không hợp lý. Việc được trả nhuận bút thể hiện sự ghi nhận của tòa soạn đối với công sức của cộng tác viên. Việc đếm view tính tiền đồng nghĩa với việc người viết phải nghĩ cách đặt tít gây sốc để lôi kéo bạn đọc. Nhuận bút dù ít hay nhiều ngoài giá trị vật chất còn là sự động viên về tinh thần cho người viết và là cái để cộng tác viên tái đầu tư sản xuất. Nhưng mình mới chỉ là cộng tác viên nên cũng không dám có ý kiến gì”, Q. chia sẻ.

Không giấy giới thiệu, không lương, ngày lễ tết, thậm chí cả ngày “giỗ nghề” cũng không biết đến đồng tiền thưởng, bị quỵt nhuận bút hay công sức lao động không được trả một cách xứng đáng nhưng nghề báo cứ như duyên nợ, cuốn họ đi cùng với những sự kiện, vấn đề nóng. Với những đồng nhuận bút ít ỏi, với lòng yêu nghề, say nghề, họ - những cộng tác viên - vẫn khoác ba lô lên để đi, để viết, quyết bám trụ với nghề và chờ đợi “cơ chế” của tòa soạn.

Một cái giấy giới thiệu để “đường đường chính chính” đi làm, được trả công xứng đáng cho công sức của mình… liệu có phải là mơ ước quá cao của những cộng tác viên?

Tuy vậy, do đội ngũ cộng tác viên này không thuộc sự quản lý của tòa soạn nên cũng không hiếm những người lợi dụng danh nghĩa của tờ báo nơi mình cộng tác để dọa dẫm kiếm tiền, gây mất uy tín cho tòa soạn, cho những người làm nghề chân chính. Bên cạnh những CTV “chung thủy” với một tờ báo thì cũng có những cộng tác viên một tin bài gửi cho một loạt cơ quan báo chí để kiếm được nhiều nhuận bút càng tốt. Ngoại trừ những “con sâu” ấy, vẫn có rất nhiều cộng tác viên tâm huyết với nghề, có lòng tự trọng và chịu dấn thân để đưa đến cho bạn đọc những thông tin chân thực nhất.

Hoàng Lam