1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 4

Phùng Minh

(Dân trí) - Nhiều quy định đáng chú ý liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, kiểm định đầu vào công chức, đấu thầu thuốc,… có hiệu lực từ tháng 4.

Bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH

Đó là nội dung được nêu ra trong Thông tư 02/2023/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1/4, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2016 quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Bệnh Covid-19 được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn chẩn đoán, giám định. Theo đó, bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 4 - 1

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19 (Ảnh: H.K).

Yếu tố gây bệnh là do tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 trong môi trường lao động và yếu tố gây bệnh phải được ghi nhận tại một trong các văn bản gồm: Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với vi rút SARS-CoV-2; văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại Nghị định số 44/2016; biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính theo Thông tư 28/2016 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm từ 34 bệnh, tăng lên thành 35 bệnh.

Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Đây là nội dung đáng chú ý được nêu trong Thông tư 11/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4.

Ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi: Trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 4 - 2

Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định (Ảnh minh họa: Trần Kháng).

Ngân hàng Nhà nước công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này.

Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

Vị trí việc làm, định mức người làm việc trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập

Thông tư 03/2023 của Bộ Y tế về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập có hiệu lực từ ngày 5/4.

Đối tượng áp dụng gồm: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm cấp cứu 115; Cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm; Cơ sở pháp y, pháp y tâm thần, giám định y khoa; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư 03/2023 không áp dụng đối với: Các đơn vị nghiên cứu lĩnh vực y tế và các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Bộ, ngành khác; trong việc giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Các cơ sở y tế thuộc Bộ, ngành khác và cơ sở y tế ngoài công lập có thể căn cứ hướng dẫn tại thông tư này để áp dụng thực hiện cho phù hợp với thực tiễn.

Một năm kiểm định chất lượng đầu vào công chức 2 lần

Ngày 10/4, Nghị định số 06/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ có hiệu lực thi hành. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ được diễn ra định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm, áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.

Bộ Nội vụ được Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Trước ngày 31/1 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 4 - 3

Bộ Nội vụ (Ảnh: T.K).

Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính với nội dung là những hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ…

Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Đáng chú ý, việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo Nghị định số 138/2020 đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1.

Kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

Quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên

Có hiệu lực từ 25/4, Thông tư số 01/2023 của TAND Tối cao quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. 

Trong đó, về xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được Thông tư 01/2023 nêu rõ: Chuyên gia, nhà chuyên môn khác là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ: chuyên gia tâm lý học, chuyên gia tài chính, chuyên gia sở hữu trí tuệ...

Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định, xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư, đối thoại tại tòa án như sau: Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Ví dụ: Già làng, trưởng bản,... tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số người có uy tín, có hiểu biết phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư.

Quy định mới về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập

Từ ngày 27/4, Thông tư 06/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực.

Đáng chú ý, thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 8 về gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị có thể có một hoặc nhiều thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc, hoặc sinh phẩm tham chiếu, mỗi thuốc là một phần của gói thầu.

Ngoài ra, khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị tham khảo các thông tin tài liệu về giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu, báo giá hoặc hóa đơn bán hàng... để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm