1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những ngày Tết dân tộc của Bác Hồ

(Dân trí) - Mỗi khi Tết đến, xuân về, không người Việt Nam nào lại không nhớ đến Bác Hồ. Vào những ngày Tết dân tộc, Người vẫn dành trọn các ngày nghỉ của mình để đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sỹ.

Đối với Bác, việc đi thăm và chúc Tết này đã thành nền nếp bởi Người cho rằng, đây là cơ hội tốt để hiểu được đầy đủ đời sống của người lao động, là niềm vui, hạnh phúc lớn của người “đầy tớ của nhân dân” khi được tiếp xúc và nghe họ nói về mơ ước, khát vọng và niềm tin của mình về một năm mới đang gõ cửa từng nhà.

 

Đã không ít lần Bác tâm sự, là người dân của một nước bị thực dân đô hộ, Người phải ra đi tìm đường cứu nước từ những năm còn niên thiếu và bắt đầu từ làm phụ bếp trên tầu Latusơ Trêvin, đến làm vườn ở Xanh Ađretro và cào tuyết ở Luân Đôn... không biết đến ngày nghỉ lễ, tết, nên khi nước nhà đã độc lập càng thấy quý trọng những ngày Tết dân tộc.

 

Tuy vậy, với Bác, hạnh phúc lớn nhất trong những ngày Tết này lại ở chỗ được chứng kiến không khí mọi người, mọi nhà đoàn tụ và tận hưởng niềm vui trước những thành quả lao động sau một năm làm việc vất vả.

 

Vì quan niệm về hạnh phúc đơn giản, nhưng sâu sắc ấy mà kể từ ngày Bác đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (trừ những năm ở chiến khu Việt Bắc) đến trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, hầu như năm nào, Người cũng đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sỹ. Chương trình này được Bác chỉ thị cho Văn phòng chuẩn bị ngay từ khi kết thúc năm Dương lịch và được Người đôn đốc, kiểm tra rất kỹ trong những ngày giáp Tết.

 

Có những Tết, mặc dù sức khỏe rất yếu, nhưng Bác vẫn muốn được đi thăm nhiều nơi làm cho Văn phòng phải lúng túng khi sắp xếp chương trình và cuối cùng phải nhờ đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng thuyết phục, Người mới chấp nhận một chương trình phù hợp với mình.

 

Bác đến với các gia đình công nhân, viên chức: Nguyễn Đình Kỳ, Mai Đình Cường, Nguyễn Phú Lộc, Giáo sư Tôn Thất Tùng, cụ Phạm Văn Hoan (92 tuổi)... ngay trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới; đến với công nhân các nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân, nông dân các HTXNN Lỗ Khê (ngoại thành Hà Nội), Văn Phú (Hà Tây), cán bộ và chiến sỹ bộ đội phòng không và không quân ở sân bay Bạch Mai... ngay trong buổi sáng của ngày mồng một Tết. Bác mang theo mùa xuân của đất trời đến với mọi người, truyền thêm sức mạnh và lòng tin cho từng tập thể, người lao động vững bước vào năm mới với năng suất và hiệu quả mới.

 

Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với những người lao động, nhất là lao động nghèo, đã diễn ra đầy xúc động trong giờ phút đáng nhớ của năm mới. Đó là vào đêm giao thừa của Tết đầu tiên sau ngày Độc lập, Bác và đồng chí Thư ký cùng dò dẫm trong một ngõ tối của phố Sinh Từ đến thăm một người từ tỉnh khác về Hà Nội kéo xe không đủ tiền về quê ăn Tết. Bác đứng nhìn người kéo xe đang lên cơn sốt với tất cả sự thương cảm. Bác lặng lẽ đi ra và dặn Thư ký hôm sau mang thuốc, quà của Người đến thăm hỏi. Xe đi được một đoạn, Bác nói: “30 Tết mà không có Tết” như để nhắc nhở mình về trách nhiệm chăm lo Tết cho những người nghèo.

 

Ngay sáng mồng một, Bác đã mời đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lên phê bình không thực hiện thư của Người về tổ chức Tết, làm cho nhiều gia đình không có Tết và yêu cầu đồng chí Chủ tịch phải sửa chữa ngay khuyết điểm này. Và Tết năm sau, hầu hết các gia đình nghèo đều được hưởng Tết do các đội tuyên truyền phối hợp với nhân dân đường phố vận động tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.

 

Đêm giao thừa Tết Đinh Dậu (1957), Bác cùng đón Tết với gia đình anh Nguyễn Văn Tảo và 5 gia đình công nhân khác của nhà máy điện Yên Phụ tại khu lao động vừa được xây dựng trên bãi rác Nghĩa Dũng cũ. Đêm giao thừa, cả khu lao động như trong ngày hội với hai niềm vui lớn: được đón Tết trong các căn hộ mới ở khu lao động do nhà máy xây, có đủ điện, nước sinh hoạt và được vinh dự đón Bác đến thăm.

