1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những thương binh anh hùng giữa đời thường

(Dân trí) - Xã Văn Luông, huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Một người thương binh hạng 4/4, nhiễm chất độc da cam, gần như liệt nửa người, nuôi hai con học đại học. Một người thương binh mất 100% sức khoẻ, mắt mù, tai điếc, dựng cơ nghiệp nhiều người mơ ước từ hai bàn tay trắng...

>> Người thương binh nửa đời đào giếng thuê, nuôi con thành tài

 

“Mắt mù, tai điếc, thế lại hay”

 

Thương tật 88%, sức khoẻ mất 100%, nhưng những gì bác thương binh già Hà Kim Chon ở xóm Luông, xã Văn Luông đã làm được khiến nhiều người phải khâm phục.

 

Bác Chon sống vô cùng lạc quan dù trên người bác gần như chẳng còn gì lành lặn. Một bên mắt của bác bị vỡ ngay lúc bị thương, một bên, những mảnh đạn vẫn còn găm lại, nằm viện hai năm trời ở Viện Mắt trung ương mà các bác sĩ cũng không cứu nổi. Hai tai gần như không còn khả năng nghe. Gần 2 năm nay, tai bác bị chảy nước, lúc trái gió trở trời lại réo lên ùng ục. Bệnh di căn vào sọ não ngày càng tăng, đầu bác giờ vẫn còn 2-3 mảnh đạn.

 

Trở về quê nhà, gia đình rất khó khăn: bố già, mẹ già cũng bị mù, và ba đứa con nhỏ. Một mình người vợ phải tần tảo nuôi cả gia đình. Hoàn cảnh ấy buộc bác phải cố gắng làm kinh tế, thoát khỏi cái nghèo. 

 

Ban đầu bác chỉ làm những việc phù hợp với sức khoẻ, như đan rổ rá, làm việc nhà. Năm 1980, bác phá một miếng đất chừng 3.000m2 để trồng chè, chăn dê, chăn bò. Năm 1995, bác phát nửa quả đồi gần 2 ha, đào ao vớt bùn một diện tích gần 2.000m2, đầy sình lầy, cây cối rậm rạp, gai góc, rắn lục nhiều vô kể. Công việc nặng nhọc này bác phải làm gần 7 năm mới hoàn chỉnh, bằng  sức mạnh phi thường và sự bền bỉ khó tưởng tượng nổi. Làm đến đâu, bác trồng cây thả cá đến đấy. Cứ thế bác xoay xở dần nuôi gia đình.

 

Bây giờ thì nhà cửa, gia đình, cuộc sống của bác thương binh 70 tuổi này đã đàng hoàng lắm rồi. Các con cháu của bác đều ngoan ngoãn, chăm chỉ, cùng bác xây dựng cơ ngơi. Bác cười bảo: “Năm vừa rồi là thất bại đấy nhé. Tôi và các em nó thả cá bị nấm”.

 

Nhìn từ Uỷ ban  Nhân dân xã Văn Luông, thấy trang trại của bác trồng chè, trồng hoa quả xanh râm ran…

 

Nỗi đau và niềm hạnh phúc

 

 

Những thương binh anh hùng giữa đời thường  - 1
 

 

Ông Hà Công Liêm, gầy hom hem vì vừa qua một cơn tai biến mạch máu não, bị nghẹn họng từ 2 năm nay, nhưng vẫn rất hào hứng kể với tôi chuyện chiến trường xưa, chuyện đời sống nay…

 

Sinh năm 1944, tham gia chiến đấu năm 1968, khi vừa học xong lớp trung cấp Nông lâm ở Quảng Ninh, anh bộ đội Hà Công Liêm đã đi khắp các chiến trường. Hơn 7 năm trong quân ngũ, anh lính đặc công anh dũng và gan dạ năm xưa đã phải đổ nhiều máu xương.

 

Đã trải qua bao trận đánh gian nan. Ký ức nhớ rõ nhất trận ở chi khu Xẻo Bần (Rạch Giá, Kiên Giang) hạ đồn địch ngày 18/4/1972. Đơn vị đặc công của ông đánh vào đến đồn thì bị lộ. Trên máy bay, dưới bộ binh địch, chúng thả pháo sáng rực cả cánh đồng. Tay dính mìn, đầu trúng bom, khẩu đại liên bắn xuyên qua người, vỡ một mảnh xương. Ông được đưa vào nằm viện T3 ở Cà Mau. Ba tháng sau ông lại ra chiến trường.

 

Ông kể, thời quân quản, dù hoà bình rồi vẫn còn khó khăn, vẫn phải hy sinh nhiều. Bộ đội mình trong rừng rú ra thành phố, thấy cái gì cũng thèm thuồng. Đồng đội của ông đi vào các quán ăn, địch tiêm thuốc độc vào thức ăn khiến nhiều người chết.

 

Ông xuất ngũ đúng thời kỳ bao cấp. Hết chiến tranh rồi mà dân vẫn phải đào củ mài để ăn. 37 tuổi mới lập gia đình, không nhà cửa, không nghề nghiệp. Với khoản trợ cấp ít ỏi, anh lính đặc công ngày ấy quay ra tăng gia sản xuất, làm kinh tế.

 

Ông dựng nhà chon von giữa đồi, phát nương trồng chè, trồng sơn, khoai, ngô,... Dần dần kinh tế gia đình có khá hơn, nhưng chiến tranh vẫn để lại cho gia đình ông nhiều nỗi buồn.

 

Nhà ông đông khẩu nhưng chẳng có lao động. Đứa con thứ ba và đứa con út bị nhiễm chất độc da cam, di hoạ từ những ngày ông đi khắp các chiến trường vùng U Minh. Hà Thị Thuỵ, con gái út của ông đang học lớp 11, mắt sáng lanh lợi và học rất giỏi, nhưng nhìn như 7, 8 tuổi. Ông ngậm đắng nuốt cay, ráng động viên vợ con cố gắng sống.

 

Ông muốn kiếm nhiều tiền lo cho gia đình, nhưng sức khoẻ không có nên đành bất lực. Năm ngoái, ông nằm liệt giường một năm, bây giờ không đi nổi, bước vài bước là ngã; một nửa người gần như liệt hẳn.

 

Nhưng ông vẫn còn một niềm vui lớn, đó là hai người con đầu của ông rất khoẻ mạnh và học giỏi. Cả hai, một đang học ĐH Quốc gia, khoa Công nghệ thông tin; một học ĐH Kiến trúc ngoài Hà Nội.

 

Thêm nỗi vất vả nhưng thêm niềm tự hào, thêm nghị lực sống.

  

Đinh Phương Linh