1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ô nhiễm bụi mịn ở nơi nào cao nhất Việt Nam?

Thế Kha

(Dân trí) - Nếu so với nồng độ bụi PM2.5 theo khuyến nghị của WHO thì nồng độ bụi của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong giai đoạn 2019- 2020 đều vượt nhiều lần các mức khuyến nghị này.

Theo Báo cáo "Hiện trạng bụi P.M2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn" được công bố ngày 1/12, chất lượng không khí toàn quốc năm 2020 có phần cải thiện hơn so với 2019, tuy nhiên nhiều vùng và địa phương vẫn chịu ô nhiễm bụi PM2.5 (có nồng độ PM2.5 trung bình năm cao hơn QCVN 05:2013/BTNMT).

Trên phạm vi toàn quốc, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 có xu hướng giảm so với năm 2019. Các vùng có nồng độ bụi mịn cao là Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội và các tỉnh lân cận), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (các khu vực ven biển), và TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương.      

Trong năm 2020, miền Bắc có 10/25 tỉnh thành có nồng độ bụi trung bình năm toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc.

Ô nhiễm bụi mịn ở nơi nào cao nhất Việt Nam? - 1

Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm bụi mịn cao nhất cả nước (Ảnh: Hữu Nghị).

Miền Trung và miền Nam không có tỉnh, thành phố nào có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An (miền Trung) và TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam) vẫn có nhiều khu vực địa phương đang chịu ô nhiễm bụi PM2.5. 

"Nếu so sánh với nồng độ bụi PM2.5 theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021 và năm 2005, nồng độ bụi PM2.5 của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong giai đoạn 2019- 2020 đều vượt nhiều lần các mức khuyến nghị này"-báo cáo cho hay.

Đáng chú ý, lần đầu tiên có "bức tranh" hiện trạng bụi PM2.5 cụ thể của từng quận/huyện tại Hà Nội và TPHCM.

Tại Hà Nội, báo cáo cho rằng đây là thành phố đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cao nhất. Nồng độ bụi trung bình cả hai năm 2019-2020 đều vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 giảm 16% so với năm 2019.

Có sự chênh lệch nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm giữa các quận/huyện, trong đó cao hơn nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì).

Năm 2020, có 29/30 quận/huyện ở Hà Nội có nồng độ trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Nồng độ bụi PM2.5 có chênh lệch rõ rệt theo mùa, cao hơn từ tháng 11 đến tháng 3 và thấp hơn từ tháng 5 đến tháng 9.

Tại TPHCM, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm đứng thứ 11 trong xếp hạng toàn quốc. Nồng độ trung bình năm 2020 của thành phố vẫn thấp hơn giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT, và giảm 13% so với nồng độ trung bình năm 2019. Năm 2020, nồng độ bụi PM2.5 cao ở phía bắc và thấp ở phía nam của thành phố; và có 12/24 quận/huyện có nồng độ trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

"Các dữ liệu tổng hợp cho thấy giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 đã phần nào giúp cải thiện chất lượng không khí toàn quốc và hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TPHCM"-báo cáo nhận định.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam cho rằng đây là một công bố mới, không chỉ là vì độ phủ về vấn đề chất lượng không khí ở toàn Việt Nam, mà còn ở tiếp cận nhìn nhận. Báo cáo sử dụng đa nguồn dữ liệu để đưa ra bức tranh toàn cảnh và cho người đọc một cách nhìn mới, tổng quát về vấn đề này.

Báo cáo trên do Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), các nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện.

Bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần).

Bụi mịn PM2.5 xuất hiện trong không khí bắt nguồn từ nguyên nhân tự nhiên và nguyên nhân nhân tạo. Bụi mịn mang đến những vi khuẩn có hại cho cơ thể, từ đó gây ra hiện tượng dị ứng da, làm bạn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Nếu tiếp xúc với lượng bụi mịn nhiều còn có thể gây ra các hiện tượng viêm mũi, đau mắt, các bệnh về tai mũi họng.