Nghệ An:
Những người “chở” Tết từ quê ra phố
(Dân trí) - Tết là của mọi nhà, của mọi người nhưng ở thành phố và các trung tâm huyện lỵ, không khí mua sắm tết lại tấp nập hơn cả. Những người từ quê ra, mang theo sản vật địa phương hay những thứ “nhà trồng được” để “góp Tết” khiến Tết nhiều màu sắc hơn.
Hoa từ các làng trồng hoa ven đô được đưa vào thành phố "góp" Tết
“Hoa, cây cảnh nhà tôi trồng cả đấy. Họ tới tận vườn mua cũng bán nhưng mà như thế giá thấp hơn, lời lãi chẳng được bao nhiêu. Chịu khó rong ruổi thế này, lạnh, mỏi chân một tý nhưng kiếm thêm đồng bạc để các con có cái Tết tươm tất hơn”, chị Lài - làng hoa Kim Chi (xã Nghi Ân, Tp Vinh) cho biết.
Ít vốn, không có tiền thuê địa điểm cố định trên các tuyến đường được quy hoạch bán hoa, cây cảnh như đường 3-2, ngã 6, đường Phan Đình Phùng… nên các chị Liên cùng các bà bạn trong xóm, cứ sáng sáng chất hoa lên xe đạp, rong ruổi khắp thành phố. Chỗ nào có người mua thì dừng lại, mặc cả mua bán xong lại lên xe đi tiếp. Hôm nào may mắn thì hết hàng sớm, hôm nào “ế” thì tối mịt mới về nhà.
“Bây giờ các loại hoa, cây cảnh từ miền Nam ra hay nhập từ nước ngoài về nhiều, đẹp lắm nên những loại hoa do nông dân mình trồng chỉ bán được trong giới bình dân thôi. Gọi là lấy công làm lãi chứ cũng không ăn thua gì. Mong sát Tết, giá hoa tăng hơn chút ít”, chị Nguyễn Thị Thái - làng hoa Trung Mỹ (xã Hưng Đông) tâm sự.
Rong ruổi mỗi ngày như thế, chị Lài, chị Thái cũng kiếm được vài trăm ngàn, cố gắng đến những ngày cận Tết, hy vọng có món tiền kha khá để sắm sửa Tết nhất, mua cho con bộ quần áo mới hay mâm cơm ngày Tết đầy đủ hơn.
Từ Đô Lương, anh Trần Văn Tuấn - làng nồi đất Trù Sơn chất đầy những chiếc sanh đất lên chiếc xe đạp cà tàng thẳng tiến xuống Tp Vinh. Nồi đất Trù Sơn không còn nhiều chỗ đừng trên thị trường thế nhưng những ngày giáp Tết, những chiếc sanh đất lại bỗng nhiên có giá hơn. Nó được sử dụng để kho cá hay nấu thịt giả cầy, thịt đông. Không hiểu sao, những món ăn dân dã đó khi nấu trong những chiếc sanh đất được đun bằng bếp củi sẽ ngon và có hương vị đặc trưng hơn. Thế nhưng, giá của mỗi chiếc nồi đất cũng rất bèo, chỉ vài chục nghìn đồng/cái.
"Mỗi ngày bán được chục chiếc là may mắn lắm rồi, bây giờ cũng ít người dùng sanh đất nhưng dù sao thì mấy ngày Tết vẫn bán khá hơn ngày thường. Giáp Tết, những chiếc chậu hoa bằng sành cũng bán được", anh Tuấn cho biết thêm.
Trong khi đó, tại chợ Vinh - chợ đầu mối của tỉnh Nghệ An, không khí Tết dường như đã cận kề bởi một lượng lớn lá dong, ống giang đã được tập kết để chuyển về các chợ nhỏ hơn. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán này, anh Trần Văn Thắng đã nhập hơn 20 vạn lá dong. “Trước mắt thì nhập từng đó thôi, nếu bán được thì nhập tiếp chứ thời buổi kinh tế khó khăn, không thể nói trước được. Giá lá dong năm nay chỉ bằng một nửa năm ngoái thôi, hi vọng càng gần Tết thì có tăng chút ít”.
Hầu hết lá dong, ống dang để gói bánh chưng đều được đưa từ các huyện Con Cuông, Quế Phong về chợ Vinh. Rồi từ chợ đầu mối này, sẽ được phân phối về các chợ lẻ, các huyện đồng bằng. Theo khảo sát của chúng tôi, giá lá dong bán sỉ tại TP Vinh thời điểm này là 150.000 đồng/1.000 lá, giá bán lẻ 200.000 đồng/1.000 lá; ống dang có giá 5.000 đôngg/chiếc. Các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán cũng đã bắt đầu rục rịch vào mùa tuy nhiên giá cả vẫn chưa có nhiều biến động so với ngày thường.
Và "rừng" cây cảnh tiến vào nội đô mỗi sáng
Lá dong từ các huyện miền núi Quế Phong, Con Cuông cũng ào ào xuống phố.
Hoàng Lam