1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thừa Thiên Huế:

Những nữ xe ôm làng Mỹ Lợi

(Dân trí) - Bắt đầu từ 5h sáng, những nữ xe ôm lại đứng chờ khách ở cổng chợ Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Công việc vốn tưởng chỉ dành cho các đấng mày râu này lại được nhiều chị em làng Mỹ Lợi đảm nhiệm.

Tại chợ Mỹ Lợi, cứ từ 5h sáng, các chị xe ôm đã đứng đầy cổng để đón khách đi chợ về. Những chị xe ôm rất tháo vát, từ khuân vác hàng, chở khách đường dài, đến tự sửa xe khi xe hư dọc đường, không có gì các chị không làm được.

Tại chợ Mỹ Lợi, đội ngũ các chị xe ôm thường trực từ 6, 7 người thay phiên nhau đứng tại các cổng ra vào của chợ. Đa số họ đều xuất thân từ những gia đình nghèo của huyện Phú Lộc. Do gia đình nữ xe ôm thường đông con nên mọi gánh nặng áo cơm đều đè lên vai những người phụ nữ này.

Cô Nguyễn Thị Mê (đội 5, xã Vinh Giang) tâm sự: “Nhà tôi có 8 người con đang tuổi ăn tuổi lớn, chồng thì đi làm thợ hồ thu nhập cũng chẳng được bao nhiều. Nhà được mấy thửa ruộng không đủ ăn nên tôi mới làm cái nghề xe ôm này để kiếm thêm tiền. Lúc đầu thì chạy gần, chở mấy bà đi chợ về nhà, sau này có khách thuê đi thành phố Huế hay về tận Lăng Cô gần Đà Nẵng tôi đều nhận hết”.

Còn chị Lê Thị Phượng (xã Vinh Giang) đã chạy xe được hơn 10 năm, bao nhiêu khó khăn và nguy hiểm trong nghề xe ôm này chị cũng đã trải qua, nhưng vì mưu sinh chị vẫn quyết tâm bám lấy nghề. Chị chia sẻ: “Đàn ông họ mạnh thì họ chạy nhanh, mình là đàn bà thì cứ chạy chậm chậm, nhiều khách họ khi lên xe còn yên tâm hơn khi được đàn bà chúng tôi chở.

Những lúc đường khó đi hay chạy xe đường dài thì mình cứ từ từ, mệt thì dừng lại nghỉ ngơi cùng khách chút xíu rồi chạy tiếp. Nhiều năm đi làm xe ôm thì cũng biết cơ bản về sửa xe để lúc xe hư dọc đường còn biết mà sửa”.

Những nữ xe ôm làng Mỹ Lợi - 1
Với hơn 10 năm nghề xe ôm cô Lê Thị Phượng luôn được mọi người tin tưởng thuê đi
Với hơn 10 năm nghề xe ôm cô Lê Thị Phượng luôn được mọi người tin tưởng thuê đi

Cùng hoàn cảnh với chị Phượng, chị Mỹ Trang (36 tuổi, thôn 2 Mỹ Lợi) cho hay: “Trước đây chạy xe ôm thấy run lắm, nhưng do cuộc sống chật vật, với đồng lương eo hẹp làm công nhân không nuôi đủ 3 đứa con đang học, mẹ thì cao tuổi, sức khỏe của chồng yếu do bệnh, nên khi thấy mấy chị em chạy xe ôm kiếm được tiền nên tôi cũng theo nghề này luôn”.

Chị Trang tâm sự thêm: “Mới vào nghề cũng sợ lắm nhưng chạy vài tháng rồi cũng quen. Mỗi ngày chạy xe ôm giúp tôi kiếm được từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng. Đây là số tiền không nhỏ để tôi có thể trang trải cuộc sống hàng ngày của gia đình”.

Những nữ xe ôm làng Mỹ Lợi làm nghề siêng năng từ sáng đến tối
Những nữ xe ôm làng Mỹ Lợi làm nghề siêng năng từ sáng đến tối

Cô Nguyễn Thị Kim Thoa (tiểu thương buôn bán ở chợ Mỹ Lợi) bộc bạch: “Nhìn các cô thân gái mà chạy xe ôm đường xa cũng tội lắm, đi làm thì từ lúc sáng sớm, vừa bốc hàng hoá nặng lên xe chở đi giao cho người ta, cứ quay đi quay về mấy vòng thấy thương lắm. Gia đình họ đa số đều nghèo, chồng con thì chưa có công việc ổn định nên mới làm cái nghề của đàn ông này”.

Với các nữ tài xế, ưu điểm lớn nhất là các chị rất cẩn trọng, lái xe an toàn và không bao giờ uống rượu bia trước khi cầm lái.

Nhưng bởi là phụ nữ nên công việc của các chị cũng vô vàn khó khăn. Dù bận đến mấy họ vẫn luôn phải làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình.


Nữ xe ôm trẻ chạy xe kiếm sống nuôi gia đình.

Nữ xe ôm trẻ chạy xe kiếm sống nuôi gia đình.

Bà Lê Thị Bốn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vinh Mỹ trao đổi: “Cái nghề xe ôm này tuy vất vả nhưng cũng giúp được các chị đỡ gánh nặng gia đình. Đội nữ xe ôm đa số có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều con cái. Hội Phụ nữ chúng tôi luôn động viên các chị để chị em làm việc tốt nhất, có cơ hội thoát nghèo, cuộc sống phát triển”.

Phạm Hoàng - Đại Dương