Nỗi day dứt của Tướng Phạm Xuân Thệ

(Dân trí) - "Tôi thấy nuối tiếc vì nhiều điều chưa làm được trong những ngày chiến trận ấy. Bao đồng đội đã mất. Nhiều người hy sinh ngay khi chiến thắng đã cận kề, họ mới xứng đáng là người được nhắc đến nhiều nhất", Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại.


Những anh hùng vô danh

“Mỗi một người trong chúng ta, khi cha mẹ sinh ra đều có một cái tên. Với thế hệ chúng tôi, khi bước chân vào quân ngũ, cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà đều mong chờ đến ngày toàn thắng, trở về với mẹ cha, gia đình, với lũy tre làng. Nhưng chiến tranh là mất mát. Có những đồng chí hi sinh, đến bây giờ, ngay cái tên ở trên bia mộ không có, quê quán cũng không… Không ai biết các anh là ai, nhưng đó là những anh hùng thầm lặng mang lại hoà bình, độc lập của dân tộc Việt Nam”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ ngậm ngùi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống.

“Rất nhiều đồng đội của tôi khi ngã xuống phần lớn đều đang độ tuổi 20. Lúc hi sinh, máu của các anh đã thấm vào từng nhành cây, ngọn cỏ, tấc đất để từ đó ươm mầm cho sự sống và hoà bình độc lập mà chúng ta được hưởng ngày hôm nay. Các anh nằm đó, không một tấm hình, không một dòng địa chỉ… 40 năm sau ngày đại thắng nhưng nhiều đêm, tôi không sao ngủ được khi những ký ức ùa về, đồng đội hi sinh chỉ ngay trước chiến thắng, hoà bình trong ít phút”.

Trung tướng, AHLLVT Phạm Xuân Thệ. Ảnh: Cường Net.
Trung tướng, AHLLVT Phạm Xuân Thệ. Ảnh: Cường Net.

Vị tướng nhớ lại, khi tiến quân vào Sài Gòn, tại căn cứ Nước Trong - Long Thành, trung đoàn ông đã hi sinh hơn 400 đồng chí. "Căn cứ Nước Trong là vị trí chiến lược, có trường đào tạo sỹ quan thiết giáp, bộ binh của địch, được trang bị các vũ khí tối tân, hiện đại bậc nhất thời đó. Tại đây quân ta vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Trận đánh kéo dài trong gần ba ngày đêm từ ngày 26 đến chiều tối 28 mới giải phóng xong". 

“Có đồng chí hôm trước vẫn còn tâm sự với tôi, lần này vào Sài Gòn sẽ quyết tâm bắt được người chỉ huy cao nhất của ngụy quyền, buộc chúng đầu hàng sớm, giảm xương máu anh em chiến sĩ, đồng bào, nhưng chưa kịp thực hiện mong ước đó đã ngã xuống. Cũng có đồng chí, mấy năm liền chinh chiến, qua khắp các mặt trận chưa một lần kịp gửi một lá thư về nhà, chưa kịp hưởng trọn một ngày phép, cũng đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường khói lửa không hẹn ngày trở lại”, vị tướng già không kìm được xúc động.

“Tận mắt chứng kiến những người đồng đội kề vai sát cánh trong bao trận đánh ác liệt giành giật từng tấc đất hi sinh như đồng chí Ngô Xuân Nhỡ (tiểu đoàn trưởng xe tăng) hi sinh ngay trên tháp pháo, trong lòng tôi sự căm thù sục sôi muốn trả thù ngay cho đồng chí, đồng đội của mình nhưng là người chỉ huy, tôi phải nén đau thương thành hành động vì mục tiêu lớn nhất là giải phóng càng nhanh càng tốt. Chỉ có như vậy mới không phải chứng kiến đồng đội của mình đổ thêm xương máu nữa”, tướng Thệ nhớ lại.

Khi còn cách Dinh Độc Lập 300m...

