1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Những trang giáo án thảm sầu” sẽ... bay về đâu?

Sau khi Báo Lao Động đăng loạt phóng sự “Yên Bình dậy sóng”, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ độc giả, đặc biệt là 80 giáo viên mầm non đang bị đề nghị hủy biên chế ở huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái).

UBND huyện Yên Bình cũng đã có công văn gửi Tổng Biên tập Báo Lao Động, “xin tiếp thu và cảm ơn” những ý kiến xác đáng và bổ ích của báo, đồng thời cung cấp thêm thông tin liên quan ngõ hầu giúp cơ quan điều tra có thể vạch mặt quan tham…
 
“Những trang giáo án thảm sầu” sẽ... bay về đâu?
Các giáo viên thuộc diện bị huỷ biên chế trong cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Yên Bình. Các giáo viên thuộc diện bị huỷ biên chế trong cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Yên Bình.

 

Nhiều giáo viên được công an đến nhà “thăm hỏi”

 

Phải nói rằng, suốt quá trình tìm hiểu vụ việc, PV Báo Lao Động rất khó để tiếp cận được cơ quan chức năng, càng không thể nào gặp được những cô giáo, thầy giáo phải bán nhà, vay tiền ngân hàng, nợ đầm đìa sau khi “chạy biên chế”. Vì sao vụ việc lại “bí mật” thế? Vì đây là vụ “động trời” chưa từng có ở địa phương với 6 cán bộ, quan chức bị xử lý, kỷ luật; dư thừa đến 212 giáo viên, 80 người bị đề nghị hủy biên chế!

 

Để được yên thân, các cô không muốn tiết lộ, không gặp gỡ chúng tôi, cứ lặng lẽ khóc trong cay đắng. Ngoài ra,  các thầy, cô giáo sợ hơn là tố cáo thì liệu còn “đất” để làm nghề, sinh sống.

 

Họ chẳng biết đi đâu, làm gì, nếu không tiếp tục làm giáo viên ở chính  huyện Yên Bình này. Sau sóng gió mà bị ghét bỏ, trù úm thì tương lai của các thầy, cô sẽ về đâu?

 

Tuy nhiên, sau 3 bài viết thẳng thắn của chúng tôi, các nhà giáo liên quan đã chính thức đi tìm nhà báo để tố cáo thêm rất nhiều mảng tối khác.

 

Được biết, sau khi Lao Động lên tiếng, rất nhiều giáo viên từng tiếp xúc với phóng viên đã được vinh dự đón tiếp các đồng chí công an đến tận nhà, tận trường “hỏi thăm”, tìm hiểu.

 

Đặc biệt, ngày 22.11, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình - ông Lê Văn Lương - ký công văn số 1137 gửi Báo Lao Động nói về việc huyện đang phối hợp tích cực với cơ quan điều tra tìm các “tiêu cực trong hợp đồng, tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên, nhân viên nhà trường”, “nếu có đủ căn cứ sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

 

Nên tập trung hướng tới... các hiệu trưởng (?)

 

Nhiều cô giáo trực tiếp nói chuyện với phóng viên, kể rõ: Có môi giới đến tận nhà trình bày, đưa ra mức 40-50 triệu đồng cho việc vào biên chế. Họ tự xưng là chỗ “thân thiết” của cán bộ tuyển dụng, lãnh đạo huyện. Giáo viên phải vay tiền ngân hàng huyện, đưa cho môi giới theo từng đợt. Mỗi lần đưa tiền đều có giấy tờ viết tay, coi như người môi giới đang “vay nợ” giáo viên cần “chạy biên chế”. Khi có biên chế, giấy đó đã bị hủy.

 

Rất nhiều người cùng đi vay tiền ngân hàng, cùng nói thẳng với cán bộ ngân hàng là mình vay tiền để “lo chạy việc”! Có giáo viên đưa thẳng tiền đến nhà lãnh đạo, nhiều người qua môi giới chính là hiệu trưởng trường mình đang dạy. Khi không đạt được mục đích, họ đi đòi lại tiền, hoặc được “gọi lên lấy lại tiền”.

 

Có cô giáo khẳng định: Bà hiệu trưởng đã gọi cô lên, bảo rằng 40 triệu thì mới được biên chế, “vì em đã dạy học (cống hiến) nhiều năm, em là con thương binh nên ưu tiên” (chứ người khác giá đắt hơn). Cô giáo này cũng cầm tiền đưa trực tiếp cho hiệu trưởng. Nhiều đồng nghiệp của cô cũng phải làm như vậy.

 

Cô giáo nhấn mạnh: Báo Lao Động chỉ điều tra tố cáo cán bộ huyện “ăn tiền chạy việc” là chưa đầy đủ, mà một thủ phạm quan trọng là các hiệu trưởng với quyền “tự chủ” của họ lâu nay.

 

Gửi Báo Lao Động “danh sách cán bộ bị kỷ luật”

 

Được biết, ngày 24.11, Bí thư Huyện ủy Yên Bình cùng nhiều cơ quan liên quan đã triệu tập các giáo viên bị đề nghị hủy biên chế lại và tiếp tục “phân tích thiệt hơn” rồi yêu cầu 80 giáo viên ký vào hợp đồng lao động mới, hợp đồng đó sẽ thay thế cho biên chế! Vẫn như cũ, đợt này, không một giáo viên nào ký.

 

Trong công văn gửi Báo Lao Động, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cũng cho biết: Liên quan đến việc thừa 212 giáo viên, nhân viên trường học trên địa bàn, “Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã có quyết định thi hành kỷ luật đối với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Bình khóa XX và một cố cán bộ liên quan bằng hình thức khiển trách, gồm các đồng chí: Hoàng Xuân Nguyên - nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Bình; Lương Văn Tú - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện; Lê Văn Lương - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện; Lý Thế Vinh - nguyên Trưởng phòng Nội vụ huyện”. (Chỉ có điều khiến dư luận giật mình sửng sốt là: Ông Bí thư Huyện ủy bị ''khiển trách'' thì lên làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Chủ tịch huyện bị ''khiển trách'' lên làm Phó Trưởng ban Phòng, chống tham nhũng tỉnh; ông Lương đang làm Phó Chủ tịch huyện, bị ''khiển trách'' xong đã lên làm Chủ tịch huyện...).

 

UBND huyện cũng thừa nhận những thiếu sót trong việc xử lý vụ việc đang được coi là “bom tấn dưới mái trường” mà LĐ đề cập. "Trong quá trình tổ chức thực hiện (đối thoại giải thích với giáo viên - PV) chưa bài bản (...), chưa phân tích làm rõ những vấn đề có liên quan đến chế độ, chính sách, quyền lợi của giáo viên, nhân viên; để xảy ra tình trạng bức xúc (...) gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân- như Báo (Lao Động) đã nêu. Chúng tôi xin trân trọng tiếp thu”- văn  bản của Chủ tịch UBND huyện Yên Bình gửi Báo Lao Động khẳng định.
 
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao Động

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm