1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỗi ám ảnh về thời tiết cực đoan, dị thường "chưa từng có" ở Việt Nam

Thế Kha Nguyễn Trường

(Dân trí) - 5 năm qua, Việt Nam ghi nhận những hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường, trái với quy luật. Ô nhiễm bụi tiếp tục là vấn đề nổi cộm tại nhiều khu vực đô thị, trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan về việc công bố Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020.

Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020 đã tập trung phân tích hiện trạng chất lượng các thành phần môi trường nước, không khí và môi trường đất; công tác bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn… trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh khắc nghiệt cả ở trong nước và quốc tế.

Báo cáo cũng đã xác định những vấn đề tồn tại, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020; nhận diện các thách thức trong công tác quản lý và đề xuất các nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

Nỗi ám ảnh về thời tiết cực đoan, dị thường chưa từng có ở Việt Nam - 1

Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhiều yếu tố bất thường, dị thường

Theo báo cáo trên, trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan giai đoạn 2007-2016 thì Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn.

Trước đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra có quy luật theo mùa, tuy nhiên những năm gần đây hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm có hiện tượng thời tiết cực đoan.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan trải dài rộng khắp các miền của đất nước, trong đó điển hình là hiện tượng khô hạn và mưa cực đoan ở miền Trung, rét đậm và rét hại ở miền núi phía Bắc; hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Nam.

Trong đó, năm 2016, người dân miền Trung và miền Nam đã trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn lớn nhất trong lịch sử 90 năm vừa qua, ảnh hưởng tới hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 18 tỉnh phải thông báo tình trạng khẩn cấp.

Trong đợt nắng nóng năm 2019 ở Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiệt độ đo được có ngày lên tới 43,4 độ C, mức cao nhất trong lịch sử quan trắc của Việt Nam đến nay.

Nỗi ám ảnh về thời tiết cực đoan, dị thường chưa từng có ở Việt Nam - 2

Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia.

Báo cáo còn dẫn chứng: Năm 2020, nền nhiệt độ trung bình tháng phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C; đặc biệt, trong tháng 3-4/2020, nhiệt độ trung bình tháng cao hơn so với trung bình năm từ 1,6-3 độ C. Đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt trên diện rộng gần đây nhất diễn ra từ ngày 20-21/5 với nhiệt độ phổ biến từ 38-40 độ C, có nơi cao hơn như tại quận Hà Đông (Hà Nội) với nền nhiệt lên ngưỡng 40,9 độ C.

"Những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và nghiêm trọng hơn trong giai đoạn trước năm 2015. Ngay từ giữa năm 2019, mực nước thượng lưu sông Mê Công ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2,5-5m; ở trung lưu và hạ lưu thấp hơn từ 2,5-3,5m. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long tại trạm Kratie (Campuchia) thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 48%, tương đương năm 2010, đây là năm thiếu hụt kỷ lục. Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long lấn sâu vào đất liền hơn năm 2016 từ 3-7km"- báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020 cho hay.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cũng diễn ra tại một số địa phương ở Trung Bộ, kéo dài từ Nghệ An đến Ninh Thuận, nặng nhất ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã diễn ra tại Quảng Trị, Đà Nẵng.

Ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc, rét đậm, rét hại có sự biến đổi phức tạp và biến động mạnh qua các năm. Số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng mức độ khắc nghiệt và độ dài các đợt rét có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt trong những năm gần đây đã xuất hiện những đợt rét hại có nhiệt độ khá thấp (thấp nhất trong 40 năm gần đây).

Tại các vùng núi cao như Pha Đin, Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hay Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn), nhiệt độ thấp nhất dao động từ -5 độ C tới -4 độ C; băng tuyết xuất hiện nhiều nơi, đặc biệt một số nơi như Ba Vì (Hà Nội) và Kỳ Sơn (Nghệ An) có mưa tuyết lần đầu tiên trong lịch sử.

Nỗi ám ảnh về thời tiết cực đoan, dị thường chưa từng có ở Việt Nam - 3

Tuyết xuất hiện trên đỉnh núi Fansipan (Sa Pa, Lào Cai). (Ảnh: Phạm Ngọc Triển).

"Tình trạng mưa cực đoan có xu thế biến đổi khác nhau giữa các vùng khí hậu, mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn. Trong những năm gần đây, mưa lớn xảy ra bất thường cả về thời gian, địa điểm, tần suất và cường độ. Điển hình là trận mưa lớn nhất trong lịch sử 40 năm qua và lũ lụt ở Quảng Bình năm 2016. Cũng trong năm 2016, Hà Nội chịu một trận mưa lớn gây ngập lụt chưa từng có trong 45 năm, lượng mưa lớn nhất ở thời điểm đo được tại huyện Chương Mỹ là 372mm. TPHCM cũng gặp phải tình trạng tương tự vào tháng 9/2016 khi có một trận mưa với lượng nước hơn 179mm (đây là cơn mưa lớn nhất tính từ năm 1975 đến nay)"- báo cáo nêu thông tin.

