Những kỷ vật kể chuyện cuộc đời, sự nghiệp cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng
(Dân trí) - Những kỷ vật, hiện vật, hình ảnh lưu giữ tại Khu di tích Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã tái hiện rõ nét cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Quần thể Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú nằm tại xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) được chia làm 3 phần, gồm: nhà thờ, nhà trưng bày và khu mộ.
Trong hình là khu mộ cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đặt trên đồi Quần Hội với diện tích hơn 47.000m2, hướng nhìn ra bến Tam Soa - nơi giao nhau giữa 3 con sông: Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La.
Khu mộ khởi công xây dựng vào tháng 1/2000 và hoàn thành vào tháng 4/2004, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Nơi đây khắc ghi câu nói bất hủ của ông: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" trong thời gian bị địch bắt và tra tấn vào tháng 4/1931.
Cách khu mộ gần 1km, nhà trưng bày ở thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh được xây dựng vào năm 1998 trên diện tích 160m2. Đây là nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật, kỷ vật, tài liệu, hình ảnh tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Trần Phú và gia phả họ Trần.
Cố Tổng Bí thư Trần Phú sinh ngày 1/5/1904. Thân phụ của ông là cụ Trần Văn Phổ - quê ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh và thân mẫu là bà Hoàng Thị Cát, quê ở xã Dương Châu, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Tuy vậy, ông lại được sinh ra tại phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên - nơi thân sinh ông làm giáo thụ vào năm 1904.
Lên 10 tuổi, Trần Phú mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống trong những năm tháng gian khổ để học tập, nhưng ông vẫn kiên trì theo học, đỗ đầu kỳ thi Thành Chung tại Huế vào năm 1922.
Mùa thu 1918, Trần Phú bước chân vào Trường Quốc Học Huế. Trong thời gian học tập ở đây, ông đã tìm đến các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là những bậc lão thành cách mạng yêu nước. Đặc biệt, ông được thầy giáo là cụ Võ Liêm Sơn trực tiếp khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Trong hình là bộ quần áo của cố Tổng Bí thư Trần Phú sử dụng trong thời gian theo học tại Trường Quốc học Huế và hoạt động ở Hà Nội.
Tháng 9/1922, Trần Phú về dạy học ở Trường Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Tại đây, ông có dịp gần gũi với người dân lao động, trí thức yêu nước, lại được tiếp xúc với những tờ báo yêu nước như "Người cùng khổ" của Nguyễn Ái Quốc.
Cố Tổng Bí thư Trần Phú đã tham gia hoạt động tích cực trong các tổ chức yêu nước như Hội Phục Việt, Hội Hưng Nam. Cũng trong thời gian này, ông thường về thăm quê, vừa ẩn danh hoạt động cách mạng.
Trong hình là bức tranh vẽ tái hiện cảnh Trần Phú trong lớp dạy chữ quốc ngữ cho công nhân và nhân dân lao động tại Vinh - Bến Thủy (Nghệ An). Ông say mê hoạt động dạy học với mục đích góp phần đào tạo lớp người có chí hướng, làm lợi cho dân, cho nước.
Đây là chiếc rương gỗ cố Tổng Bí thư Trần Phú dùng trong thời kỳ dạy học ở Vinh từ năm 1922 đến năm 1925.
Giữa năm 1925, Trần Phú gia nhập Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam và Tân Việt Cách mạng Đảng) - tổ chức của những trí thức yêu nước.
Năm 1926, ông là một trong những thành viên của Hội Hưng Nam sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, được dự lớp huấn luyện chính trị và gia nhập Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Trong ảnh là con dấu của Hội Hưng Nam.
Đầu năm 1927, Trần Phú học tại trường Đại học Phương Đông ở Maxcơva. Lãnh tụ Nguyễn Ái quốc đã gửi thư tới Chi bộ Đảng của trường giới thiệu Trần Phú làm Bí thư Chi bộ nhóm học sinh sinh viên Việt Nam. Năm 1928, Trần Phú tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI.
Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, ông từ Matxcơva qua Bỉ, Đức, Pháp rồi bí mật về Sài Gòn vào ngày 8/2/1930 mang theo kiến thức của một nhà lý luận.
Tháng 7/1930, Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng. Trong ảnh, ngôi nhà số 90, phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi Trần Phú soạn thảo Luận cương Chính trị năm 1930.
Trong hình là chiếc gối của cố Tổng Bí thư Trần Phú sử dụng trong thời gian hoạt động ở Hà Nội.
Tháng 10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương Chính trị do Trần Phú dự thảo. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại hội nghị này, Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng khi đang ở độ tuổi 26.
Trên cương vị của mình, cố Tổng Bí thư Trần Phú đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương xây dựng, củng cố tổ chức Đảng các cấp; chỉ đạo tổ chức tốt công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy, từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản.
Ngày 18/4/1931, giữa lúc phong trào đang lên, cố Tổng Bí thư Trần Phú bị địch bắt tại số nhà 66, đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng, TPHCM) và đưa về giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn (trong hình). Trong thời gian này, Trần Phú bị tra tấn cực hình nhưng vẫn một mực trung thành với Đảng và Cách mạng.
Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, ngày 6/9/1931, Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn (trong hình) với câu nói bất hủ "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".
Thực dân Pháp đã chôn cất thi hài của Trần Phú ở khu nghĩa trang Đô Thành, nay là Công viên Lê Thị Riêng ở quận 10, TPHCM. Trong ảnh là rễ cây, mảnh ván quan tài nơi khai quật hài cốt cố Tổng Bí thư tại Công viên Lê Thị Riêng vào ngày 5/1/1999.
Ngày 12/1/1999, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Trần Phú tại TPHCM và di dời hài cốt của ông về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Doãn Thắng, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Trần Phú, dịp Kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), khu di tích đón hàng trăm lượt du khách tới tham quan, dâng hương.
"Có những ngày, khu di tích đón gần 2.000 học sinh. Chúng tôi bố trí hướng dẫn viên tiếp đón và trang trí thêm khẩu hiệu, băng rôn, quốc kỳ", ông Thắng thông tin.
Theo ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư Trần Phú từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ gần 10 năm; nhưng cố Tổng Bí thư đã để lại di sản vô cùng quý báu với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Luận cương Chính trị năm 1930 do cố Tổng Bí thư Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng trong thời kỳ ông làm Tổng Bí thư là những văn kiện vô giá, góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam.