Những tục kiêng ngày Tết độc đáo của người vùng cao xứ Nghệ
(Dân trí) - Mỗi dân tộc thiểu số ở vùng cao Nghệ An có 1 tập tục riêng trong những ngày Tết cổ truyền. Người Mông kiêng thổi lửa, quét nhà, con gái không được ăn thịt con gà cúng tổ tiên. Người Khơ mú không cho phép người khác lên nhà sau lễ mừng năm mới, người Thái không vứt bỏ lá dong ra ngoài nhà trước ngày khai hạ…
Kiêng kị là điều phổ biến và thú vị trong tục đón tết của nhiều cộng đồng dân tộc. Với người vùng cao xứ Nghệ, mỗi cộng đồng lại có cách kiêng kị riêng.
Ông Vừ Chông Dì, Bí thư đảng ủy xã Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết cộng đồng người Mông thường ăn Tết gần hết tháng giêng. Đó là dịp nghỉ ngơi để mở hội. Dẫu vậy thì cộng đồng này cũng có những điều kiêng kị trong ngày mồng 1 Tết.
Trong ngày mồng 1 Tết, việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường. Người Mông không nặng nề trong việc ai là người xông đất đầu tiên. Người cùng bản hay khách lạ vào nhà đều được quý hóa. Người đàn ông trong nhà sẽ nhờ vợ con nấu một món nào đó đãi khách thế nhưng trong khi nấu, lửa có lụi tắt cũng không được thổi mà phải nhóm lại.
Theo quan niệm của người Mông, thổi lửa trong ngày mồng một Tết sẽ gây ra gió bão, gây mất mùa. Cộng đồng này cũng không cho con gái ăn thịt gà cúng tổ tiên vào ngày Tết. Người ta không cho con gái ăn thịt gà cúng vì sợ con gái mang về nhà chồng mất.
Một điều kiêng kỵ khác dễ nhận thấy mỗi khi đến với bản làng người Mông là trước cửa nhà đều có 1 hình thù kỳ lạ. Năm mới đến hay làm lễ cúng họ thường lấy một loại cây gỗ có tên "Hua xi" (một loài cây ở vùng cao xứ Nghệ làm thành biểu tượng con dao treo trước cửa để ngăn điều xấu vào nhà). Đồng thời đây cũng là hình ảnh cảnh báo cho người lạ chưa được phép vào nhà khi gia chủ chưa cho phép.
Bên cạnh đó, trong mấy ngày ăn Tết, người Mông phải kiêng cữ không đi làm và không được đụng đến dao rựa. Cũng chính vì thế trước đó họ chuẩn bị tất cả mọi thứ từ thức ăn, củi đuốc đủ để dùng trong mấy ngày Tết. Người Mông quan niệm rằng, năm mới làm lụng vất vả thì cả năm sẽ không được sung sướng, do vậy mấy ngày này họ chỉ ăn uống và vui chơi.
Đối với người Thái, ngày Tết, nhất là vào mồng 1 cũng có những kiêng kị nhất định. Trong ngày tết, người ta thường cố nín nhịn, không gây ra bất hòa trong gia đình cũng như cộng đồng làng bản. Trong ngày mồng 1 Tết, người ta rất ngại phải làm người xông đất nhà ai đó vì sợ mang lại điều không may mắn cho người khác.
Trong ngày tết, người Thái cũng kiêng xin lửa, nước và đồ ăn. Nếu như vậy người xin lẫn người cho đều không gặp may mắn. Dẫu vậy thì những vị khách vẫn được xem trọng. Mỗi người đến nhà đều được mời ăn cơm và uống rượu đầu năm mới.
Khi bóc bánh chưng, người Thái cũng kiêng vứt bỏ lá dong ra ngoài nhà. Lá dong được cất kỹ trong một chiếc gùi và chỉ được vứt bỏ vào ngày khai hạ (mồng 7 tháng giêng Âm lịch).
Sau lễ đón năm mới, bạn không nên bước lên nhà người Khơ mú. Lễ này không trùng với tết Nguyên đán mà là lễ đón năm mới riêng của cộng đồng này.
Trong ngày đầu năm mới, người Khơ mú thường chọn một người ưng ý để xông đất. Họ rất ngại người nào đó ngẫu nhiên xông đất đầu năm mới sẽ mang lại ốm đau, bệnh tật, mất mùa cho gia đình.
Nguyễn Tú