Năm 2020, tình hình thiên tai cũng có nhiều yếu tố bất thường, thậm chí dị thường, khó lường. Đầu năm là hình thái thời tiết chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhưng cuối năm lại chịu tác động của hiện tượng La Nina. Hệ quả là nắng nóng gay gắt từ ngay đầu năm, còn bão và mưa lớn dồn dập vào cuối năm. Điển hình là hiện tượng mưa đá tại một số khu vực miền núi phía Bắc như Phổ Yên (Thái Nguyên), Việt Trì (Phú Thọ), Si Ma Cai (Lào Cai).

Nỗi ám ảnh về thời tiết cực đoan, dị thường chưa từng có ở Việt Nam - 4

Những trận "đại hồng thủy" không còn hiếm gặp ở miền Trung. Trong ảnh là trận mưa lũ lớn ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình hồi tháng 10/2020.

"Theo số liệu thống kê trong vòng 20 năm qua, tổng số cơn bão, số cơn bão cấp 12 trở lên và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta đều tăng lên. Diễn biến đổ bộ của bão cũng ghi nhận nhiều hiện tượng dị thường, trái với quy luật. Tháng 10/2016, bão số 7 đổ bộ vào Quảng Ninh trong khi theo quy luật thời gian này bão thường đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ"- báo cáo dẫn chứng.

Trao đổi với Dân trí, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia - cho biết, tháng 8/2021, Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã công bố những kết quả đánh giá mới nhất về khoa học biến đổi khí hậu (AR6). Báo cáo AR6 chỉ rõ biến đổi khí hậu đã và đang có tác động đến chu trình nước và dẫn đến những hiện tượng cực đoan. Theo đó, các kết quả được đưa ra với độ tin cậy cao khi hành tinh nóng lên bao gồm: Các đợt mưa lớn dữ dội hơn và nguy cơ lũ lụt lớn hơn, hạn hán ngày càng nghiêm trọng do sự nóng lên trên đất liền làm tăng lượng bốc hơi. Sự thay đổi hoàn lưu nhiệt đới làm tăng cường mưa cực trị ở các vùng gió mùa.

"Thời gian tới, khu vực châu Á và Việt Nam sẽ phải chịu nắng nóng trở nên gay gắt hơn và thường xuyên hơn. Các ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm, như cao hơn 41 độ C, sẽ xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với những năm gần đây. Sạt lở đất là hiểm họa tự nhiên thường xuyên xảy ra nhất ở các vùng đồi núi. Do sự gia tăng của lượng mưa lớn và lớp băng vĩnh cửu tan ra làm gia tăng sạt lở đất dự kiến sẽ xảy ra ở một số khu vực của châu Á trong tương lai, trong đó có Việt Nam"- ông Khiêm dự báo.

"Nguy hiểm hơn, số lượng các cơn bão mạnh sẽ gia tăng, chẳng hạn như số lượng bão đạt cấp 10 - 12  sẽ gia tăng. Số lượng xoáy thuận nhiệt đới trong tương lai có thể giảm nhưng cường độ gió tối đa sẽ mạnh hơn"- ông Khiêm nói thêm.

Ô nhiễm không khí và nỗi ám ảnh bụi mịn

Trong giai đoạn 2016-2020, ô nhiễm môi trường không khí tiếp tục là một trong những vấn đề nóng, luôn nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu là ô nhiễm bụi tại các thành phố, đô thị lớn, các khu vực công nghiệp. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm bụi mịn ở một số thị lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn xảy ra thường xuyên.

Ở khu vực miền Bắc, mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng lên từ năm 2017-2019 nhưng đến năm 2020 đã giảm hơn. Đối với các đô thị vừa và nhỏ, khu vực nông thôn, miền núi, chất lượng không khí vẫn duy trì tương đối ổn định ở mức khá tốt và trung bình.

Cụ thể hơn, tại các đô thị lớn miền Bắc như Thủ đô Hà Nội, số ngày trong năm 2019 có giá trị chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu (tính trung bình các trạm đo) chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số ngày quan trắc trong năm. Một số ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu (AQI=201-300).

Nỗi ám ảnh về thời tiết cực đoan, dị thường chưa từng có ở Việt Nam - 5

Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Trong giai đoạn 2016-2020, ô nhiễm bụi tiếp tục là vấn đề nổi cộm tại nhiều khu vực đô thị. Mức độ ô nhiễm môi trường không khí có sự khác biệt rất lớn giữa các đô thị, Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm bụi và biến động qua các năm cao hơn so với các đô thị khác. Giá trị trung bình năm của thông số bụi PM2.5 và PM10 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 đều vượt ngưỡng của QCVN05:2013/BTNMT từ 1,1-2,2 lần, cao nhất ghi nhận năm 2019.

Trong khi đó, các đô thị miền Nam giá trị trung bình của thông số PM2.5 khá ổn định, mức độ biến động không đáng kể. Nhìn chung các đô thị miền Bắc có giá trung bình năm của thông số bụi PM10 và PM25 cao hơn các đô thị khu vực miền Trung và miền Nam.

Đối với thông số tổng bụi lơ lửng (TSP), kết quả quan trắc trong giai đoạn 2015-2019 cho thấy tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra phổ biến tại hầu hết các đô thị (tại các trục giao thông và khu vực dân cư). Tương tự như thông số bụi mịn, giá trị thông số TSP giảm từ năm 2005-2017 và có xu hướng tăng trở lại từ năm 2018-2019, thể hiện rõ ở khu vực miền Bắc.

Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia cho rằng, ở nước ta, giá trị thông số bụi chịu tác động rất rõ rệt bởi yếu tố khí hậu, tạo nên quy luật diễn biến chất lượng môi trường không khí theo các mùa trong năm. Điều này thể hiện rất rõ ở các khu vực miền Bắc, ô nhiễm bụi tập trung vào các tháng mùa đông, ít mưa (tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau). Đối với khu vực miền Nam, mức độ ô nhiễm bụi cũng giảm rõ rệt vào các tháng mùa mưa và cao hơn vào thời gian mùa khô. Tuy nhiên ở khu vực miền Trung, quy luật này không thể hiện rõ.

Diễn biến nồng độ bụi trong không khí cũng thay đổi theo quy luật trong ngày, thể hiện rõ nhất tại các khu vực gần trục giao thông. Nồng độ bụi tăng cao vào các giờ cao điểm giao thông, giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa và đêm.

Năm 2020, các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông phải giảm thiểu hoặc tạm dừng trong thời gian các quốc gia thực hiện giãn cách xã hội, đã cho thấy những tác động đáng kể đến chất lượng môi trường không khí. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trong khi đó, nguồn gốc gây ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu do hoạt động giao thông nên mức ồn lớn thường ghi nhận trên các trục giao thông chính. Ngưỡng ồn đo được ở các tuyến phố chính tại đô thị Việt Nam hầu hết đều xấp xỉ hoặc vượt ngưỡng của QCVN26:2010/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn và độ rung) trong khung giờ từ 6-21h hàng ngày (70dBA). Đối với các đô thị vừa và nhỏ, mức ồn đo tại các tuyến đường giao thông tại hầu hết đô thị cũng có diễn biến tương tự. Đối với khu dân cư, đã ghi nhận mức ồn vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép tại một số khu vực có mật độ dân cư lớn, gần đường giao thông. Tại các khu vực dân cư khác, xa đường giao thông, nhìn chung mức ồn vẫn nằm trong ngưỡng.

Nỗi ám ảnh về thời tiết cực đoan, dị thường chưa từng có ở Việt Nam - 6

Ô nhiễm bụi mịn trở thành nỗi lo lắng của người dân đô thị (Ảnh: Đỗ Quân).

Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia cho biết đã có nhiều nghiên cứu xung quanh bụi mịn cũng như những tác động xấu của ô nhiễm bụi mịn. Việc phơi nhiễm với hàm lượng bụi cao trong không khí, đặc biệt là bụi PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp dưới, đột quỵ, đau tim, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính và ung thư phổi. Đối với nhóm tuổi từ 65 trở lên, gánh nặng bệnh tật do bụi mịn là bệnh nhồi máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong khi đó, bụi mịn là nguyên nhân gây nên các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp dưới với nhóm độ tuổi dưới 1 và 5 tuổi.

Còn khí thải từ hoạt động giao thông và hoạt động công nghiệp chứa nhiều thành phần độc hại như CO, NO2,… có thể gây ung thư hoặc gây kích thích, một số chất độc khác còn có thể ngấm vào máu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Ngoài bụi và khí thải, tiếng ồn cũng gây ra những tác hại đến sức khỏe. Tiếng ồn ngoài việc làm suy giảm và mất thính lực, còn khiến căng thẳng tinh thần, rối loạn giấc ngủ, biến đổi hành vi con người, ảnh hưởng đến tim mạch, cơ quan tiêu hóa, suy giảm chất lượng lao động, học tập và gây biến đổi hành vi con người.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2016 thống kê, thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm không khí mỗi năm là hàng nghìn tỷ USD, trong đó riêng thiệt hại do mất sức lao động vì tử vong sớm và bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí là khoảng 225 tỷ USD. Đối với Việt Nam, chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chính xác về thiệt hại kinh tế do gánh nặng bệnh tật có thể nguyên nhân từ ô nhiễm môi trường.