(Dân trí) - Trên các bản làng miền tây xứ Nghệ, dọc con đường mòn "vắt" qua những quả đồi, khe suối, in dấu chân của cán bộ công an xã trong chiến dịch "phủ xanh tài khoản định danh điện tử".
Trên các bản làng miền tây xứ Nghệ, dọc con đường mòn "vắt" qua những quả đồi, khe suối, in dấu chân của cán bộ công an xã trong chiến dịch "phủ xanh tài khoản định danh điện tử".
Xã Mường Ải (Kỳ Sơn, Nghệ An) là nơi sinh sống của 3 hệ dân tộc Thái, Khơ Mú và Mông với hơn 2.700 nhân khẩu, trong đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên khoảng hơn 1.200 người. Đến nay, xã Mường Ải đã hoàn thành việc cấp căn cước công dân (CCCD) 100% người có mặt trên địa bàn.
Để đạt được kết quả đó, đối với một xã biên giới là sự nỗ lực lớn của Đội quản lý hành chính, Công an huyện Kỳ Sơn và Công an xã Mường Ải.
Đại úy Trần Tiến Dũng - Trưởng Công an xã Mường Ải - vẫn nhớ như in những khó khăn của thời gian đầu thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06).
"Đồng bào Khơ Mú có tục đổi họ tên, nếu lấy chồng thì đổi sang họ chồng, nếu sinh con thì lại đổi sang tên con. Trong khi đó, đồng bào Mông lại có tục đổi tên khi ốm nặng, phải làm vía để tránh "con ma ốm" quay lại.
Hơn nữa, do nhiều yếu tố, người dân ít giữ được giấy tờ gốc, trong khi đó việc lưu trữ tại xã cũng hạn chế nên thông tin thu thập ban đầu và đối chiếu trong hệ thống không giống nhau, dẫn tới mất nhiều thời gian trong quá trình thu thập, xử lý thông tin.
Có trường hợp khi công an hỏi để ghi thông tin thì chỉ bảo "khoảng 50 mùa rẫy" chứ không nhớ được năm sinh, số tuổi, mà giấy tờ gốc cũng không còn", Đại úy Dũng, cho hay.
Toàn xã có 6 bản và 9 cụm dân cư, trong đó có những cụm dân cư chưa đến 10 nóc nhà nhưng cách bản chính đến hơn 20km, đặc biệt đến thời điểm này đang có 2 bản chưa có điện lưới và sóng điện thoại. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tổ cấp CCCD thực hiện "cuốn chiếu" theo từng bản, vận động người dân ở bản chưa có điện lưới, sóng điện thoại đến bản gần đó để làm thủ tục cấp CCCD.
Ngoài địa hình đồi núi, dân cư sinh sống phân tán, khó khăn lớn nhất của triển khai đề án 06 ở Mường Ải nói riêng và các xã miền núi cao nói chung là một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về làm CCCD. Có những trường hợp công an phải đến tận nhà vận động 3-5 lần nhưng vẫn lắc đầu "không đi đâu, không có nhu cầu làm".
Bên cạnh đó, đặc thù miền núi, bà con thường vào rẫy để dựng lán ở, thỉnh thoảng có việc cần mới trở về nhà. Bởi vậy, chuyện tổ cấp CCCD vác máy vượt rừng hàng cây số vào rẫy tìm dân chẳng có gì lạ. Thế nhưng vào đến tận rẫy rồi có khi không thể lấy được vân tay bởi người dân lao động nặng, bị mòn ở đầu các ngón tay hoặc dính nhựa cây, máy không ghi nhận được.
Anh em công an lại vác máy về, không quên dặn người dân giữ sạch tay, tránh mòn vân tay để lần tới vào làm.
"Nhờ tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng, người dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc làm CCCD, bên cạnh đó, được tạo thuận lợi đến tận bản nên 100% người trong độ tuổi đang cư trú trên địa bàn đã hoàn thành thủ tục cấp CCCD.
Đến thời điểm này, toàn xã chỉ còn gần 180 người dân trong độ tuổi chưa làm CCCD, do đi làm ăn xa hoặc đi đâu không rõ, chúng tôi đang vận động người thân liên hệ, gọi điện hướng dẫn làm thủ tục cấp CCCD tại nơi cư trú", Đại úy Trần Tiến Dũng, thông tin.
Hiện xã Mường Ải cũng như nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử và định danh điện tử mức độ 2.
Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn như khu vực không có sóng điện thoại, thiếu thiết bị di động thông minh và thói quen sử dụng sim điện thoại khuyến mại của người dân dẫn tới không lấy được mã OTP khi đăng ký, đăng nhập tài khoản.
Để sớm "về đích", lực lượng công an xã đang đến từng bản, rà từng nhà, vận động người dân đăng ký. Các cuộc hành quân xuyên rừng, xuyên ngày của những cán bộ công an xã đang âm thầm diễn ra ở các bản làng miền tây xứ Nghệ những ngày hè bỏng rát này.
Với những hộ dân không ở nhà, công an phải gọi điện mời về hoặc hướng dẫn cách mở tài khoản định danh. Cũng bởi làm việc qua điện thoại mà Thượng úy Đặng Hoàng Giáp - Công an viên xã Châu Hạnh (Quỳ Châu, Nghệ An) gặp những tình huống dở khóc, dở cười.
"Ban ngày người dân đi làm nên tranh thủ đêm, chúng tôi gọi để hướng dẫn. Hôm ấy tôi gọi đến lần thứ 3, tín hiệu điện thoại của một công dân nữ ở bản Tà Lạnh mới được thông. Vừa mới chào hỏi, giới thiệu danh tính, tôi nghe giọng đàn ông truy dồn dập "anh là ai, ở đâu, gọi điện cho vợ tôi có chuyện gì" rồi... tắt máy.
Lần khác, do có thể nói được tiếng Thái nên tôi gọi điện thoại cho một công dân ở bản Tà Sỏi, mời lên nhà văn hóa bản để kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Giọng đầu dây bên kia tỏ rõ nghi ngờ "Lừa đảo à? Nay giả làm công an mà còn nói được cả tiếng dân tộc Thái để lừa à?".
Những trường hợp này chúng tôi phải kiên trì gọi, kiên trì giải thích, thậm chí phải nhờ cán bộ bản, cán bộ xã gọi rồi chuyển máy để làm việc", Thượng úy Giáp kể.
Với Thượng úy Giáp hay nhiều cán bộ công an xã, những chuyến vượt rừng, vượt núi xuyên trưa hay trở về khi đã tối mịt không còn xa lạ. Cách đây một tháng, giữa cao điểm chiến dịch "70 ngày đêm phủ xanh tài khoản định danh điện tử", Thượng úy Giáp cùng đồng nghiệp và một cán bộ đoàn xã phải vượt 2 quả đồi và một cái khe để vào bản Tà Sỏi (xã Châu Hạnh) kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho bà con.
Gần trưa, còn một cụ ông chưa được kích hoạt nên anh em quyết định vào tận nhà để làm. Đến nhà, người vợ bảo ông đang ở ngoài chòi trong rừng để canh rẫy, anh em lại kéo nhau vào chòi. Vào đến nơi, người dân lại bảo ông vừa về nhà để kích hoạt tài khoản định danh rồi.
"Ông cháu loanh quanh đi tìm nhau. Hóa ra trên đường về, có hàng xóm rủ ông uống nước chè, hai cụ ngồi ngay bờ ruộng đàm đạo với nhau. Kích hoạt tài khoản xong, ông bảo chả có gì cảm ơn anh em lặn lội vào đây nên mời cả tổ cốc nước chè.
Lúc đó cũng đã hơn 11h, đói bụng, lại thêm cốc nước chè đặc quánh, anh em hoa mắt, tay chân run lẩy bẩy, mãi mới ra được khỏi bản", Thượng úy Giáp kể.
Cũng trong cao điểm kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 nên Thượng úy Nguyễn Văn Hùng - Phó trưởng Công an xã Yên Na (Tương Dương) không thể về nhà thường xuyên. Nhà Thượng úy Hùng ở huyện Thanh Chương, cả đi lẫn về cũng phải mất hơn nửa ngày, nếu sắp xếp được thì chiều tối thứ 6 về, chiều chủ nhật đã phải đi để kịp giờ làm việc thứ 2.
"Do yêu cầu công việc thì mình phải sắp xếp thôi. Cũng may mắn là tôi nhận được sự ủng hộ và cảm thông từ gia đình, đặc biệt là vợ", Thượng úy Hùng nói.
Chồng đi xã, công việc của một cán bộ y tế xã khá vất vả nhưng một mình chị Bùi Thị Kiều Trang (vợ Thượng úy Hùng) quán xuyến gia đình, chăm lo cho bố mẹ và 2 con nhỏ (một cháu 3 tuổi, một cháu gần 6 tháng). Lấy chồng công an là đã xác định không thể luôn có chồng ở bên cạnh nhưng những lúc con ốm đau, chị cũng không khỏi chông chênh.
Như đợt vừa rồi, chỉ trong vòng một tháng, bé gái thứ 2 của vợ chồng Thượng úy Hùng, phải chuyển tuyến từ bệnh viện huyện lên tỉnh do chứng viêm phổi. Một mình xoay xở ở bệnh viện, vừa lo cho sức khỏe của con, vừa mệt mỏi, tủi thân, chị nhắn tin cho chồng "hay anh xin về đi, làm việc khác cũng được". Nhắn xong, chị hối hận ngay, bởi công việc này với anh là lý tưởng của cả cuộc đời.
Biết con ốm, vợ vất vả, không thể ở bên để động viên, hỗ trợ, anh cũng khổ tâm lắm. Cũng may, nhờ bác sĩ tận tình, sức khỏe của con bình phục nhanh chóng, chị lại quay về với nhịp sống thường ngày, thay chồng chăm bố mẹ, nuôi con. Căn nhà nhỏ chộn rộn, vui vẻ tiếng nô đùa của con trẻ vào dịp cuối tuần, khi bố về nhà.
"Cứ mỗi lần bước chân đi lên xã lòng lại chùng xuống. Cô con gái 3 tuổi cứ níu lấy chân, ngọng nghịu "bố đừng đi, bố ở nhà chơi với em đã". Nghe con nói thế muốn chảy nước mắt nhưng tôi cũng chỉ biết hứa với con, cuối tuần bố lại về. Hứa vậy thôi chứ có khi cả tháng mới về được, nhất là vào các dịp cao điểm thi đua.
Đi xã, công việc bộn bề kéo mình đi còn đỡ, đêm về, nằm một mình nghe tiếng chim đêm kêu trong rừng vắng, nhớ nhà, thương vợ con lắm. Những lúc như thế, nhớ câu nói "có công an về, bản làng ta bình yên hẳn" và cái nắm tay của một anh trưởng bản khiến những người chiến sỹ công an xã như chúng tôi tạm gác những tình cảm riêng tư để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần giữ bình yên bản làng", Thượng úy Hùng, chia sẻ.