1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Nỗi lòng người mẹ có con trai âm mưu giết cả gia đình

Nhớ lại khoảnh khắc đứa con trai duy nhất cầm dao sát hại người bác ruột, chị Nguyễn Thị Thu Hà, mẹ của Đặng Tuấn Dũng như phát điên. Người đàn bà cả một đời khổ hạnh giờ đây sống mà như chết vì đứa con phạm tội ác tày trời.

Nỗi lòng người mẹ có con trai âm mưu giết cả gia đình - 1
Chị Nguyễn Thị Thu Hà đau đớn nói về đứa con phạm tội tày trời.

Người đàn bà bất hạnh

Chị Nguyễn Thị Thu Hà sinh năm 1960 trong một gia đình đông anh chị em. Là con cả nên hầu như mọi công việc lớn nhỏ đều do một tay chị Hà quán xuyến. Khi các em lớn lên, phần nào biết san bớt gánh nặng cho chị, cũng là lúc chị đi lấy chồng - năm 22 tuổi.

Sau ngày cưới, vợ chồng chị phải ra ở riêng mà trong tay không một xu dính túi. “Do nhà chồng không được hòa thuận nên sau ngày cưới vợ chồng tôi ra ở riêng. Chồng tôi hay đau ốm, để có tiền trang trải cuộc sống, buổi sáng tôi chạy chợ, buổi chiều tôi lại ra chân cầu Long Biên nhận than tổ ong đạp xe đi bán”, chị Hà kể.

Tình yêu của anh chị càng đẹp hơn khi năm 1983, cô con gái đầu lòng của anh chị ra đời. Gần một năm sau, anh động viên chị nên sinh thêm đứa nữa để có chị có em. Niềm mong ước đó đã đến khi cuối năm 1984 chị sinh hạ Dũng.

Sau thời gian nghỉ thai sản, chị cùng anh lao vào kiếm tiền với mục đích giản dị là cho các con bớt khổ. Các dì và ông bà ngoại hết mực thương yêu các cháu, khuyên anh chị đưa cháu lên nhà cho ông bà chăm sóc hộ trong lúc hai vợ chồng đi làm. Không ngần ngại trước sự chân thành từ gia đình, anh chị đưa hai cháu lên ở với ông bà.

Cuộc sống gia đình vẫn rất vất vả nhưng chị Hà luôn toại nguyện với hạnh phúc giản dị của mình. Thế nhưng niềm hạnh phúc ấy không kéo dài được lâu. Bắt đầu từ việc Dũng tự ý bỏ học.

“Dũng học đến lớp 6, học hành sa sút lại cộng thêm chúng bạn trêu chọc, Dũng quyết định nghỉ học”, chị Hà chua chát nhớ lại. Việc đứa con trai mà cả anh chị đặt rất nhiều kỳ vọng bỏ học giữa chừng khiến chị hết sức đau khổ.

Một năm sau, tại họa tiếp tục ập xuống gia đình nhỏ của chị. Chồng chị mắc phải trọng bệnh liệt nửa người nên chỉ nằm một chỗ. Tiền mà chị kiếm được vốn đã cực nhọc, nhưng cũng chỉ là số tiền “còm cõi”, không đủ để chữa chạy cho chồng, rồi lo tiền học của con... Dũng thì ngày càng lớn lên càng ít nói. Rồi, người chồng nằm liệt gường cũng bỏ chị ra đi sau 7 năm đau ốm.

Sau ngày chồng mất cũng là thời điểm Dũng thể hiện sự “bẳn tính”, thường hay cáu gắt vô cớ. Thay vì đỡ đần công việc nặng nhọc giúp mẹ thì ngược lại Dũng không động tay chân vào bất cứ việc gì. Sau mỗi ngày chị đi làm về, Dũng lại gọi chị bằng những lời hỗn hào: “nhà ngươi”, “người bán than”...

Cho đến khi nhận được “hung tin” con trai đã sát hại chính người bác ruột, chị chỉ còn biết chết lặng. Kể đến đây, chị bật khóc... Chị bảo, cả một cuộc đời mưu sinh bên những viên than, giờ nhìn lại đúng là đời chị chẳng khác những viên than ấy.

