1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sốc với cuộc sống ở ngôi làng “năm không”

(Dân trí) - Không đường giao thông, không điện, không nước, không công trình vệ sinh, không cán bộ y tế cơ sở… là cuộc sống suốt 10 năm nay của 30 hộ dân với 140 nhân khẩu ở làng tái định cư Lê Thái Thiện nằm dọc phá Tam Giang..

Thực trạng trên đã diễn ra gần 10 năm nay, kể từ khi thực hiện chính sách đưa dân vạn đò lên bờ theo chủ trương của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

 

Con đường độc đạo dẫn vào làng tái định cư Lê Thái Thiện (thôn Lê Thái Thiện, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chắp vá nham nhở trông đến tội nghiệp. Chúng tôi gửi xe máy ở cuối đường bê tông liên thôn Trung An (xã Lộc Trì), cuốc bộ trên con đường đất nhỏ xíu nằm giữa đồng ruộng nối dài với đê thủy lợi ngăn mặn đã xuống cấp, gập ghềnh sụt lún. Nhưng con đê chỉ kéo dài được hơn trăm mét, lại phải xắn quần vượt qua đoạn đường đất sạt lở gia cố bằng cọc tre, bao cát và chiếc cầu ọp ẹp nằm sát mặt nước của phá Tam Giang. Mùa mưa, con đường độc đạo bị dìm trong biển nước, làng tái định cư trở thành ốc đảo biệt lập với bên ngoài. Muốn đi lại chỉ còn cách chèo thuyền.

 

Các phương tiện giao thông như xe đạp, xe máy là vật dụng xa xỉ và (có lẽ) vô dụng; người dân làng tái định cư Lê Thái Thiện chỉ biết cuốc bộ quanh năm và vào mùa mưa thì đi lại bằng thuyền.

 

Sốc với cuộc sống ở ngôi làng “năm không” - 1

Đoạn đường cuối để vào làng nhấp nhô cọc tre, bao cát nằm sát với mặt nước.

 

Ông tổ trưởng làng tái định cư tên Lê Xuân Dũng (45 tuổi) niềm nở đón chúng tôi ngay đầu làng. Đám trẻ con thấy có người lạ í ới gọi nhau rồi rụt rè chạy theo xem “cái cục gì đen sì” (máy ảnh) mà bạn tôi đeo trước ngực là cái gì.

 

Phút bỡ ngỡ qua nhanh, tụi nhỏ tranh nhau xếp hàng để được chụp hình.

 

Sốc với cuộc sống ở ngôi làng “năm không” - 2
Tranh nhau đứng hàng đầu để được chụp bức ảnh đầu tiên trong đời.

 

Qua được khoảng ba ngôi nhà đầu làng, tôi khựng lại, nhìn về phía tay ông Dũng chỉ cùng với nỗi niềm: “Thằng bé này vừa mới bỏ học vì nhà túng quá, không có tiền mua sách vở và nộp các khoản phí đầu năm”. Rồi ông cho biết, đến năm nay làng tái định cư có 9 cháu bỏ học trong đó nhiều cháu tái mù chữ vì nghỉ học quá lâu.

 

Sốc với cuộc sống ở ngôi làng “năm không” - 3

Mới học đến lớp 6 nhưng Trần Sửu đã phải nghỉ giữa chừng để phụ cha mẹ bủa lưới, quăng chài kiếm sống qua ngày.

 

Sốc với cuộc sống ở ngôi làng “năm không” - 4
Hầu hết các hộ dân nơi đây đều kiếm sống bằng nghề biển bấp bênh, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng chưa có lối thoát.

 

Sốc với cuộc sống ở ngôi làng “năm không” - 5
Trong 30 hộ dân của làng chỉ có 2 hộ có ti vi đen trắng sắp “hết hạn sử dụng” nhưng người dân vẫn không dám dùng vì việc sạc bình ắc quy phải gánh bộ rất khó khăn và quan trọng là tốn tiền sạc.

 

Không có điện, gần 10 năm qua người dân nơi đây phải sống trong cảnh tối tăm leo lét với cây đèn dầu tự tạo có thể chống chọi được với gió biển.

 

Thiếu nước, người dân phải bơi thuyền hơn 5 cây số đến chân đèo Phước Tượng giáp ranh với xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) mới lấy được nước giếng về ăn uống; còn việc tắm giặt thì phải dùng nước biển, nhà nào “chơi sang” thì về giũ lại bằng nước giếng.

 

Nhưng khổ nhất vẫn là việc thiếu công trình vệ sinh. Khi được hỏi về chuyện đi vệ sinh hàng ngày, bà Ngô Thị Hường (57 tuổi) tặc lưỡi: “Thì cứ đi đại trên phá rồi lại nhắm mắt dùng nước đó tắm giặt chứ biết làm răng chừ!”.

 

 

Sốc với cuộc sống ở ngôi làng “năm không” - 6
Mong chút nước nhiễm phèn, nhiễm mặn mà dùng cũng không có.

  

Sốc với cuộc sống ở ngôi làng “năm không” - 7
Người dân dự trữ nước nhiều hơn cả lúa gạo.

  

Trao đổi về thực trạng “5 không” trên với những người có trách nhiệm, chúng tôi nhận được câu trả lời từ ông Trần Xuân Diệu (Chủ tịch UBND xã Lộc Trì): “Vì làng tái định cư Lê Thái Thiện còn ít hộ nên chưa triển khai kéo điện. Còn về nước thì cũng nằm trong diện được sử dụng nước sạch tự chảy của xã nhưng vì các thôn đầu nguồn dùng nhiều nên chúng tôi chưa lắp đường ống về làng tái định cư, do vậy nguồn nước vẫn chưa đến được với người dân”.
 
Sốc với cuộc sống ở ngôi làng “năm không” - 8
Trẻ em nơi đây hồn nhiên lớn lên cùng cuộc sống thiếu bóng dáng văn minh.

 

Còn theo ông Bạch Văn Khai (Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc) thì: “Dù biết nhu cầu sử dụng điện, nước, đường giao thông… của người dân tái định cư là bức thiết nhưng vì kinh phí đầu tư quá lớn nên khả năng của địa phương khó giải quyết nổi. Tuy nhiên chúng tôi sẽ trình bày thực trạng trên để cấp trên xem xét”.

 

Đông Lưu