1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Thanh Hóa:

Nỗi ám ảnh của nữ lao động vừa trở về từ Syria

(Dân trí) - “Tôi không nghĩ mình còn sống để trở về được Việt Nam. Hơn 7 năm bị lừa đi làm lao động “chui” bên Syria, thời gian ở bên đó đối với tôi như những ngày sống trong địa ngục vậy...”, nữ lao động vừa trở về quê nhà tâm sự.

Đó là những lời tâm sự của chị Ngô Thị Mỹ Hạnh (SN 1984), lao động người Việt Nam mới được giải thoát từ Syria trở về. Về quê hương được hơn 5 ngày nhưng chị Hạnh vẫn chưa dám tin chắc số phận mình còn may mắn được gặp lại mẹ già con côi.

Chị Ngô Thị Mỹ Hạnh là lao động Việt Nam cuối cùng từ Syria trở về.
Chị Ngô Thị Mỹ Hạnh là lao động Việt Nam cuối cùng từ Syria trở về.

Bà Dương Thị Tin, mẹ chị Hạnh không giấu hết được niềm vui mừng khi chính thức được ôm đứa con gái bằng xương bằng thịt của mình vào lòng. Bà chia sẻ: “Sau bao nhiều ngày ngóng trông con, nay được ôm con vào lòng tôi vẫn chưa tin hết được sự kỳ diệu này. Hơn 7 năm xa cách, nay con trở về có niềm vui nào bằng”.

Bà Tin vẫn còn nhớ rõ những giây phút ngồi chờ con ở sân bay. Trong lòng bà, cảm xúc vui buồn lẫn lộn. “Lúc đó, sắp được gặp lại con tôi vui nhưng cũng lo lắm, không biết con mình giờ như thế nào, béo hay gầy, có bị gì không. Hơn 7 năm mẹ con xa nhau rồi, giờ con như thế nào đây. Gặp được con, ôm con vào lòng tôi còn chưa dám chắc, nhìn kĩ mặt con thì đúng là con mình trở về thật rồi!”.

Hành trình 7 năm tìm đường về nước của chị Hạnh phải trải qua biết bao vất vả nơi xứ người. Chị Hạnh nhớ lại: “Vào năm 2007, tôi được một người làng xóm giới thiệu sang bên Syria làm lao động với hi vọng đổi đời. Nhưng nào ngờ, bị người ta lừa đi làm lao động “chui” với biết bao nhiều vất vả khổ cực. Nhiều lúc, mạng sống của bản thân mình mà tôi cũng không dám chắc sẽ còn giữ lại được chứ nói gì ngày được trở về nước”.

Cùng với niềm vui đoàn tụ, chị Hạnh hồi nhớ lại những ngày tháng đầy gian truân nơi xứ người. Đó là những ngày tháng làm giúp việc thuê, không nhận được bất cứ đồng lương nào, hộ chiếu thì bị chủ lao động giữ. “Khi mới sang Syria, tôi được chủ lao động bên này đưa đến thành phố Allepo kí hợp đồng làm giúp việc gia đình. Đến năm 2010 thì hết hợp đồng, tôi bị chủ lao động lừa lấy hết tiền công và giữ hộ chiếu không cho tôi về nước. Sau đó họ bắt tôi phải làm việc tiếp, nếu không làm việc sẽ bị đánh đập, bỏ đói cho đến chết”.

Những ngày tháng đó đối với chị Hạnh như sống trong “địa ngục trần gian”. Có những ngày chỉ được ăn một chiếc bánh mì và uống nước nhưng vẫn phải lao động nặng nhọc. Từ tháng 7/2010 đến đầu năm 2013 chị Hạnh lại tiếp tục được chủ lao động kí hợp đồng giúp việc cho một gia đình khác. Lúc này, chị được chủ lao động hứa làm việc trong 2 năm sẽ cho về nước.

Thoát được cảnh nhịn đói làm việc, bị đánh đập, dọa giết để đi làm cho chủ nhà mới. Tưởng rằng cuộc sống sẽ bớt khổ thì chị Hạnh lại phải đối mặt với những ngày tháng tủi nhục. Làm việc quần quật cả ngày, còn phải chịu nhiều uất ức. “Tôi chỉ mong sao thật nhanh hết hợp đồng để được về nước. Gần đến ngày về thì đất nước sở tại xảy ra chiến tranh loạn lạc, biên giới đóng cửa, cơ quan làm hộ chiếu của nước này bị đánh bom tê liệt hoàn toàn. Lúc này hi vọng về nước của tôi coi như chấm hết”.

Niềm vui sau 7 năm xa cách, nay gia đình được đoàn tụ.
Niềm vui sau 7 năm xa cách, nay gia đình được đoàn tụ.

Cảnh bom nổ, đạn bắn, chết chóc những ngày xảy ra chiến tranh bên Syria cho đến hôm nay khi nghĩ lại chị Hạnh vẫn cảm thấy run sợ. Chị chứng kiến cảnh nhiều người chết, người bị thương nằm trên đường phố; ở trong nhà mấy tháng trời không được ra ngoài đường, sống trong cảnh không có điện, không nước, hết lương thực thực phẩm nhiều hôm bị bỏ đói. Có những lúc chị thấy mình cận kề cái chết...

“Khoảng từ tháng 6 thì chiến tranh nội chiến bên Syria xảy ra. Gia đình chủ đi nước ngoài, trong nhà chỉ có một số người thân của họ cùng với tôi và một người Philippin. Dù ở trong nhà nhưng lúc nào tiếng bom cũng nổ, tiếng súng bắn nhau xảy ra hàng ngày. Nhiều hôm máy bay trực thăng còn bay sát bên cửa sổ nhà ở. Chúng tôi cả ngày phải nằm xuống nền nhà để tránh bị “bom rơi đạn lạc” vào người”, chị Hạnh kể.

Chị Hạnh kể thêm: “Trong những ngày chiến sự, ngày nào cũng xảy ra tình trạng bắn nhau. Ác liệt nhất là đêm thứ 5, sáng thứ 6 hàng tuần. Đây là ngày lễ của người dân Hồi giáo, các tín đồ họ tập trung đi lễ tại các nhà thờ, chính vì thế mà các phe nổi loạn nhằm vào đây để đánh phá. Chúng tôi ở trong nhà quan sát ra ngoài đường thấy người chết, người bị thương nhiều khi cứ nghĩ như mình không thể qua khỏi được trận chiến tranh này”.
 
Ngày chị Hạnh đi nước ngoài, đứa con gái chưa đủ khôn để biết mặt mẹ, khi trở về con gái đã khôn lớn khiến chị vô cùng vui mừng. Ngay đi chỉ có hai bàn tay trắng, giờ về nước cũng chỉ hai bàn tay không, số tiền nợ vay mượn đi nước ngoài cho đến hôm nay vẫn chưa trả hết được. Vui mừng được về nhà chưa trọn, chị phải đối mặt với số tiền nợ 50 triệu đồng.

“Giờ được trở về nước là vui rồi, tiền nợ rồi cố gắng làm cũng trả dần được. Giờ được sống bên mẹ và con gái, tôi cảm ơn tập đoàn IOM nhiều lắm. Nhờ IOM đã giúp đỡ nhiệt tình mà tôi mới được về nước như hôm nay. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Đại sứ quán Philippin tại Syria, Đại sứ quán Việt Nam tại Berut, Thổ Nhĩ Kì đã cho tôi được ăn ở và đưa tôi về nước an toàn”.

Thái Bá - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm