1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 12

Thế Kha

(Dân trí) - Trong tháng 12, các quy định mới liên quan đến vận động quyên góp từ thiện, giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước, xe kinh doanh lắp biển số vàng, đổi thẻ ATM sang thẻ chíp sẽ có hiệu lực.

Siết chặt việc quyên góp từ thiện

Theo Nghị định 93/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (có hiệu lực từ ngày 11/12), người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có thể vận động quyên góp từ thiện.

Tuy nhiên, khi vận động phải thông báo với UBND cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối.

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 12 - 1

Ca sĩ Thủy Tiên hỗ trợ người dân Quảng Trị trong đợt lũ lụt năm 2020 (Ảnh minh họa: CTV).

Cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Đồng thời có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng

Nghị định 103/2021/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước quy định, từ ngày 1/12 năm nay đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019.

Từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019 của Chính phủ. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và các tổ chức cá nhân có trách nhiệm thi hành nghị định này.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã có lần giảm thứ 2 trong 2 năm qua. Việc giảm lệ phí trước bạ ô tô sẽ góp phần kích cầu thị trường xe trong nước.

Đối với các thành phố lớn mức phí trước bạ đối với ô tô con là 12%, các địa phương khác là 10%. Nếu theo quy định mới, ô tô con lắp ráp trong nước sẽ được giảm còn 6% ở các thành phố lớn và 5% ở các địa phương khác.

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 12 - 2

Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước (Ảnh: Nguyễn Tuyền).

Xe kinh doanh hoàn tất đổi sang biển số vàng

Theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đến trước ngày 31/12/2021, xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen. Cụ thể gồm: taxi; xe khách tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe buýt tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch.

Nếu không thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12, chủ xe có thể sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng nếu là cá nhân và từ 4 - 8 triệu đồng nếu là tổ chức do không chấp hành đúng quy định về biển số (áp dụng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên theo quy định đến hết ngày 31/12/2021.

Mẫu giấy chứng nhận đăng ký xe ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an và biển số xe ô tô, rơmoóc, sơmi rơmoóc đã sản xuất trước ngày Thông tư số 58/2020/TT-BCA có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2020.

Đổi thẻ ATM sang thẻ chíp

Lộ trình đề ra tại Thông tư 41/2018 của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, đến ngày 31/12/2021 toàn bộ thẻ thanh toán đang lưu hành của các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở của thẻ chíp nội địa.

Từ sau ngày 31/12, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là dạng thẻ chíp; loại thẻ từ vốn được sử dụng phổ biến trước đây chính thức bị "khai tử" và không còn được chấp nhận sử dụng tại các cây ATM rút tiền và các điểm/thiết bị thanh toán khác.

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 12 - 3

Các loại thẻ từ ATM này sẽ chính thức bị khai tử sau ngày 31/12 tới (Ảnh: A.H).

Theo hướng dẫn từ các ngân hàng, có hai cách phổ biến để đổi thẻ từ sang thẻ chip: Thứ nhất, khách hàng chỉ cần mang chứng minh thư hoặc hộ chiếu, hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực đến điểm giao dịch của ngân hàng và đề nghị chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip; thứ hai là có thể truy cập vào ứng dụng ngân hàng số, mobile banking để thực hiện và nhận thẻ tại nhà hoặc tại điểm giao dịch của ngân hàng.

Giảm phí cấp căn cước công dân

Theo Thông tư số 47/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân đi làm Căn cước công dân sẽ giảm 50% lệ phí đến ngày 31/12/2021. Cụ thể, nếu chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân, mức lệ phí là 15.000 đồng; đổi thẻ Căn cước công dân, lệ phí là 25.000 đồng và cấp lại thẻ Căn cước công dân, lệ phí là 35.000 đồng. Từ sau ngày 31/12/2021, mức lệ phí trên tăng gấp đôi.

Những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 12 - 4

Công an làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip (Ảnh: Mạnh Quân).

Cũng tại thông tư này, Bộ Tài chính cho biết sẽ giảm nhiều loại phí khác nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19. Theo đó, giảm 10% phí hải quan; 20% phí đăng ký giao dịch bảo đảm; 20% phí cấp hộ chiếu, 10% phí sử dụng đường bộ với xe tải chở hàng hóa và 30% đối với xe khách…