1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ninh Bình nói gì về việc chi 6 tỷ đồng cắm mốc bảo vệ di sản Tràng An?

(Dân trí) - Tỉnh Ninh Bình đã chi gần 6 tỷ đồng cắm hơn 680 cọc mốc bảo vệ, phân định ranh giới trong di sản Tràng An. Dư luận cho rằng, mỗi cọc mốc tiêu tốn hết 8,6 triệu đồng là quá nhiều. Sở Du lịch Ninh Bình đã lên tiếng về việc này.

Như Dân trí đã đưa tin, UBND tỉnh Ninh Bình đã có quyết định giao Sở Du lịch làm chủ đầu tư dự án “Xây dựng mốc giới bảo vệ, phân định ranh giới vùng lõi, vùng đệm của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”. 

Theo quyết định này, dự án sẽ cắm 475 cọc mốc phân định ranh giới vùng lõi trên chiều dài 41,5 km (khoảng cách trung bình là 100 m/mốc) và 211 cọc phân định ranh giới của vùng đệm có chiều dài là 52,3 km (khoảng cách mốc trung bình là 250 m/mốc).

Ninh Bình nói gì về việc chi 6 tỷ đồng cắm mốc bảo vệ di sản Tràng An? - 1

Đơn vị thi công thực hiện việc cắm mốc phân định ranh giới vùng lõi, vùng đệm Di sản thế giới Tràng An.

Kinh phí đầu tư cho việc cắm 686 cọc mốc bảo vệ, phân định ranh giới vùng lõi, vùng đệm của Di sản thế giới Tràng An là trên 5,9 tỷ đồng. 

Trước sự việc trên, dư luận cho rằng tỉnh Ninh Bình chi số tiền gần 6 tỷ đồng để cắm 686 cọc mốc (hơn 8,6 triệu đồng/cọc mốc) là quá nhiều so với thực tế. 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, tổng số tiền gần 6 tỷ đồng thực hiện dự án bao gồm: chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 2,9 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 2,7 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án hơn 69 triệu đồng… 

Theo ông Mạnh, số tiền gần 6 tỷ đồng là không quá cao như dư luận hoài nghi bởi thực tế chi phí tư vấn đầu tư xây dựng đã chiếm một nửa nguồn vốn đầu tư.

Ninh Bình nói gì về việc chi 6 tỷ đồng cắm mốc bảo vệ di sản Tràng An? - 2

Cọc mốc phân định ranh giới vùng đệm của di sản Tràng An.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình lý giải, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng dự án lớn là bởi việc khảo sát thực địa, đo tọa độ, lập bản đồ, đưa lên bản đồ số (cả vùng lõi và vùng đệm)… là công việc không hề đơn giản. Đơn vị tư vấn đã phải mất hơn 3 tháng mới có thể làm xong được việc này. 

Việc tiến hành chôn cọc mốc giới cũng gặp rất nhiều khó khăn vì địa hình của vùng di sản Tràng An rộng lớn (hơn 12.000ha, trải dài ở nhiều địa phương), chủ yếu là núi đá, rừng cây, sông ngòi, vùng sình lầy.... Việc vận chuyển mốc, vật liệu xây dựng từ nơi sản xuất đến nơi cắm là cả quá trình, mất rất nhiều công sức. 

Ông Bùi Việt Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An chia sẻ, để thực hiện được việc chôn mốc, đơn vị tư vấn, thi công phải đi theo chu vi vùng lõi (hơn 40km), vùng đệm (hơn 50km) ít nhất là 3 lần mỗi vùng. 

Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết thêm, các cột mốc bảo vệ, phân định ranh giới vùng lõi, vùng đệm của Di sản thế giới Tràng An được làm rất công phu, logo di sản Tràng An được in chìm vào cột rồi mới quét sơn, chất liệu được làm đúng theo quy chuẩn.

“Các cột mốc này sau khi chôn sẽ mang tính chất tuyệt đối về mặt tọa độ. Ninh Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện việc chôn cọc mốc ranh giới của vùng di sản”, ông Thắng nói và cho biết thêm, khi cọc mốc được chôn song, bản đồ số hóa sẽ được đưa vào hoạt động. Sở Du lịch sẽ giao về cho các địa phương để quản lý, góp phần lớn trong việc bảo vệ, quản lý trật tự xây dựng, đất đai trong vùng di sản. 

Thái Bá