Nỗi buồn khốn khó ở thôn “Ba Ngày”
(Dân trí) - Lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn, thôn Pa Ngay được gọi vui là thôn “Ba Ngày” bởi để đi hết con đường nối thôn với thế giới bên ngoài phải mất 3 ngày cuốc bộ. Cuộc sống của 28 gia đình Vân Kiều nơi đây không mấy thay đổi so với nhiều năm trước….
Lần theo vết chân bùn bám trên những tảng đá, con đường dẫn vào thôn Pa Ngay rất gập ghềnh, cách trở
Men theo dòng sông Đakrông nối với suối Pa Ngay (xã Tà Long, Đakrông, Quảng Trị), con đường duy nhất dẫn vào thôn chỉ là một lối mòn nhỏ. Mùa khô khi dòng nước cạn kiệt, vết chân bùn bám vào từng tảng đá ven sông tạo thành một con đường dù gập gềnh nhưng rất dễ nhớ. Nhưng khi những con mưa ngàn đổ xuống, con đường quen thuộc giờ chỉ là dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy và sẵn sàng cuốn trôi mọi thứ.
Phải mất gần 5 giờ đồng hồ lội suối, bám từng hòn đá, gốc cây chúng tôi mới đến được thôn Pa Ngay. Già làng Pả Hương nhìn chúng tôi, cười: “Bây giờ đi nhanh hơn rồi, ngày trước phải đi mất ba ngày mới tới kìa!”. Có lẽ vì thế mà thôn Pa Ngay được mọi người gọi theo cái tên khác quen thuộc, ngán ngẩm hơn: “Ba Ngày”!
Nhìn ra con đường hun hút chạy ven suối, thầy giáo “cắm bản” Hồ Văn Đằng cho biết thêm, chỉ vì con đường này mà không một ai trong thôn biết đi xe đạp, xe máy và phải chịu ép giá cao ngất khi ra đường lớn (đường Hồ Chí Minh) thuê xe thồ. Không những thế, việc lợp xong một ngôi nhà ở thôn Pa Ngay quả là kỳ công, họ phải huy động hết thanh niên trong thôn đi vác những tấm phi-prô xi măng từ ngoài vào, mỗi người vác 1 tấm/ngày. Hay như việc đốt đuốc cõng người bệnh đi cấp cứu trong đêm khuya, mồ hôi trộn lẫn nước mắt, thêm vào đó là những cú ngã như trời giáng, vất vả là thế nhưng con “ma rừng” vẫn không thương tình…
Từ thuở bước chân vào khai khẩn, người dân thôn Pa Ngay chỉ biết dựa vào núi rừng để sinh sống. Cho đến bây giờ, “phải hơn 200 năm rồi”- già làng Pả Hương nhớ lại, cuộc sống của họ vẫn không khác trước là bao. Họ tìm con chim trên non, con cá dưới suối và dùng nguồn nước từ sâu trong rừng để tồn tại.
Theo lời kể của già làng Pả Hương: “Nguồn nước trước đây nhiều và sạch lắm. Bây giờ suối Pa Ngay bị bẩn rồi, làng ta phải lấy nguồn ở bên kia ngọn đồi”. Sau một ngày làm rẫy, đàn ông trong thôn lại xuôi theo suối Pa Ngay bắt cá, ngước lên từng lùm cây để bẫy con nhông (một loài bò sát to hơn tắc kè) để làm thức ăn.
Khi màn đêm buông xuống, bóng tối dày đặc của núi rừng Trường Sơn vây quanh thôn, ánh sáng lập loè phát ra từ bếp lửa ở các gia đình không xua tan được sự hoang vu, tĩnh mịch của màn đêm. Hiện nay chỉ 4 trong tổng số 28 gia đình trong thôn có được ánh sáng từ điện do tận dụng nguồn nước suối Pa Ngay để đặt máy phát điện loại nhỏ. “Một năm chỉ có điện từ tháng 2 đến tháng 6 thôi. Mùa lũ nước lên cao quá còn mùa hè nước suối cạn không lắp được”, Hồ Văn Mân (Pả Thìn) cho biết. Từ ngày có điện, căn nhà của Pả Thìn trở thành nơi tập trung đông vui của đám trẻ con lẫn người lớn trong làng đến xem nhờ tivi.
