1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những nhân chứng đầu tiên tham gia cứu hộ bé trai ở Đồng Tháp nói gì?

Nguyễn Hành Tâm Linh

(Dân trí) - Anh Tuấn Em chạy đến chỗ cọc bê tông theo chỉ dẫn của nhóm bạn Hạo Nam. Lúc này, anh Tuấn Em hỏi "cháu ở đâu?", Nam trả lời "cháu ở dưới hố, cứu cháu với".

Chia sẻ với Dân trí chiều 6/1, những nhân chứng đầu tiên tham gia ứng cứu bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) bị rơi xuống hố ở Đồng Tháp, đã kể lại khoảnh khắc ban đầu.

Anh Đoàn Tuấn Em (33 tuổi), công nhân trong đội đóng cọc trụ bê tông hai bên mố cầu Rọc Sen là người tiếp nhận thông tin cứu cháu Hạo Nam từ nhóm trẻ chạy vào kêu cứu.

"Lúc tôi chuẩn bị về ăn cơm thì có một bé gái chạy vào kêu 'chú ơi có bé lọt hố rồi'. Tôi và mấy anh em chạy đến chỗ cọc bê tông theo chỉ dẫn nhóm bạn Hạo Nam", anh Tuấn Em thuật lại.

Những nhân chứng đầu tiên tham gia cứu hộ bé trai ở Đồng Tháp nói gì? - 1

Anh Đoàn Tuấn Em (trái), anh Hoan Văn Việt (giữa) và anh Tâm (Ảnh: Nguyễn Hành).

Lúc này, anh Tuấn Em hỏi "cháu ở đâu?", thì Nam trả lời "cháu ở dưới hố, cứu cháu với, lôi cháu lên với".

Khi nghe tiếng gọi cứu của Hạo Nam, anh Tuấn Em bàng hoàng, lúng túng và chỉ kịp nói "chờ chú".

Những nhân chứng đầu tiên tham gia cứu hộ bé trai ở Đồng Tháp nói gì?

Sau đó anh chạy vào lấy dây và kêu cứu công nhân cùng hỗ trợ đưa cháu Nam lên. Khi lấy dây xong, công nhân làm chung tên Trí là người trực tiếp thả dây xuống cho Nam bám víu.

Cháu Nam bám vào dây một lần, sau đó tuột xuống dưới - nhân chứng nhớ lại.

Theo lời của anh Tuấn Em, lúc anh thả dây xuống hố thì bé trai còn gọi. Khi anh Trí thả dây cứu Hạo Nam, thì Tuấn Em chạy đi báo trạm y tế xã và mang bình oxy về.

Anh Hoan Anh Việt - công nhân công trình, đồng thời chạy đến báo Công an xã Phú Lợi tới ứng cứu.

"Tôi không có nghiệp vụ về cứu hộ, không đủ bình tĩnh để ứng cứu. Lần đầu thấy trường hợp bị lọt như vậy", anh Tuấn Em nhớ lại phút ở hiện trường.

Theo công nhân này, công trình có tổng cộng 18 trụ đã được đóng xuống đất, trụ nào cũng được lấp đất lên miệng cọc. Tuy nhiên, do mấy hôm trời mưa, đất bị sạt xuống hố khiến miệng cọc lộ thiên.

Riêng anh Võ Thanh Tâm (ngụ ấp 2, xã Phú Lợi) đi cắt cỏ về, nghe tiếng hô cứu của người dân, đã đến xem và tham gia thả dây ô xy. Lúc này anh không được tiếp cận gần, vì lực lượng công an đã có mặt tại hiện trường.

Những nhân chứng đầu tiên tham gia cứu hộ bé trai ở Đồng Tháp nói gì? - 2

Hiện trường vụ giải cứu (Ảnh: Hải Long).

Theo lời Đại úy Nguyễn Phương Hồng và công an viên Đặng Văn Giang (Công an xã Phú Lợi), khi nhận thông tin từ anh VIệt về việc một bé trai lọt trụ bê tông công trình cầu Rọc Sen, 5 phút sau anh Hồng và anh Giang có mặt tại hiện trường.

Tuy nhiên, lúc này không còn nghe tiếng bé, mọi người chỉ gắng thả dây ô xy. Hơn 30 phút sau, lực lượng cứu hộ đến hiện trường, tiếp tục duy trì thả dây ô xy, thả dây cứu hộ nhưng không nhận được tín hiệu từ nạn nhân.

Đại úy Nguyễn Phương Hồng kể, lúc đó cha Hạo Nam là anh Thái Văn Tấn Tài có bảo: "Cu ơi cu, ba cùng mấy chú đến cứu con đây". Tuy nhiên, theo lời anh Tài, khoảng 10 phút sau không nghe tiếng kêu cứu của Hạo Nam nữa.

Như Dân trí đã thông tin, khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 người bạn chung xóm vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình để nhặt sắt.

Khi cùng nhóm bạn đi qua công trình, Nam lọt xuống trụ bê tông đã đóng sâu xuống đất khoảng 35m. Trụ bê tông rỗng bên trong, đường kính 25 cm.

Thấy vậy, nhóm bạn của Nam kêu cứu. Những người có mặt tại công trình đến ứng cứu nhưng bất thành.