 

Bác chỉ vào nồi bánh chưng đang sôi của gia đình anh Tảo và hỏi cụ thể số lượng bánh, thịt mà từng hộ đã lo được trong Tết này và cả những khó khăn về đời sống, việc làm hiện nay. Bác rất vui trước những tiến bộ về đời sống, nhất là nhà ở của công nhân nhà máy và thân mật nhắc nhở mọi người: “Thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Cố gắng thi đua làm việc và thực hành tiết kiệm”. Những điều Người căn dặn đã trở thành những câu chuyện có ý nghĩa cả trong các bữa ăn của từng gia đình.

 

Theo TTXVN, cảm động nhất là cuộc gặp giữa Bác với chị Nguyễn Thị Tín, một người gánh nước thuê ở ngõ 16 Lý Thái Tổ trong đêm 30 giá rét và mưa phùn của Tết Nhâm Dần năm 1962. Chồng mất sớm, một mình chị Tín gánh nước thuê lấy tiền nuôi 4 con còn nhỏ (đứa lớn nhất mới trên 10 tuổi) và đêm 30 này chị vẫn chưa được nghỉ.

 

Với đôi thùng trên vai, chị vừa ra đến ngõ thì gặp Bác. Quá bất ngờ trước sự xuất hiện của Bác, đôi thùng trên vai chị rơi xuống đất. Tay chị run run nắm lấy bàn tay Bác và nói trong sự xúc động chen lẫn tiếng nấc nghẹn ngào: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm”.

 

Bước vào nhà, Bác nhìn căn phòng trống tuềnh toàng và trên bàn thờ tổ tiên chỉ có nải chuối xanh, trong khi 4 đứa con của chị đang chia nhau một gói kẹo, một nét buồn hiện lên trên khuôn mặt hiền từ của Người. Bác lấy kẹo chia cho các cháu và lấy chiếc bánh chưng được chuẩn bị sẵn đặt lên bàn thờ. Chị Tín đứng nhìn Bác trong khi hai hàng nước mắt vẫn lăn trên hai gò má xanh xao. Đối với chị, đây thật sự là hạnh phúc lớn và không gì có thể so sánh được mà Bác đã dành cho gia đình mình.

 

Hình ảnh gia đình chị Tín giữa Thủ đô Hà Nội sau những năm kháng chiến thắng lợi nay vẫn nghèo khổ gợi cho Bác nhớ lại người phu kéo xe đã gặp trong đêm giao thừa của Tết độc lập đầu tiên, làm cho nỗi buồn không vơi và theo Người suốt cả đêm giao thừa ấy.

 

Bác đến với những tập thể lao động không những chỉ mang ý nghĩa thăm hỏi, động viên, mà còn là dịp để Người chỉ ra phương hướng lớn về hành động của một năm mới vì mục tiêu phát triển của ngành và mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Những câu chuyện thân tình, cởi mở giữa Bác và công nhân các nhà máy: Cơ khí Hà Nội, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân và Rượu Hà Nội vào đúng sáng mồng một Tết Tân Sửu (1961) đã làm cho Người rất vui khi được biết đời sống của công nhân ít nhiều đã được cải thiện.

 

Tết này gia đình nào cũng có bánh chưng, có thịt và những người bám máy sản xuất được lãnh đạo nhà máy lo chu đáo về vật chất. Bác khuyến khích mọi người năm mới cố gắng hơn nữa, thi đua tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm để năm tới công nhân và nhân dân ta ăn Tết vui hơn, phấn khởi hơn.

 

Đến với công nhân khu gang thép Thái Nguyên - công trình lớn đầu tiên của ngành công nghiệp gang thép non trẻ nước ta vào dịp Tết Giáp Thìn (1964), Bác hài lòng khi được chứng kiến không khí vui tươi, phấn khởi đón năm mới và mừng thành tích một năm lao động hết mình của những người lao động trên công trường. Bác khẳng định: “Cán bộ và công nhân có thể tự hào rằng sau hơn 3 năm lao động cần cù, tự tay mình đã ngăn sông, xẻ núi, xây dựng một khu gang thép to lớn đầu tiên của nước ta. Mọi người đã góp phần mình vào công nghiệp hóa XHCN...”.

 

Đến Tết này là gần 40 cái tết, những người lao động không được đón Bác đến thăm và chúc Tết, nhưng hình ảnh Bác cùng những lời dạy của Người từ những mùa xuân ấy vẫn sống mãi trong lòng những người thợ như những điều kỳ diệu của lòng tin, sự biết ơn làm nên sức mạnh để chúng ta cùng Người bước vào một năm mới tràn đầy sức xuân.

 

Nguyễn Tử Nên

 

(Những câu trong dấu ngoặc kép được trích từ cuốn “Hồ Chí Minh toàn tập” và “Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử” - NXB Chính trị Quốc gia - Hà Nội).