1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Nông:

Những người mẹ trẻ sinh con từ thuở 12

(Dân trí) - Giữa trưa, tiếng trẻ con khóc đòi sữa mẹ vọng ra từ một căn nhà được quây bằng những thanh lồ ô đập dập xen lẫn tiếng nói chuyện của mấy đứa trẻ. Bên trong, một thiếu phụ trẻ vừa địu con vừa lụi hụi thổi bếp lửa, vây quanh là hai đứa nhỏ, đứa chỉ mặc quần, đứa mặc độc chiếc áo…

Đó là cảnh nheo nhóc ở nhà Giàng Thị M. (trú thôn 2, xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông), người mẹ của 3 đứa trẻ. M. năm nay vừa tròn 18 tuổi nhưng đã có 5 lần “vượt cạn”, lần đầu tiên là cách đây 6 năm, khi cô mới về nhà chồng được mấy tháng.

18 tuổi, 5 lần “vượt cạn” sinh con

M. và mấy đứa con ngồi khép nép trong ngôi nhà lụp xụp và không có gì đáng giá. Có lẽ đây là lần hiếm hoi, những đứa con M. được gặp người lạ tới nhà chơi. Nhìn M., ít ai nghĩ cô chỉ vừa mới bước sang tuổi 18 vì nét mặt trông rất già dặn.

Thiếu phụ người Mông chưa rành rọt tiếng Kinh nên thi thoảng trong cuộc trò chuyện, cô dùng đến tiếng mẹ đẻ và phải nhờ đến sự hỗ trợ của nữ cán bộ dân số thôn, chúng tôi mới hiểu được phần nào câu chuyện.

18 tuổi, M. đã trải qua 5 lần vượt cạn và chuẩn bị đến lần thứ 6
18 tuổi, M. đã trải qua 5 lần vượt cạn và chuẩn bị đến lần thứ 6

Cô kể, chưa học hết tiểu học, M. đã nghỉ học giữa chừng để lấy chồng. Đến năm 2012 thì sinh đứa con đầu lòng khi vừa tròn 12 tuổi. “Hầu như năm nào cũng đẻ. Đẻ mấy đứa trước khổ lắm, nhà không đủ ăn, lại không có điều kiện đi bệnh viện nên hai đứa mất rồi, chỉ có 3 đứa sống. Hiện tại, đứa con trong bụng là đứa con thứ 6, mấy tháng nữa là sinh, còn đứa thứ 5 này mới hơn 1 tuổi vẫn chưa cai sữa mẹ”, M. ngại ngùng chia sẻ.

Căn nhà của vợ chồng Giàng Thị P. (SN 1998) nằm ở gần cuối cụm dân cư Sán Chỉ (thôn Phú Lợi, xã Đắk Nang, huyện Krông Nô), khuất sau mấy căn nhà sàn to lớn. Thiếu phụ với gương mặt ngây thơ ngồi lặng lẽ ôm đứa con nhỏ bên cạnh một người phụ nữ lớn tuổi khi trò chuyện cùng khách.

Hơn 5 năm P. đã sinh được ba người con, đưa lớn 4 tuổi và đứa bé 4 tháng tuổi
Hơn 5 năm P. đã sinh được ba người con, đưa lớn 4 tuổi và đứa bé 4 tháng tuổi

P. cho biết, cô lập gia đình từ năm 15 tuổi. Năm ấy cô đang học lớp 6 thì bố mẹ em cho nghỉ học về nhà lấy chồng, ước mơ theo đuổi con chữ của cô gái tạm khép lại. Hơn 5 năm gắn bó với người chồng cùng xóm, P. đã sinh được ba người con, đưa lớn 4 tuổi và đứa bé 4 tháng tuổi. Do con còn nhỏ nên chỉ có chồng đi làm, còn P. ở nhà trông 3 đứa con. Không đất canh tác, không có trợ cấp xã hội, quanh năm cả nhà chỉ sống bằng tiền làm thuê của chồng và tiền bán mấy sào mì cuối năm.

14 tuổi, H’N. (bon R’Cập, xã Nam Nung, huyện Krông Nô) cũng “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Ngày ấy, nữ sinh M’Nông đang học lớp 7 thì “lỡ dại” nên quyết định rời ghế nhà trường để về nhà lấy chồng. Tám năm làm vợ, rồi làm mẹ của ba đứa con, cũng là ngần ấy năm gia đình nhỏ của H’N. luôn gắn với hai chữ "hộ nghèo".

Người mẹ trẻ nói không tròn vành rõ chữ, giọng đứt quảng trải lòng: “Em sẽ cố gắng chăm lo , nuôi dạy các con. Lập gia đình sớm khổ lắm, em sẽ không cho ba đứa con lấy chồng sớm như em đâu”.

Nhiều hệ lụy từ tục tảo hôn

Ở nhiều bản làng thuộc tỉnh Đắk Nông tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm vẫn âm thầm tiếp diễn. Trách nhiệm làm cha, làm mẹ sớm đặt lên vai những đôi vợ chồng trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” đã khiến những ông bố, bà mẹ này phải đối mặt với cuộc sống khó khăn trăm bề. Lời ru buồn ngày ngày vẫn cất lên sau những nếp nhà sàn vương khói bếp.

Thực tế cho thấy, việc tảo hôn, sinh con ở lứa tuổi vị thành niên không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ trẻ.

M., P. hay H’N. chỉ là một vài trong số rất nhiều những trường hợp tảo hôn và may mắn sinh đẻ an toàn, bởi đã có nhiều trường hợp đã mất mạng khi sinh con quá sớm hoặc gặp biến cố trong lúc mang thai. Như cái chết thương tâm của V.T.S, bà mẹ trẻ hơn 16 tuổi (thôn 2, xã Đắk Som) vào khoảng đầu năm 2017.


Kết hôn sớm là tập tục lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa

Kết hôn sớm là tập tục lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa

Lấy chồng từ năm 11 tuổi, đến năm 2016, S. có thai đứa con thứ 3. Do cuộc sống gia đình khó khăn, không muốn sinh thêm con nhưng lại xấu hổ lại không dám tìm đến cơ sở y tế nên đôi vợ chồng trẻ tự ý phá thai. S. uống nhầm rễ cây độc trong rừng khiến cả hai mẹ con tử vong.

Khi nhắc đến vấn đề tảo hôn, nhiều cán bộ dân số, y tế cũng thở dài ngao ngán. Chị Triệu Thị Lý, chuyên trách dân số xã Đắk Som cho biết: “Câu chuyện dựng vợ, gả chồng của một số đồng bào dân tộc thiểu số có từ bao đời nay như một lẽ tự nhiên, chỉ vì mục đích là có thêm người làm và duy trì nòi giống. Mặc cho chính quyền, cán bộ dân số, phụ nữ cứ tuyên truyền đi tuyên truyền lại, năm này qua năm khác nhưng đâu vẫn vào đấy”.


Tảo hôn, sinh con sớm gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ trẻ

Tảo hôn, sinh con sớm gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ trẻ

Ngày 2/5/2018, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”. Mục tiêu là nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, việc tảo hôn của một số đồng bào dân tộc thiểu số đã có từ lâu, để xóa bỏ được hủ tục lạc hậu này là rất khó, không thể làm trong một sớm, một chiều. Đến thời điểm này, công tác tuyên truyền, vận động vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất, nhưng hình thức, nội dung, đối tượng tuyên truyền cần phải được xác định rõ để đem lại hiệu quả thiết thực.

Dương Phong