Những cái chết vì “con ma bệnh”
Mỗi năm thôn “Ba Ngày” lại tiễn biệt đi vài người, trong đó nhiều nhất là trẻ nhỏ. Giữa chốn hoang sâu rừng thẳm, hoà vào tiếng chim kêu, tiếng suối Pa Ngay róc rách chảy là những tiếng khóc ngẹn ngào, những giọt nước mắt thỉnh thoảng lại lăn dài trên má.
Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, Pả Đường (Hồ Văn Hiêm) kể: nhà anh có 5 đứa con nhưng 2 đứa chết rồi. Năm 2007, hai đứa con của anh mới 3 tuổi và 18 tháng đột nhiên đổ bệnh. Cứ nghĩ là cảm cúm bình thường nên anh điều trị tại nhà bằng lá rừng và cúng. Khi bệnh tình ngày một nặng thêm, anh vội vã đưa 2 cháu xuống viện. Phải đi mất một ngày trời nhưng khi tới nơi thì đã không kịp, các bác sĩ chẩn đoán 2 cháu bị sốt thương hàn cấp tính. Pả Đường ngậm ngùi đưa thi thể 2 con trở về, lòng quặn thắt.
Hôm chúng tôi đến, thôn Pa Ngay vừa mới an táng xong một linh hồn. Nhìn vào khu rừng ma - nơi chôn cất người đã khuất, trưởng thôn Pả Vũ kể: “Pỳ Nghĩa mới chết cách đây 10 ngày. Nó còn trẻ lắm (45 tuổi) nhưng mang bệnh nặng. Bác sĩ bảo nó bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối”. Anh nhắc lại khái niệm “ung thư cổ tử cung” nhiều lần như muốn khẳng định mình đã không đọc sai tên bệnh mà bác sĩ đã nói. Giống như bao người bệnh khác, khi hơi thở yếu dần và việc điều trị tại nhà không đuổi được “con ma” thì Pỳ Nghĩa mới chịu nhờ người đưa xuống bệnh viện. Như để phần nào an ủi những linh hồn đã khuất, Pả Vũ bộc bạch thêm: “Nếu có xuống viện sớm thì cũng phải về thôi, không có tiền mà nằm viện mô”. Nhìn những mái nhà lụp xụp trong thôn, xung quanh là cây rừng chúng tôi hiểu lời Pả Vũ nói là hoàn toàn có lý.
Theo cán bộ y tế thôn Hồ Văn Thông thì tỉ lệ trẻ em tử vong chiếm một số lượng lớn tại thôn Pa Ngay. Có những em mất ngay khi vừa lọt lòng, hoặc sinh non chưa đủ tháng nên không có khả năng đề kháng. Trong khi đó “phụ nữ ở đây làm việc nhiều lắm, ăn uống lại thiếu thốn và cũng không có điều kiện để đi khám sức khỏe định kỳ. Chuyện sinh đẻ không được xem là quan trọng”, anh Thông cho biết.
Ngày qua ngày, nhiều phụ nữ thôn Pa Ngay vẫn mang cái bụng bầu lên nương làm rẫy mà không có điều kiện nghỉ ngơi, chăm sóc. Nhìn cái bụng bầu đang ngày một lớn, Hồ Thị Pon ước: mong cho con được sinh ra không bị chết như chị con.
Khó khăn là vậy nhưng khi chúng tôi hỏi về ý định di cư ra ngoài, già làng Pả Hương lắc đầu: “Làng bố không đi đâu hết, ở đây để còn giữ đất, giữ rừng nữa”.
Trước khi trở thành già làng, Pả Hương từng là một chiến sĩ cách mạng giành nhiều huân huy chương cao quý, liên tiếp 4 năm gần đây Pả Hương còn vinh dự được nhận huy hiệu, giấy khen của BCH Biên phòng tỉnh Quảng Trị trong việc giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới.
“Ước mơ của bố là có một con đường lớn đi thẳng vào thôn, rồi sau đó mới xây được trường học, trạm xá, đường điện và nhiều thứ khác nữa”, già làng Pả Hương thổ lộ.
Phan Chung