40 năm đã qua nhưng ám ảnh lớn nhất trong ông là sự hi sinh của chiến sĩ Tô Văn Thanh (tiểu đoàn 66) khi chỉ còn cách cánh cổng Dinh Độc Lập chưa đầy 300m. “Nhiều lính ngụy đã bỏ chạy nhưng một số phần tử ngoan cố vẫn tụ tập lại hai bên đường. Lúc bộ đội ta đang thừa thắng xông lên thì bất ngờ bị những phần tử này tập kích. Đồng chí Thanh hi sinh ngay khi đang điều khiển xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, khi chỉ còn vài phút nữa là toàn thắng trọn vẹn… Sáng 1/5 chúng tôi bàn giao Dinh Độc Lập và nội đô cho đơn vị bạn là Quân đoàn 4, ủy ban quân quản, chúng tôi ra khỏi nội đô Sài Gòn. Đi qua cầu Sài Gòn, chúng tôi đã dừng lại hồi lâu để nhìn lại những vết máu vương vãi khắp nơi. Đó chính là máu của những đồng chí đồng đội tôi mới sáng hôm qua, đã hi sinh ở chính vị trí ấy, tạo điều kiện cho chúng tôi vượt qua sông Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập sớm nhất. Các anh đã dùng chính thân thể, máu của mình để chúng tôi có cơ hội tiến bước… ”

Nhớ lại thời khắc đó, tướng Thệ nghẹn ngào: “Ngày 30/4/1975 là ngày lịch sử không thể nào quên trong cuộc đời tôi. Nhiều lần, ngay bản thân tôi đã cận kề cái chết trong các trận đánh nhưng may mắn được sống sót đến giây phút cuối cùng, được chứng kiến ngày đất nước thống nhất. Đó là một điều may mắn đối với tôi. Tuy nhiên, để tôi có được cơ hội vào Dinh Độc Lập làm nhiệm vụ, biết bao đồng đội đã mất đi mạng sống ngay trước mắt tôi. Có nhiều người hy sinh ngay khi cách chiến thắng chỉ vài phút, họ mới xứng đáng là người được nhắc đến nhiều hơn tất cả. Hoà bình này đã được tạo lập, đất nước đã trọn niềm vui nhưng các anh không được hưởng một giây phút thái bình nào”.

Trung tướng, AHLLVT Phạm Xuân Thệ. Ảnh: Cường Net.
"Một ngày các anh còn nằm lại nơi chiến trường xưa là một ngày chúng tôi, những người còn sống vẫn chưa thôi ám ảnh, cảm thấy có lỗi với đồng đội của mình”. Ảnh: Cường Net

“Sau khi hòa bình lập lại, tôi được tiếp tục đi học và trưởng thành đến quân hàm trung tướng như ngày nay. Tôi cũng vinh dự được nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang, là một danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, được đảm nhiệm cán bộ sư đoàn trưởng, tư lệnh quân đoàn, tư lệnh quân khu nhưng có những ám ảnh vẫn mãi theo tôi đó là có những trận chúng tôi chỉ huy chưa tốt, để đồng chí đồng đội của chúng tôi hi sinh nhiều”.

“Cho đến bây giờ, điều day dứt lớn nhất của tôi là những hài cốt liệt sỹ được đưa về nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính và còn biết bao đồng chí khác đã hi sinh anh dũng nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt để đưa về quy tập. Đâu đó nơi rừng thiêng, nước độc, các anh mãi mãi nằm đó hoà mình vào đất mẹ, không hẹn ngày trở lại. Hoà bình đã mấy chục năm nhưng các anh ở đâu vẫn chưa về…".

Kể về các chuyến đi tìm đồng đội, ông trầm ngâm: “Không phải chuyến đi nào cũng thành công. Có những chuyến phải đi lại ba, bốn lần nhưng không có kết quả vì địa hình sau hàng chục năm đã thay đổi nhiều. Tâm nguyện lớn nhất bây giờ của tôi là làm sao đưa được nhiều hài cốt đồng đội trở về. Vì thế, năm nào chúng tôi cũng trở lại chiến trường xưa, để tìm và đưa các anh về với gia đình”.

Xuân Ngọc - Anh Dũng