Những tiền đề “tạo đà và nâng cánh” để Thanh Hóa tiến lên

Trần Lê Trường Thịnh

(Dân trí) - Thanh Hóa chưa bao giờ có được tiềm lực và vị thế như ngày nay, đây là tiền đề quan trọng, sẽ “tạo đà và nâng cánh” để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục vững bước tiến lên...

Theo ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong bối cảnh đất nước và quê hương Thanh Hóa đã trải qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và rất đáng tự hào.

Những tiền đề “tạo đà và nâng cánh” để Thanh Hóa tiến lên - 1
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Thanh Hóa chưa bao giờ có được tiềm lực và vị thế như ngày nay. Kết quả ấy khẳng định sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và đồng thuận trong Nhân dân, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng, sẽ “tạo đà và nâng cánh” để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vững bước tiến lên, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trong điều kiện chính trị - xã hội ổn định, tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh, đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân được tăng cường; song, cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gần đây nhất là đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và mọi mặt của đời sống xã hội... Nhưng vượt qua tất cả, Thanh Hóa đã kết thúc nhiệm kỳ 2015 - 2020 với rất nhiều thành công và thắng lợi.

Những tiền đề “tạo đà và nâng cánh” để Thanh Hóa tiến lên - 2
Lọc hóa dầu Nghi Sơn, điểm sáng kinh tế của Thanh Hóa

Về kinh tế, nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác lập những dấu mốc quan trọng mà các nhiệm kỳ trước chưa bao giờ có được. Kinh tế luôn tăng trưởng ở mức cao; 5 năm liên tục tốc độ tăng trưởng GRDP đạt hai con số; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt 12,1%, vượt mục tiêu Đại hội (12%), gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Quy mô GRDP năm 2020 dự kiến đạt 131.199 tỷ đồng, gấp 1,77 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung Bộ; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.616 USD, gấp 1,8 lần năm 2015. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn vượt dự toán và tăng cao so với đầu nhiệm kỳ; năm 2020 thu ngân sách ước đạt 29.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015.

Sản xuất nông - lâm - thủy sản phát triển toàn diện; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị được hình thành và phát triển.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 8 đơn vị cấp huyện, 313 xã và 740 thôn, bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 65,75%, vượt mục tiêu Đại hội.

Những tiền đề “tạo đà và nâng cánh” để Thanh Hóa tiến lên - 3
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư...

Ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm dự kiến đạt 20,1%, vượt kế hoạch; năm 2020 dự kiến đạt 144.532 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và loại hình, từng bước đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, thương mại, logistics, vận tải, cảng biển của cả nước; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm dự kiến đạt 8,6%.

Giá trị xuất khẩu tăng bình quân hàng năm dự kiến đạt 19,7%; năm 2020 dự kiến đạt 3,57 tỷ USD, gấp 1,8 lần mục tiêu Đại hội, gấp 2,5 lần năm 2015. Số lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm đạt 15,6%, doanh thu tăng 31,7%. Dịch vụ vận tải, logistic, tài chính ngân hàng, viễn thông phát triển khá. Môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến tiến bộ; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa luôn nằm trong 2 tỉnh dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

Thanh Hóa đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thuộc nhóm 5 địa phương huy động vốn đầu tư cao nhất nước. Giai đoạn 2016 - 2020, đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp (76 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 114.522 tỷ đồng và 3.655 triệu USD.

Toàn tỉnh hiện có 132 dự án FDI đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 14,137 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI. Đặc biệt, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của Covid-19, Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa kiểm soát và khống chế thành công dịch bệnh, vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức rất thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh, với 19 dự án có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, 15 dự án với tổng mức đầu tư 12,5 tỷ USD được ký Biên bản ghi nhớ đầu tư.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, kết nối thuận lợi với các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn của đất nước…

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ; hoạt động khoa học công nghệ được đẩy mạnh theo hướng đổi mới, sáng tạo; hoạt động văn hoá, thông tin chất lượng được nâng lên; quy mô giáo dục hợp lý, giáo dục mũi nhọn luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; xã hội hoá lĩnh vực y tế được đẩy mạnh; an sinh xã hội được chăm lo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,56%, đạt mục tiêu Đại hội; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên.

Đặc biệt, sau nhiều quyết tâm lãnh đạo, đã xác định được năm 1029 - năm Thiên Thành thứ hai, đời vua Lý Thái Tông là năm đầu tiên xuất hiện danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019), tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào, trở thành động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được củng cố; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh; vai trò, vị thế, uy tín của tỉnh Thanh Hóa ngày càng được nâng cao.

Tỉnh ủy Thanh Hóa và các cấp ủy Đảng thường xuyên đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm; phát huy dân chủ, tính sáng tạo, nhưng bảo đảm nguyên tắc, quy định của Đảng và quy chế làm việc… Thường xuyên quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ…

Có thể khẳng định, chưa bao giờ Thanh Hóa có được tiềm lực và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; sự liên kết, phối hợp của các địa phương trong cả nước; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao của nhiều thế hệ lãnh đạo; sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả vượt bậc của Thanh Hóa, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đây là dấu mốc lịch sử, có ý nghĩa mang tầm chiến lược, mở ra cho Thanh Hóa thời cơ, vận hội mới để khai thác hiệu quả hơn những lợi thế nổi trội và khác biệt, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc…