Ninh Thuận đa dạng hóa các hình thức để thúc đẩy bình đẳng giới
(Dân trí) - Tỉnh Ninh Thuận đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cơ hội cho phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Những năm qua, với mục tiêu phát triển bình đẳng, đồng đều ở tất cả các vùng, miền, các nhóm xã hội, lãnh đạo các cấp của tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh chính sách nhằm tăng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận các nguồn lực xã hội, đảm bảo tính công bằng và toàn diện hơn.
Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh có 32 DTTS, trong đó hộ nghèo DTTS là 6.974 hộ, chiếm tỷ lệ 17,73% so với tổng số hộ DTTS.
Theo bà Thủy, hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận không ngừng được hoàn thiện. Tỉnh luôn ưu tiên bố trí huy động các nguồn lực để thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, không chỉ hỗ trợ trực tiếp về đời sống cho đồng bào DTTS nói chung trong đó có phụ nữ DTTS mà còn mở ra cho họ nhiều cơ hội về sinh kế, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội…
Tại các huyện miền núi, các đơn vị đã kịp thời cụ thể hóa kế hoạch và tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân; quan tâm lồng ghép giới trong kế hoạch hoạt động của ngành, địa phương; các mục tiêu, chỉ tiêu được xác định đến năm 2025 cơ bản đạt và đã từng bước kiện toàn, củng cố Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp.
Công tác cán bộ nữ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ được chú trọng, bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong công tác quản lý, trong hệ thống chính trị của tỉnh; tỷ lệ tăng lên qua các nhiệm kỳ.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tạo việc làm tăng thu nhập, đặc biệt là tạo điều kiện cho phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng khác nhau.
Đáng chú ý, thực hiện Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Ninh Thuận đã triển khai tại 71 thôn thuộc 23 xã của 6 huyện. Việc này nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
Các cơ quan liên quan còn tổ chức khảo sát các nội dung liên quan đến bình đẳng giới tại 6 huyện; mở 5 lớp tập huấn về chương trình thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng cho cán bộ thôn, người có uy tín trong cộng đồng. Tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ Hội phụ nữ ở cơ sở tại các địa phương có địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, vận hành mô hình và phương pháp hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình.
Ngoài ra, các địa phương thường xuyên tổ chức lớp tập huấn về chương trình phát triển năng lực lồng ghép giới cho cán bộ các ngành cấp huyện, xã; tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi cho cán bộ phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ tổng phụ trách Đội 14 trường THCS thuộc 4 huyện: Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Sơn và Thuận Nam...
Để góp phần thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, bà Pi Năng Thị Thủy cho rằng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán địa phương. Ngoài ra, cần tập trung tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường học, nhất là các trường lớp bán trú và dân tộc nội trú.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông nội trú, bán trú các cấp, người có uy tín ở địa bàn có người DTTS sinh sống.