Nơi dân chật vật… đếm tiền vì nhiều quá

Không có tiền và không biết cách tiêu tiền hợp lý, đó là chuyện xưa của người Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Nay người Vân Kiều mỗi ngày ngồi đếm từng cục tiền to đùng để gửi ngân hàng, có lúc đếm mãi không xong vì… quá nhiều tiền.

Phép màu gì đang đến với bà con dân tộc ở đây?

 

Tiền nhiều quá không biết đếm

 

Hồ Ăm Thăng ở xã Pa Tầng đếm 100 triệu đồng mà mất đến gần 3 giờ đồng hồ. Đếm cục tiền to như cục gỗ rừng, người Ăm Thăng rần rần gai ốc. Lần đầu tiên sở hữu một khoản tiền lớn từng ấy, Ăm Thăng mừng đến run rẩy.

 

Từ bé đến giờ, đã lần nào Ăm Thăng có được nhiều tiền vậy đâu nên đếm tiền còn vụng về là phải. Đếm hết tiền, Ăm Thăng ngẩng đầu lên, mặt tươi như xuân: “Mình vừa bán một phần rẫy mì (sắn) được 100 triệu đồng. Mì đang lên giá, mỗi kilôgam củ mì bán ra được 2.000 đồng. Quá sướng!”.

  

Nơi dân chật vật… đếm tiền vì nhiều quá - 1

Người Vân Kiều nay làm giàu nhờ những rẫy mì

  

10 năm trước, hàng vạn đồng bào người Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hóa nghèo xơ, nghèo xác. Một năm chỉ đủ ăn 3 tháng, 9 tháng còn lại luôn thiếu đói, chính quyền phải liên tục cứu trợ. Bà con không lúc nào có tiền.

 

Thế rồi, Cty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị xây dựng ở Nam Hướng Hóa một nhà máy chế biến tinh bột mì, mở cửa thoát nghèo cho dân.

 

Một cuộc cách mạng nông nghiệp đang ấp ủ và lên mầm mạnh mẽ trong đời sống của bà con. Một vụ, hai vụ trồng mì theo phương pháp hiện đại, bán có đồng vào đồng ra, mua được tivi, xe máy, bà con phấn khởi thực sự. Họ dường như đã tìm ra được cây “đổi đời”.
 

Song đó chỉ mới là khúc dạo đầu cho một cách mạng trong trồng trọt để rồi cây mì chính thức lên ngôi “vua” ở vùng này. Hàng ngàn gia đình bà con người dân tộc khi vụ thu hoạch mì đến, mỗi ngày chỉ việc đếm tiền bán củ mì.

 

Cuối năm, hộ nào có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên từ việc trồng mì được tham gia “câu lạc bộ trăm triệu”, được gặp gỡ, trò chuyện với chủ tịch tỉnh về tham dự với CLB. Thêm nữa là phần thưởng một chuyến đi du lịch nước ngoài cho các thành viên.

 

Đúng là chuyện trồng mì nhiều lúc khổ nhọc đến mệt lả cả người nhưng kết quả thu được thì bà con dân tộc đều vui mừng hể hả, vì ai cũng có được nhiều tiền, cuộc sống không còn lo thiếu ăn nữa, chuyện mà họ chưa bao giờ dám mơ ước khoảng 7 năm trước.

Từ việc trồng cây mì mà mỗi năm mỗi gia đình thu về được vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng là thực tế hấp dẫn đang diễn ra trong các thôn bản dân tộc giữa rẻo cao Trường Sơn.

 

Ghé vào một quán cà phê bên bìa rừng, Hồ Ăm Thăng tiếp tục câu chuyện. Đây là năm gia đình ông trồng mì nhiều nhất, với diện tích 8 ha. Nhờ giá cao 2.000 đồng/kg nên 180 tấn mì thu được bán cho nhà máy, ông thu về gần 360 triệu đồng.

Trước đây gia đình Ăm Thăng đông con, kinh tế khó khăn, đầu tư không biết bao nhiêu công sức song vẫn đói nghèo. Bây giờ bám vào đất, thay đổi phương thức sản xuất, tập trung thâm canh tăng năng suất cây trồng mà gia đình ông đã trở nên giàu có, no đủ gần như nhất xã.

 

Ngần ấy tiền thu về, Hồ Ăm Thăng dự tính sau khi mua cho đứa con trai chiếc xe máy, phần còn lại sẽ gửi tiết kiệm sau này cho nó đi học đại học nông nghiệp.

 

Xuống núi, tôi ghé vào thăm nhà Hồ Măm ở xã A Dơi. Anh không giấu được nỗi vui sướng, ngày nào cũng được đếm tiền.

 

Không nợ một xu

 

Nhìn cái cách người Vân Kiều bán củ mì thì biết cây mì thực sự đang lên ngôi vua. Hồ Măm rút điện thoại trong túi gọi đến khách hàng thông báo sản lượng củ mì mình cần bán, địa điểm. Hơn 10 phút sau 3 chiếc ô tô cùng một khách hàng đến thu mua sạch trơn. Hồ Măm chỉ việc theo ô tô về nhà máy cân mì rồi nhận tiền tươi. Hỏi quân ở đâu mua mà sòng phẳng thế, Hồ Ăm nói đó là quân của Pả Hiếu. Chưa bao họ lỡ hẹn hoặc thất hứa với bà con nông dân.

 

Cuối cùng tôi cũng tìm ra Pả Hiếu. Thì ra, đó là anh Hồ Xuân Hiếu - Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị kiêm Giám đốc nhà máy tinh bột mì Hướng Hóa. Pả Hiếu là cái tên thân mật mà bà con dân bản dành cho anh.

 

Trong câu chuyện về người Vân Kiều đếm tiền sẽ thiếu nếu không nhắc đến sự bao sân của doanh nghiệp này với bà con nông dân, chuyện tưởng dễ như nói song không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

 

7 năm nay anh Hiếu chấp nhận xa gia đình lên ở giữa rừng núi tham gia trồng mì với bà con dân tộc. Đến khi xây dựng nhà máy, anh Hiếu làm giám đốc. Phương châm của anh Hiếu là giúp nông dân trước. Song song với việc kiếm được bao nhiêu tiền cho doanh nghiệp thì phải giúp lại cho bấy nhiêu người đã căng sức ra trồng mì cung cấp thường xuyên cho nhà máy.

  

Nơi dân chật vật… đếm tiền vì nhiều quá - 2
Anh Hồ Ăm Cường (trái) mặt vui như xuân khi có cục tiền to từ việc bán mì

 

Cái giúp trước tiên, công ty xây dựng nhà máy sản xuất  phân vi sinh bán giá rẻ cho bà con bón cho mì; hỗ trợ giống mì, cử cán bộ nông nghiệp về tận rẫy giúp đỡ kỹ thuật cho bà con; đưa bà con sang Lào, Thái Lan học hỏi cách trồng mì...

 

Khi cây mì chưa thu hoạch, bà con chưa có tiền, anh Hiếu mang gạo tới từng nhà bán với giá chỉ bằng 80% giá thị trường, đến mùa bán mì bà con mới thanh toán tiền. Anh Hiếu nói thiện chí của doanh nghiệp không phải là nói hay mà cần thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể để người dân yên tâm sản xuất. Họ có no đủ thì nhà máy mới vững vàng hoạt động được.

 

Khắp “kinh đô mì ”ở huyện Hướng Hóa gồm 8 xã được lập ra 40 nhóm nông dân để bà con sinh hoạt nhóm. Hàng tháng các nhóm gặp nhau một lần trao đổi kinh nghiệm trong việc trồng mì làm sao cho kết quả tốt. Những cuộc gặp gỡ này đều có cán bộ kỹ thuật của nhà máy tham dự với tư cách gỡ rối thắc mắc cũng như ghi nhận những phản hồi từ nông dân.

 

Theo Lâm Quang Huy

NNVN