1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những ước mơ khó thành hiện thực

(Dân trí) - Trên dưới 8.000 nóc nhà ở xã Vân Hồ (Mộc Châu, Sơn La) kiếm sống bằng nghề nông - một nghề bấp bênh vì sự đỏng đảnh của thiên nhiên và giá cả thị trường. Người Vân Hồ nghèo, nhưng họ không ngừng mơ về nước sạch, trường lớp, y tế, sự no đủ…

Khát nước, thèm trạm y tế
 
Chúng tôi đến xã Vân Hồ vào đầu những ngày tháng Sáu oi bức, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng người dân mỏi mòn vì khát nước sạch sinh hoạt. Hầu hết người dân ở những bản xa phải cắt cử nhau hàng ngày đi lấy nước tại những mỏ nước, ao hồ sông suối có khi cách xa nhà đến hàng chục km. Thảng có nhà dành dụm mua được chiếc xe máy "Tàu" ưu tiên cho việc đi lấy nước. Đa phần thì vẫn đi bộ.
 
Những ước mơ khó thành hiện thực - 1
Một công dân trẻ đang tìm nguồn nước tưới cho mảnh ruộng nhà mình. (Ảnh Thế Cường)
 
Mùa thiếu nước tại xã vùng cao này kéo dài đến hơn nửa năm trời, thông thường từ đầu tháng Chạp đến cuối tháng 6. Thiếu nước sinh hoạt đã đành, thiếu nước canh tác mới là nỗi lo lớn của bà con dân bản. Nhiều lắm thì một người, cả một buổi sáng cũng chỉ lấy được vài can nước cho cả nhà, số lít nước có khi còn ít hơn số lít xăng chạy xe đi tìm nguồn nước.
 
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lầu A Làng tại bản Bó Nhàng 2, xã Vân Hồ, đúng lúc mấy đứa trẻ nhà anh nheo nhóc đòi được tắm. Anh Làng cho biết: “Sáng nay tôi đi lấy được ba can nước, phải tận dụng hết sức, rửa rau xong, nước đó giặt quần áo rồi mới cho trẻ tắm; nhưng lũ trẻ cứ đòi tắm trước. Từ ngày tôi sinh ra đã thế có phải bây giờ mới thiếu nước đâu”. 
 
Những ước mơ khó thành hiện thực - 2
Nhiều người dân xã Vân Hồ đã phá bỏ chè để trồng su su, ngô... vì cho rằng trồng cây ngắn ngày sẽ có hiệu quả  hơn cây lâu năm.
 
Còn tại bản Suối Lìn, anh Mùa Văn Siêu đang huy động cả vợ và hai đứa con còn lẫm chẫm đi múc nước cứu su su. Nhìn những ngọn su su héo úa, anh không giấu được vẻ lo lắng: “Cả nhà tôi trông vào chỗ su su này mà chắc chả cứu được đâu”.
 
Đi cùng với vấn đề thiếu nước, sinh hoạt tạm bợ luôn là nguy cơ bùng phát những dịch bệnh. Tuy nhiên, tại hầu hết những thôn bản ở xã Vân Hồ đều không có trạm y tế đúng nghĩa. Những cán bộ phụ trách vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình thường kiêm luôn phần y tế. Họ hầu hết là người địa phương và chưa từng được đào tạo qua một trường lớp nào.

Vài bản cũng có “trạm y tế”, là gọi cho oai chứ thực ra không có trụ sở; người làm công tác y tế vừa thiếu kinh nghiệm vừa không kiến thức chuyên ngành. Vì thế người bệnh lúc nào cũng trong tư thế phải chạy vượt tuyến. 

Chị Mùa Thị Sềnh, bản Suối Lìn, buồn rầu: “Con tôi mới bị đi ngoài nặng, mang đến y tế bản không ăn thua thế là phải mang nhanh lên trạm y tế huyện. Bác sĩ bảo bệnh đơn giản nhưng thiếu chút nữa là không cứu được”. 

Ngoài ra, một vấn đề trăn trở nữa với người dân Vân Hồ là nhà văn hóa. Toàn xã có 15 bản thì hiện nay mới chỉ có 2 bản có nhà văn hóa tạm bợ. Ở những bản còn lại, những hoạt động văn hóa tập thể đều phải diễn ra tại nhà của trưởng bản rất chật chội. Anh Mùa A Tằng thổ lộ: “Nhìn bản bên có nhà văn hóa thường xuyên hát múa, phổ biến đường lối nhà nước mà thèm lắm à”.
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Mùi Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã Vân Hồ - cho biết: “Do địa hình miền núi của xã nên vấn đề nước sạch khó lòng thực hiện được. Còn nhà văn hóa và trạm y tế chính quyền xã cũng chuẩn bị kế hoạch địa phương và nhân dân cùng làm nhưng… chưa biết bao giờ mới thực hiện được”. 

Hơn 80% người Mông trong xã tảo hôn

Cả xã Vân Hồ với hơn 8.000 hộ, gồm 5 dân tộc chính: Mông, Kinh, Mường, Dao, Thái nhưng chủ yếu là người Mông (trên dưới 60%). Xã có 9 bản Mông thì có tới 3 bản là đặc biệt khó khăn. Năm học 2008-2009, toàn xã có hơn 1.600 học sinh cả 3 cấp thì đa số học hết lớp 9. Sau khi học xong, thanh thiếu niên chỉ ở nhà làm nương rẫy nên lấy vợ lấy chồng rất sớm. Tình trạng tảo hôn diễn ra vượt khỏi sự kiểm soát của chính quyền địa phương. 
 
Những ước mơ khó thành hiện thực - 3
Nạn tảo hôn và nhiều vấn đề an sinh khác đang vây bủa những người dân nơi đây
 
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lầu A Lếnh và chị Mùa Thị Phức ở bản Bó Nhàng. Anh chị lấy nhau từ năm 15 tuổi. Giờ mới gần 30 tuổi mà anh chị đã có tới 5 người con và trông như đã ngoài 40 tuổi. Căn nhà gỗ xập xệ, 5 đứa bé sàn sàn nhem nhuốc tranh nhau nghịch đất ngoài sân. Hỏi tại sao lại lấy vợ sớm thế và không kế hoạch hóa gia đình, anh Lầu A Lếnh hồn nhiên: “Nghỉ học làm nương lấy vợ sớm càng có người làm. Vợ bảo đẻ nhiều cho vui cửa vui nhà”. 

Theo như lời ông Mùi Văn Huấn khẳng định thì: “Tình trạng tảo hôn tập trung chủ yếu ở đồng bào người Mông với tỉ lệ lên đến hơn 80%. Xã cũng có biện pháp xử lí mạnh mẽ là mỗi cặp tảo hôn phải chịu phạt từ 100 đến 300 nghìn đồng. Tuy nhiên, không đạt hiệu quả và nhiều hộ còn không chịu đóng”. 

Đến Vân Hồ mới thấy, ước mơ của người Vân Hồ thì nhiều, nhưng để hiện thực hóa thì không biết đến bao giờ...

Thế Cường