1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những "trạm trung chuyển" đặc biệt ở nơi phong tỏa

Phạm Nguyễn

(Dân trí) - Đồ cần đưa vào trong hay chuyển ra ngoài đều được đặt lên "trạm trung chuyển" để xịt khuẩn trước khi được chuyển đi.

"Trạm trung chuyển" tình người nơi phong tỏa

Những chiếc ghế, chiếc bàn là sự sáng tạo của địa phương nhằm giữ khoảng cách cũng như hỗ trợ đắc lực cho người dân trong thời gian bị phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19.

Người dân bên trong và bên ngoài thực hiện nghiêm chỉnh quy trình đưa và nhận nhu yếu phẩm với tinh thần tự giác tuyệt đối và ý thức cao nhất. 

Chính quyền địa phương chăm lo đời sống, trực gác phong tỏa, người dân ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, hỗ trợ nhau phía bên trong rào phong tỏa. Sự đoàn kết đã làm hai chữ "tình người" thêm đẹp nơi con hẻm đang bị phong tỏa, cách ly y tế này.

"Chị ơi đeo khẩu trang vô đi", cậu dân quân trẻ nhắc một chị bên trong khu khố bị phong tỏa kéo khẩu trang xuống cằm để hở mũi miệng.

"Con đã ghi hết hướng dẫn uống thuốc trong toa, chú cứ theo đó mà uống", một cán bộ y tế phường nói vọng vào với một chú bên kia hàng rào.

Tới giờ phát đồ ăn, suốt tuần nay mỗi ngày 3 lần, hai dãy bàn ghế xếp ngay ngắn làm "trạm trung chuyển" thức ăn. "Nhà cô 5 mấy phần, nhà cô 6 đây, 5 phần", một nhóm 3 người ra nhận đồ ăn từ bên ngoài để trên "trạm trung chuyển" ngay rào phong tỏa phân các túi thức ăn thành nhiều phần, mang vào để lên "trạm trung chuyển" thứ 2 phía trong cho đại diện từng nhà.

"70 ngàn, không cần thối tiền đúng không", một người bán hàng vừa nói vọng qua phía bên kia rào phong tỏa vừa dùng bình xịt khuẩn xịt lên xấp tiền để trên chiếc ghế bên dưới.

Những câu chuyện đơn giản giữa đời thường nhưng phản ánh cuộc sống của người dân nơi con hẻm 97, Phạm Phú Thứ thông ra hẻm 106, Bình Tiên thuộc phường 3, quận 6 trong tuần đầu tiên phong tỏa vì liên quan đến ca dương tính 1347. Mọi thứ đã vào guồng, trật tự, đoàn kết, tự giác cao vì người dân ý thức được tác hại khôn lường của Covid-19.

Gần 500 nhân khẩu thuộc 148 hộ tại 3 con hẻm quen dần tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Đều đặn mỗi ngày, các hộ dân được chính quyền cung cấp thức ăn và các nhu yếu phẩm khác như gạo, nước uống.

Trên đường chỉ có lác đác một số người đi làm chạy ngang qua, ai ai cũng đều đeo khẩu trang. Xe thông báo của địa phương và tiếng loa phát thanh vang đều bên tai nhắc nhở người dân các biện pháp phòng chống dịch.

Có người cởi trần, tay cầm quạt phe phẩy từ trong nhà nhìn ra. Số khác tận dụng thời gian này tập thể dục. Trẻ em vui chơi trước lối đi rộng rãi của con hẻm với chiếc khẩu trang trên mặt.

Mọi thứ, thoạt nhìn, không có gì khác biệt ngày thường, nhưng đây sẽ là những ngày tháng khó quên của cả khu phố...

Những trạm trung chuyển đặc biệt ở nơi phong tỏa - 1
Con hẻm phong tỏa nhìn từ hướng hẻm 106, Bình Tiên
Những trạm trung chuyển đặc biệt ở nơi phong tỏa - 2
Chiếc ghế nhựa chính là "trạm trung chuyển" các vật dụng gửi từ bên ngoài
Những trạm trung chuyển đặc biệt ở nơi phong tỏa - 3
Một cán bộ y tế phường dặn dò từ xa cách uống thuốc cho một người dân có người thân bị bệnh bên trong con hẻm
Những trạm trung chuyển đặc biệt ở nơi phong tỏa - 4

Người đàn ông nhắn với cán bộ trực gác xin đừng cắt điện, đang cách ly nên anh không đi đóng tiền điện được.

Những trạm trung chuyển đặc biệt ở nơi phong tỏa - 5
"Yên tâm, không ai cắt điện của anh đâu, dỡ phong tỏa rồi đi đóng, khẩu trang nè, anh lấy thêm đi", cán bộ công an phường trả lời người đàn ông

Bao nhiêu ngày phong tỏa là bấy nhiêu ngày lực lượng chức năng có mặt 24/24 để túc trực, hỗ trợ người dân. Họ mang cơm ăn, nước uống hằng ngày đến người dân đang cách ly. Đôn đốc, nhắc nhở những người thân đến tiếp tế thức ăn thực hiện các biện pháp phòng dịch.

"Phường chúng tôi chia nhiều ca gác. Xuyên suốt ở đây lúc nào cũng có người túc trực. Có gì nguy cấp phải báo ngay cho cấp trên rồi nhận chỉ đạo. Người dân cách ly ăn gì thì chúng tôi ăn nấy. Về nhà thì thường ăn cơm riêng, tránh tiếp xúc với người trong gia đình cho an toàn. Mình phải phòng hộ bản thân mình tốt thì mới có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ", một cán bộ trực gác tâm sự.

Những trạm trung chuyển đặc biệt ở nơi phong tỏa - 6
Tất tả chuẩn bị bữa ăn chiều cho người dân bên trong khu phong tỏa phía hẻm 97, Phạm Phú Thứ  
Những trạm trung chuyển đặc biệt ở nơi phong tỏa - 7

Người dân bên trong tự giác giữ khoảng cách với lực lượng trực gác, xếp thêm một hàng ghế nhựa để các đại diện gia đình đến nhận, hạn chế tập trung đông người gần hàng rào  

Những trạm trung chuyển đặc biệt ở nơi phong tỏa - 8

Một nhóm đàn ông, thanh niên làm nhiệm vụ chia thức ăn cho các hộ, nhóm khác thông báo từng nhà cử người ra nhận đồ ăn. 

Những trạm trung chuyển đặc biệt ở nơi phong tỏa - 9

Theo văn bản thông báo tại khu cách ly, thời gian thực hiện phong tỏa từ ngày 30/11 đến khi có chỉ đạo của Ban chỉ đạo công tác Phòng chống dịch Covid-19 TP hoặc quận

"Tiền những người trong xóm mua hàng đều được những người ở trạm gác khử khuẩn. Tôi đem về để riêng một chỗ rồi phun thuốc khử khuẩn lần nữa cho an toàn. Khó là khó khăn chung nên tôi không phàn nàn gì. Chỉ mong sao cho hết dịch để mọi thứ hoạt động lại", ông T.C.B vừa giao hàng cho một người dân trong khu phong tỏa kể.

Một người dân ra nhận thức ăn chia sẻ với phóng viên qua lớp khẩu trang: "Sơ sểnh là hại mình hại người, cách ly để bảo vệ chính mình chú ơi".