1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Niềm tin mù quáng "cầm đồ thuốc độc" và những cái chết oan uổng

Quốc Triều

(Dân trí) - Nhiều người vùng cao tin rằng, một ít đất lấy từ mộ người chết, xương động vật, tóc… khi được phù phép có thể giết người. Cũng bởi niềm tin mù quáng này mà có người bị giết chết một cách oan uổng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2010 - 2020, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 103 vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc". Sự nghi kỵ này đã khiến 3 người chết, nhiều người bị đánh đập, đe dọa...

Mới đây nhất, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Soi 20 năm tù, Phạm Văn Nghề 14 năm tù và Phạm Văn Cua (cùng ngụ huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) 12 năm tù về tội "Giết người".

Trong một buổi nhậu, Soi, Cua, Nghề và ông P.V.L. uống khá nhiều rượu. Lúc đó, Soi nói ông L. đã "cầm đồ thuốc độc" làm cha của mình chết. Bị vu oan, ông L. cự cãi rồi xô xát với Soi sau đó bỏ về.

Xích mích tưởng dừng lại ở đó, thế nhưng Soi vẫn không chịu bỏ qua. Trên đường về, ông L. bị Soi, Cua và Nghề chặn đánh. Soi đã dùng dao chém nhiều nhát khiến ông L. tử vong tại chỗ.

Niềm tin mù quáng cầm đồ thuốc độc và những cái chết oan uổng - 1

Hiện trường nơi Soi và 2 đồng phạm ra tay sát hại ông L. vì nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc".

Thời điểm sau khi bị bắt, Soi khai nhận trước đây có nghe ông L. nói cha mình sẽ chết. Sau đó ít lâu, cha Soi qua đời. Dù bác sĩ kết luận cha Soi mắc ung thư nhưng Soi vẫn nghĩ ông L. đã "cầm đồ thuốc độc" khiến cha mình chết. Ý nghĩ đó đã dẫn đến vụ án mạng đau lòng khiến một người chết, 3 người vướng tù tội.

Dù không mất mạng vì bị nghi "cầm đồ thuốc độc" nhưng anh Đ.V.P. phải bỏ nhà đi khỏi làng. Cách đây hơn 4 năm, trong lúc đang uống rượu, anh P. vô tình đùa giỡn hỏi một người cao tuổi: "Sao ông già rồi mà chưa chết?". Câu nói đùa tưởng chừng vô hại lại khiến anh P. rơi vào tình cảnh nguy hiểm.

"Tôi chỉ nói đùa nhưng gia đình đó bảo tôi có đồ độc, muốn hại cha họ. Tôi đã xin lỗi mà họ không chịu, tung tin tôi "cầm đồ thuốc độc" rồi đe dọa cả gia đình", anh P. nói.

Từ ngày bị nghi có "đồ độc", cuộc sống gia đình anh P. bị xáo trộn. Sau đó nhờ chính quyền nắm thông tin, tổ chức tuyên truyền, hòa giải nên anh không còn bị đe dọa. Tuy nhiên, dân làng vẫn xa lánh anh vì sợ "đồ độc". Anh P. đành rời làng đi làm ăn xa đợi đến khi mọi chuyện lắng xuống mới dám về nhà.

Theo lý giải của các già làng sinh sống ở một số huyện vùng cao của Quảng Ngãi, trong suy nghĩ của một số cộng đồng dân cư, "đồ độc" là một hỗn hợp gồm đất được lấy từ mộ của người chết, xương động vật, tóc… trộn lẫn vào nhau rồi gói thành miếng nhỏ.

Một số người tin rằng, "đồ độc" được phù phép nên có quyền năng lớn, có thể trừ ma quỷ, bệnh tật nhưng cũng có thể gây bệnh tật, giết người, vật nuôi. Theo quan niệm truyền miệng của bà con, người có "đồ độc" muốn giết ai chỉ việc vỗ vai, xoa đầu, nguyền rủa hoặc cho ăn, uống..., người bị chuốc "đồ độc" sẽ chết.

Niềm tin mù quáng cầm đồ thuốc độc và những cái chết oan uổng - 2

Lực lượng công an đến tận những thôn, làng xa xôi để tuyên truyền, ngăn chặn những hủ tục lạc hậu.

Đứng trước thực trạng đó, từ nhiều năm qua, hoạt động tuyên truyền để xóa bỏ quan niệm về "đồ độc" được đẩy mạnh ở các huyện vùng cao. Đặc biệt là từ khi có lực lượng công an chính quy về công tác ở các xã, tình trạng nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" đã có chiều hướng giảm.

Theo Thượng úy Phạm Văn Nãy - Công an xã Ba Lế (huyện Ba Tơ), muốn tiến đến ngăn chặn, xóa bỏ việc nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" cần tăng cường tuyên truyền pháp luật cho bà con. Từ việc bám sát địa bàn, lực lượng công an chỉ rõ tác hại của việc tin vào "đồ độc", từ đó giải thích cho người dân hiểu không có chuyện "cầm đồ thuốc độc".

"Lực lượng Công an chính quy về xã thường xuyên tăng cường xuống các thôn để làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết về pháp luật. Trên cơ sở đó sẽ giúp ngăn chặn được các hủ tục lạc hậu tồn tại lâu nay, trong đó có vấn đề nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" nhằm giúp bà con yên tâm làm ăn, sinh sống", Thượng úy Nãy cho biết.