Ký ức về đứa con mang tội

Mắt chị thâm quầng ngơ ngác, nhớ lại ngày trước khi con phạm tội chị nói: “Hôm ông ngoại mất được mấy ngày, nó vẫn về lấy tiền. Lúc đó cả nhà đang ăn cơm, các dì bảo nó vào ăn nhưng nhất quyết không vào. Đó là lần cuối cùng tôi gặp con trước khi nó bị bắt”.

Hồi tưởng lại đoạn đời đẹp nhất, đó là khi anh chị sinh hạ Dũng, phải bám chặt tay xuống bàn chị mới nói nên lời: “Ngày vừa sinh Dũng, gia đình rất khó khăn. Hai vợ chồng bàn nhau đưa hai cháu về ông bà ngoại gửi. Trước khi về nhà hôm nào tôi cũng tạt qua thăm nó. Khi Dũng hơn 1 tuổi, lững thững biết đi mỗi khi thấy mẹ về là chạy ùa vào lòng mẹ”.

Cũng chỉ nói được đến đây, rồi giọng chị đứt quãng vì nấc nghẹn. Phải dừng lại hồi lâu chị mới có thể kể tiếp: “Đến năm Dũng học lớp 1, chị gái nó học lớp 2, hai vợ chồng tôi đành phải đưa hai đứa về nhà để tiện việc chỉ bảo các cháu học hành”, chị Hà nhớ lại.

Kéo vạt áo lau đôi mắt ướt đẫm, chị nói: “Lúc lên 10 tuổi Dũng bắt đầu có một số biểu hiện bất thường. Đi học về thường chui vào một góc hay có khách đến là chạy nấp sau cánh cửa. Ban đầu vợ chồng tôi không để ý, nhưng một thời gian sau thấy cháu vẫn thế nên đã đưa cháu lên viện Bạch Mai chạy chữa. Bác sỹ chuẩn đoán Dũng có vấn đề về thần kinh nên kê đơn thuốc cho gia đình lấy về cho cháu uống”.

“Dần dần sức học của Dũng ngày một kém đi. Hằng ngày đi học về Dũng rất ít nói. Qua tìm hiểu, tôi được biết bạn bè thường hay trêu là “Dũng khùng”. Cũng chính vì thế mà chỉ theo học đến lớp 6 Dũng tự ý bỏ học, ở nhà.

Ngày đó tôi thường hay tâm sự với con “một điều nhịn chín điều lành”, con đừng gây sự với ai cả, đừng làm mẹ đau lòng. Thời gian trôi đi, Dũng đổi tính lúc nào tôi cũng không hay. Sau những ngày đi bán than về mẹ con tôi thưa dần tâm sự với nhau, Dũng lớn rồi nên thường theo chúng bạn đi chơi...”

Mỗi khi chị gái quát mắng nó, nó lại nổi khùng rồi gào lên. Lúc đó tôi lại nhẹ nhàng nói với nó: “Con làm thế là không phải, lần sau con phải rút kinh nghiệm”. Chỉ cần nhẹ nhàng với nó, nó lại thôi vì tính nó ưa nịnh.

“Tôi đau khổ nhất là những ngày mùa đông giá rét, đi làm về đã nhá nhem tối nhưng nhìn con chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi với áo may ô đi khắp xóm trong khi người ta mặc đến mấy cái áo ấm vẫn lạnh run. Khi về nhà tôi hỏi, trời lạnh sao con ăn mặc phong phanh thế. Nó hồn nhiên trả lời: Trời lạnh đâu mà lạnh...”.

“Nhìn nó ngày một lớn lên, công ăn việc làm lại không có, nghĩ đến cảnh cuộc sống sau này của con mà hàng đêm tôi vẫn khóc thầm. Tôi thương nó vì nghĩ, nếu một mai tôi có làm sao thì cuộc sống của nó sẽ ra sao? Tính nát óc, tôi nghĩ ra được một cách là mua cho nó chiếc xe máy hàng ngày đi chạy xe ôm kiếm tiền mà sống.

Tôi mang số tiền dành dụm được lâu nay, mua cho nó cái xe Jupiter, hàng ngày nó vẫn đứng ngoài ngã ba đèn xanh, đèn đỏ chở khách. Cũng chẳng kiếm được là bao, nên tuần nào tôi cũng phải cho nó thêm tiền. Rồi cái chuyện tày trời kia xảy ra… Làm mẹ chú có biết đau nhất là gì không? Khi con mang tội!

Theo Công Tâm
VTC News