(Dân trí) - Hạng mục nhà ga tàu điện ngầm C9 của dự án đường sắt độ thị số 2 Năm Thăng Long - Trần Hưng Đạo sau hơn 10 năm vẫn chưa thể ấn định vị trí. Còn nhiều quan điểm khác biệt liên quan đến các di tích, thắng cảnh quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội.
NHỮNG THẮNG CẢNH BÊN HỒ GƯƠM GÂY TRANH CÃI VỀ VỊ TRÍ ĐẶT GA TÀU ĐIỆN NGẦM
Hạng mục nhà ga tàu điện ngầm C9 của dự án đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sau hơn 10 năm vẫn chưa thể ấn định vị trí. Còn nhiều quan điểm khác biệt giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch vì liên quan đến các di tích, thắng cảnh quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội.
Cùng với Tháp Bút, nghi môn đền Ngọc Sơn cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của ga tàu điện ngầm theo vị trí đề xuất của chính quyền thành phố Hà Nội. Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ, chính quyền thành phố Hà Nội nêu việc thi công ga ngầm sẽ ứng dụng các thiết bị và công nghệ tiên tiến để đảm bảo không tạo ra rung chấn gây ảnh hưởng tới các công trình trên mặt đất.
Đền Bà Kiệu cũng là di tích nằm trong phạm vi ảnh hưởng khi nhà ga ngầm dài 150 m, rộng 21 m sẽ chạy qua phía trước. Trái với ý kiến của UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu lo ngại việc thi công sẽ gây rung chấn ảnh hưởng tới các di tích đặc biệt quan trọng, đã trở thành biểu tượng đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam.
Đoạn bờ hồ Gươm gần nhất tới vị trí đặt ga tàu điện ngầm theo đề xuất của UBND TP Hà Nội. Ngoài nhà ga ngầm, công trình sẽ có 4 cửa lên xuống nổi trên mặt đất. Bên cạnh đó, quá trình thi công đòi hỏi việc đào đất, đặc biệt là di dời hệ cây hoa vốn tạo nên cảnh quan rất đẹp cho thắng cảnh hồ Gươm. Đây chính là một trong những yếu tố khiến Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phản đối phương án của UBND TP Hà Nội.
Ngoài cụm di tích đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, đền Bà Kiệu..., phần cảnh quan đặc biệt quan trọng là khu vực vườn cây xanh bên hồ Gươm nhiều cây cổ thụ. Đây là một khu vườn xanh ngát, nhiều cây cổ thụ có hình dáng đặc biệt và rất thân thuộc với người Hà Nội. Đề xuất của thành phố Hà Nội nêu, quá trình thi công ga ngầm C9 phải di dời nhiều cây xanh nhưng sẽ phục hồi sau khi hoàn thành công trình. Tuy nhiên, thực tế nếu di dời những cây cổ thụ, việc phục hồi khó khả thi, dẫn đến ý kiến phản đối của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhà vệ sinh công cộng giữa vườn cây xanh công viên hồ Gươm, nơi dự kiến đặt cửa lên xuống cho ga tàu điện ngầm theo đề xuất của chính quyền thành phố Hà Nội. “Quá trình lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 đã được UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô, bảo đảm hài hòa giữa phát triển đô thị, kinh tế, xã hội và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa", văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ của UBND TP Hà Nội nêu.
Đường Đinh Tiên Hoàng đoạn phía trước Tổng công ty Điện lực. Đây là khu vực bố trí một số công trình phụ trợ và cửa lên xuống cho ga ngầm C9 theo đề xuất của UBND TP Hà Nội. "Quá trình nghiên cứu dự án đã kéo dài từ 2004 đến nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án và có nguy cơ tiếp tục làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Trường hợp tiến độ tiếp tục bị đẩy lùi, chi phí dự án sẽ tăng lên do các yếu tố trượt giá, nhân công, vật liệu thay đổi", lãnh đạo TP Hà Nội nêu ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đoạn đường Đinh Tiên Hoàng có một bên là Tổng công ty Điện lực, một bên là công viên hồ Gươm với hệ cây xanh lâu năm tuyệt đẹp. Theo quan điểm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ga tàu điện ngầm C9 cần được bố trí tịnh tiến về phía đông đường Đinh Tiên Hoàng, dịch về phía Tổng công ty Điện lực ra xa hồ Gươm và cụm di tích đền Ngọc Sơn.
Quý Đoàn