1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3

Phùng Minh

(Dân trí) - Nhiều chính sách, quy định mới đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3/2023 liên quan đến viên chức ngành đăng kiểm, cấp hộ chiếu gắn chip điện tử, quản lý tiền công đức,…

Viên chức đăng kiểm không được lạm dụng vị trí công tác để trục lợi

Thông tư 45/2022 của Bộ Giao thông Vận tải quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành đăng kiểm có hiệu lực từ ngày 1/3.

Thông tư quy định, viên chức ngành đăng kiểm phải chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trung thực, khách quan, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ trong hoạt động nghề nghiệp.

Đồng thời có ý thức trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp; không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi…

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3 - 1

Bộ GTVT yêu cầu viên chức ngành đăng kiểm có ý thức trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp; không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi (Ảnh minh họa: Thế Hưng).

Thông tư 45 quy định viên chức chuyên ngành đăng kiểm được xếp lương như sau:

- Chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

Bộ Công an cấp hộ chiếu gắn chip cho công dân Việt Nam

Từ 1/3, Bộ Công an sẽ triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Bộ Công an cho biết, hộ chiếu có gắn chip điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp. Đây là một bước cải tiến mới nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3 - 2

Mẫu hộ chiếu gắn chip sẽ được Bộ Công an cấp cho công dân từ ngày 1/3 (Ảnh: Trọng Phú).

Hộ chiếu gắn chip điện tử có thể lưu được nhiều thông tin của hành khách một cách chính xác và thống nhất về mặt định dạng nên việc làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các nước sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Khi công dân sử dụng hộ chiếu gắn chip gần như không mất thời gian để cán bộ kiểm soát xuất nhập cảnh các nước kiểm soát, xác thực các thông tin trên hộ chiếu vì mọi thứ sẽ hiện ra nhanh chóng khi đọc hộ chiếu.

Người lao động được tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật

Thông tư số 24/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực 1/3, quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.

Cụ thể, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).

Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng; nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.

Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Thông tư quy định, việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hiện vật bồi dưỡng không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương).

Quy định mới về quản lý tiền công đức

Thông tư 04/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội có hiệu lực từ 19/3.

Đơn vị được ban tổ chức lễ hội giao thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Đồng thời cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội đã tiếp nhận.

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 3 - 3

Quy định mới về quản lý tiền công đức có hiệu lực từ ngày 19/3 (Ảnh minh họa: VGP).

Đơn vị được ban tổ chức lễ hội sử dụng kinh phí cho lễ hội theo kế hoạch thu, chi đã được phê duyệt; các khoản chi phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định. Mở sổ kế toán hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội vào nguồn hoạt động khác được để lại của đơn vị theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện hành.

7 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực khoa học - công nghệ

Thông tư 20/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3, quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ tại chính quyền địa phương.

Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực tại địa phương bao gồm: Quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ; Thẩm định, giám định công nghệ dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ; Hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân; Hoạt động sở hữu trí tuệ; Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Thẩm định, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học, công nghệ; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học, công nghệ; Thẩm định hồ sơ thành lập tổ chức khoa học, công nghệ; Cấp giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học, công nghệ; Hợp tác, trao đổi khoa học, công nghệ có yếu tố nước ngoài.

Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý

Thông tư 11/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ ngày 31/3.

Cơ cấu Hội đồng quản lý gồm: Đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; đại diện tổ chức, đơn vị liên quan.

Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 5-11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý.

Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định.

Chủ tịch Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn, bổ nhiệm từ đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm