Những người kiếm sống ở lưng chừng trời!
(Dân trí) - Làm việc ở độ cao cách mặt đất cả trăm mét, những công nhân lái cẩu tháp quanh năm suốt tháng sống trên lưng chừng trời.
Khi xây dựng các công trình cao tầng, để vận chuyển vật liệu lên cao phải dùng đến cẩu tháp. Nghề cẩu tháp đang có xu hướng phát triển ở các đô thị đang phát triển.
Là 1 trong những người đang làm công việc lái cẩu tháp ở các công trình xây dựng tại TPHCM, anh Võ Văn Lợi (25 tuổi, quê An Giang) đã gắn bó với nghề được gần 4 năm nay.
Công việc mỗi ngày của Lợi bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào cuối giờ chiều, khi đã làm đủ 8 tiếng. Trước khi trở thành lái chính, Lợi phải trải qua 1 năm theo phụ, học các khóa đào tạo về điều khiển cẩu và phải có đầy đủ các chứng chỉ đào tạo chuyên môn, sức khỏe, được cấp phép hoạt động, tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn vận hành.
Những ngày đầu mới làm quen với công việc ở độ cao gần trăm mét, Lợi có phần khó chịu khi phải "nhốt" mình trong buồng lái nhỏ xíu chỉ rộng khoảng 1m2 , không người nói chuyện suốt cả ngày.
"Làm nghề này phải ai thật sự thích mới làm được, chứ vừa buồn vừa mệt lắm. Sống trên cao không có người nói chuyện, lại không có biết làm gì để giải trí nên nhiều khi bị stress", Lợi thật thà trả lời.
Những người lái cẩu tháp như Lợi thường ở độ tuổi khá trẻ, từ 25-30 tuổi khi có đủ sức trẻ và khỏe để đảm đương công việc. "Tụi mình còn trẻ thì còn khỏe và dám leo lên cao để làm việc, chứ khi có gia đình và lớn tuổi thì nhiều người chuyển sang làm nghề khác vì không leo nổi", Lợi tâm sự.
Mỗi ngày làm việc, Lợi thường chỉ leo lên và xuống 1 lần để đỡ mệt, buổi trưa nghỉ sẽ có người gắn cơm vào cần trục gửi lên. Những lúc quá "thèm" nói chuyện, Lợi mới leo xuống để ăn cơm cùng anh em ở công trường.
Những người làm việc ở lưng chừng trời như Lợi phải hạn chế nhiều thứ để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả những người thi công bên dưới. Chỉ cần một sơ sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn.
"Làm việc trên này đòi hỏi phải cẩn thận và xử lý tình huống tốt để tránh rủi ro. Đặc biệt là hạn chế ăn uống một số đồ ăn dễ gây đau bụng vì ở trên không có chỗ để xử lý", chàng trai lái cẩu tếu táo nói.
Để đảm bảo cẩu được vận hành an toàn, các yếu tố về vị trí lắp tháp không lún sụt, chắc chắn, cáp, phanh thường xuyên được kiểm tra, cabin, cửa sổ phải được chiếu sáng đầy đủ. Mỗi tháng sẽ có người đi kiểm tra, bảo trì và sửa chữa cẩu tháp.
Mỗi cẩu tháp sẽ có 2 lái chính luân phiên nhau và 4 phụ cẩu hỗ trợ, công việc của phụ cẩu là kiểm tra nguyên vật liệu khi móc vào cẩu phải đảm bảo chắc chắn, an toàn. Chọn cáp xích phù hợp trọng lượng kích thước tải, quy định tín hiệu với người điểu khiển cần trục, biết vùng nguy hiểm của thiết bị nâng để cảnh báo thông qua bộ đàm.
Thu nhập của Lợi chỉ khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Lợi chuẩn bị lấy vợ nên anh phải làm tăng ca để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và gom góp tiền để tổ chức đám cưới vào năm sau.
Những ngày khô ráo, công việc của Lợi đỡ vất vả. Những ngày trời mưa, gió mạnh, việc điều khiển cẩu gặp khó khăn hơn nhiều.
"Làm việc trên này đòi hỏi phải cẩn thận và xử lý tình huống tốt để tránh rủi ro. Đặc biệt là hạn chế ăn uống một số đồ ăn dễ gây đau bụng vì ở trên không có chỗ để xử lý", chàng trai lái cẩu tếu táo nói.
"Tụi mình còn trẻ còn khỏe và dám leo lên cao để làm việc, chứ khi có gia đình và lớn tuổi thì nhiều người chuyển sang làm nghề khác vì không leo nổi", Lợi tâm sự.
Mỗi cẩu tháp sẽ có 2 lái chính luân phiên và 4 phụ cẩu hỗ trợ.
Thu nhập của Lợi chỉ khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Lợi chuẩn bị lấy vợ nên anh phải làm tăng ca để kiếm thêm.
Nguyễn Quang