1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Yagi
  3. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ

Những người "truyền lửa" cho làn điệu Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu

Xuân Hải Nguyễn Hải

(Dân trí) - Những năm qua, bà Lục Thị Nhật, Trịnh Thị Thiện hay nghệ nhân Phạm Thị Lan là những người truyền lửa cho làn điệu Soọng cô tại Câu lạc bộ Soọng Cô thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh.

Nét văn hóa đặc sắc của người Sán Dìu

Soọng Cô là loại hình hát dân ca truyền thống có từ rất lâu đời của dân tộc Sán Dìu. Đặc biệt, trong kho tàng cổ tích của đồng bào Sán Dìu còn lưu truyền nhiều huyền thoại, truyện kể dân gian liên quan đến làn điệu Soọng Cô.

Những năm qua, tại xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đồng bào dân tộc Sán Dìu vẫn duy trì, phát triển phong trào hát Soọng Cô rất sôi nổi.

Thôn Lập Đinh, là nơi có Câu lạc bộ (CLB) Soọng Cô đầu tiên trên địa bàn xã Ngọc Thanh, đang được nghệ nhân Phạm Thị Lan truyền dạy. Lớp hát Soọng Cô đang được các bà trong CLB truyền dạy cho hàng chục người, một tuần học từ 2 đến 3 buổi.

Các thành viên trong câu lạc bộ tích cực học những bài hát Soọng Cô và sưu tầm các bài hát cổ, làm phong phú thêm cho kho tàng dân ca dân tộc mình.

Trong đó có nhiều bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, đón khách, hát đám cưới, hát giao duyên,...

Bà Lục Thị Nhật (57 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soọng Cô thôn Lập Đinh chia sẻ, CLB được thành lập từ năm 2012, đến nay có hơn 60 thành viên. 

Người đầu tiên có công thành lập Câu lạc bộ Soọng Cô thôn Lập Đinh là cụ Lý Thị Lan (nay cụ Lan tuổi đã cao, không thể tiếp tục truyền dạy). 

Theo bà Nhật, những bài hát Soọng Cô có giọng ca nhỏ nhẹ, dễ nghe, êm dịu và đòi hỏi người hát phải luyến láy, trầm bổng theo từng từ, từng câu.

Đặc biệt, người hát Soọng Cô phải nghe, nói được tiếng của người dân tộc Sán Dìu. 

Bà Nhật đánh giá, việc học hát khó nhất ở chất giọng, nhiều chị em mặc dù đã hát thuộc bài nhưng không có chất giọng tốt, hay giọng không chuẩn sẽ không thể hát được.

"Hiện câu lạc bộ của chúng tôi chỉ có các thành viên người Sán Dìu. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Dìu, có từ xa xưa truyền lại cho con cháu. 

Việc học hát cũng rất khó, khi nghệ nhân dạy chúng tôi phải liên tục kiểm tra. Đến nay tôi đã có thể truyền lại cho các lớp con cháu", bà Nhật chia sẻ và cho biết, năm 2016, Câu lạc bộ Soọng Cô thôn Lập Đinh đại diện cho đoàn của TP Phúc Yên dự thi Liên hoan tiếng hát các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc và đạt giải ba. 

Ngoài ra CLB còn phối hợp cùng một số đơn vị du lịch trên địa bàn xã Ngọc Thanh tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ hát Soọng Cô để giới thiệu cho du khách biết về loại hình văn nghệ của người Sán Dìu.

Những người truyền lửa cho làn điệu Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu - 1

Bà Lục Thị Nhật, Trịnh Thị Thiện đang tập những bài hát Soọng Cô (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bà bộc bạch, người Sán Dìu rất yêu văn nghệ, gặp nhau ở các buổi liên hoan là hát, thậm chí có những cuộc hát ngay dưới chợ hay ven suối hoặc trên sườn đồi. Người Sán Dìu hát Soọng Cô không cần sân khấu, không có nhạc đệm. 

Bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Theo bà Lục Thị Nhật, những ngày đầu mới thành lập, câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu làn điệu Soọng Cô, bà và các thành viên tích cực vận động, hướng dẫn, dạy cho các thành viên.

Sau nhiều năm nỗ lực, CLB ngày một phát triển, hoạt động đều đặn, thu hút nhiều người tham gia.

"Học hát những làn điệu Soọng Cô rất khó, chỗ lên cao, khúc xuống thấp", bà Trịnh Thị Thiện (62 tuổi), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Soọng Cô thôn Lập Đinh nói. 

Những người truyền lửa cho làn điệu Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu - 2

Làn điệu Soọng Cô được bà con Sán Dìu gìn giữ tại thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh (Ảnh: Triệu Thị Nhật).

Theo bà Thiện, từ ngày còn nhỏ bà đã được nghe, truyền dạy lại những giai điệu Soọng Cô. 

Từ khi thành lập đến nay, CLB Soọng Cô thôn Lập Đinh đã đi hát, giao lưu ở nhiều nơi. 

Bà Thiện cho biết, các làn điệu Soọng Cô trước đây chỉ được lưu truyền qua việc dạy nhau hát, nên sau khi thành lập CLB bà và Ban chủ nhiệm đã có ý thức chép lại các bài hát cổ, sáng tác lời mới cho làn điệu cổ.

Mỗi khi đi giao lưu với các câu lạc bộ khác, câu lạc bộ của bà lại sưu tầm các bài hát mới về cho các thành viên. 

"Chúng tôi mong muốn CLB có thêm các nguồn kinh phí để sinh hoạt, truyền dạy cho các cháu thế hệ trẻ. Chúng tôi cũng rất chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua làn điệu hát Soọng Cô", bà Nhật đề xuất. 

Bà Nhật, bà Thiện cùng nhiều người khác mong muốn CLB Soọng Cô thôn Lập Đinh ngày càng phát triển, có nhiều người trẻ tham gia. Hiện thành viên cao tuổi nhất của CLB là 85 tuổi và trẻ nhất là 35 tuổi.

Những người truyền lửa cho làn điệu Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu - 3

Thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh hiện có khoảng 80% người dân tộc Sán Dìu sinh sống (Ảnh: Nguyễn Hải).

Soọng Cô là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ, được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, lưu truyền từ đời này sang đời khác, được ghi chép lại bằng chữ Hán cổ và truyền dạy trực tiếp.

Mỗi làn điệu Soọng Cô thường có 3 phần là gọi, kể, đáp và thường được dùng với nhịp 2/4 và 4/4.

Hát Soọng Cô gồm các hình thức ru, đối đáp, trao duyên, chào hỏi, mời khách, tiễn khách,...

Hát Soọng Cô là sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa, mang lại niềm vui và hăng say trong lao động sản xuất, tạo nên tình cảm gắn bó với quê hương, làng bản và đồng bào người Sán Dìu.

Với những giá trị tiêu biểu đó, ngày 13/10/2015, hát Soọng Cô của người Sán Dìu đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà Lý Thị Ba Mùi, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Ngọc Thanh cho biết, xã Ngọc Thanh có gần 40% là người dân tộc Sán Dìu. 

Riêng thôn Lập Đinh có gần 80% người Sán Dìu sinh sống nên những năm qua Đảng ủy, chính quyền địa phương rất chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong đó, bà Lục Thị Nhật, Trịnh Thị Thiện là những người rất nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết trong việc giữ gìn và phát huy làn điệu Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu.

Ngoài Chủ nhiệm Câu lạc bộ Soọng Cô thôn Lập Đinh, bà Nhật còn làm các loại bánh đặc sản của người đồng bào Sán Dìu như bánh nghé, bánh con,...