Những “lời ru buồn” ở Kon Tum
(Dân trí) - Dưới chân núi Chư Mom Ray, Ngok Linh bốn mùa mây phủ, chuyện những cô bé độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đột ngột xin nghỉ học ở nhà “bắt chồng” vẫn thường diễn ra. Từ đó, những ông bố, bà mẹ trẻ con lần lượt “ra đời”.
“Lấy chồng từ thuở 13”
Chị Y Pheng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (Kon Tum) - dẫn chúng tôi đi thăm những đôi vợ chồng thuộc diện tảo hôn. Y Ă, một “bé gái” sinh năm 1991, mới lấy chồng mấy tháng nay. Chị của Y Ă là Y Hàng, sinh năm 1982 và đã có con lên 8.
Chị Y pheng nói: “Tính cả vợ chồng con cái của Y Hàng nữa thì nhà nó có đến 10 miệng ăn, nhưng chỉ có ba sào đất rẫy trồng mỳ nên cứ thiếu đói quanh năm”.
Cạnh nhà Y Ă là nhà Y Đương, cũng “bắt chồng” khá sớm, từ năm 15 tuổi. Y Đương sinh năm 1986, học chưa xong lớp 4 thì bỏ học lấy chồng, con gái của Y Đương vừa tròn 2 tuổi.
Được biết, cả thôn có tới 5 cô lấy chồng ở tuổi vị thành niên, cô “già” nhất cưới chồng khi tròn 16 tuổi, cô nhỏ nhất khi vừa bước sang tuổi 14. Tất cả đều mới học xong lớp 4, 5. Anh A Bier, cán bộ phụ trách công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình của xã Rờ Kơi, cho biết: “Ngoài 5 cô ở làng Rờ Kơi còn có 4 trường hợp tảo hôn nữa ở làng Đăk Đê. Toàn xã Rờ Kơi hiện có hơn 20 trường hợp “bắt chồng” ở độ tuổi từ 17 trở xuống”.
Rải rác các xã trong huyện Sa Thầy, tình trạng tảo hôn không phải “của hiếm”. Chúng tôi đã gặp em Y Thuận (17 tuổi), học xong lớp 9 ở nhà lao động với gia đình và “ưng cái bụng ” với người trai cùng làng nên cưới. Còn nhiều cái tên khác như Y Thổ (thị trấn Đăk Glei), Y Hùng (xã Xốp), Y Hạnh (xã Đăk Man), Y Thít (xã Đăk Choong)...
Tảo hôn và nghèo đói
Hỏi chị Y Pheng: “Lúc họ cưới nhau chính quyền địa phương có biết không?”, chị trả lời: “Lúc cưới, họ không những không giấu mà còn mời cả cán bộ xã, thôn đến dự. Nhưng đến lúc ấy thì sự việc đã rồi, vì một số có đi đăng ký kết hôn đâu mà biết”.
Tất cả các trường hợp tảo hôn mà chúng tôi gặp, khi được hỏi vì sao lấy chồng sớm, đều tỏ vẻ e thẹn, xấu hổ không trả lời. Các em đều biết tác hại của việc kết hôn sớm, sinh con ở tuổi vị thành niên nhưng vẫn thích nghỉ học “bắt chồng”.
Anh A Bier giải thích: “Chúng nó đua nhau “bắt chồng” để được bố mẹ chia đất cho” nhưng trên thực tế, chúng tôi thấy các gia đình tảo hôn đều rất khó khăn. Có gia đình mười mấy miệng ăn sống chung trong ngôi nhà chật hẹp, quanh năm thiếu đói.
Số liệu thống kê của UBND xã Rờ Kơi, toàn xã có 740 hộ, nhưng có đến 426 hộ nghèo. Phần lớn các đối tượng nghèo đều do có gia đình sớm, sinh đẻ không kế hoạch, bệnh tật, ốm đau...
Thống kê của Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Kon Tum: Trong 333 đối tượng được khảo sát có 269 đối tượng tảo hôn, chiếm gần 81%; trong đó có hơn 93% là lấy nhau tự nguyện; gần 58% không đăng ký kết hôn. Trong 269 đối tượng tảo hôn thì nữ chiếm gần 77%. Trong số 333 đối tượng được hỏi thì có 156 người không biết Luật Hôn nhân - Gia đình. |
Đại Hoà