Những dự án giao thông ở TPHCM được kỳ vọng năm 2024
(Dân trí) - Khởi công loạt dự án kết nối giao thông, khép kín lần lượt các đoạn Vành đai 2 dang dở, xúc tiến Vành đai 3 và hoàn thành metro số 1 là những đầu việc được TPHCM xác định tập trung trong năm 2024.
TPHCM có 59 công trình giao thông được đề xuất ghi vốn để hoàn thành giai đoạn 2024-2030. Trong số này, xây cầu đường Nguyễn Khoái, khởi công Vành đai 2 phía đông, đưa vào sử dụng hai công trình đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao Nguyễn Văn Linh là những việc được lãnh đạo TP xác định phải ưu tiên.
Mặt khác, TPHCM cũng xác định tập trung thúc đẩy tiến độ xây Vành đai 3, hoàn thành metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hàng chục dự án mở rộng các tuyến đường huyết mạch khác.
Cấp bách chia tải đường vào trung tâm
Hiện các tuyến đường từ khu vực phía Nam vào trung tâm TPHCM đang trong tình trạng ùn ứ nghiêm trọng. Các trục đường chính như: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh Tẻ, đường Phạm Hùng… thường xuyên ách tắc.
Đường Nguyễn Tất Thành chỉ dài khoảng 2km, nhưng suốt chục năm qua gánh lượng xe vượt gấp đôi năng lực khai thác. Giờ tan tầm buổi chiều, tình trạng ùn tắc ở tuyến đường này càng nghiêm trọng.
Điều này buộc TPHCM phải tính toán, dồn sức kéo hạ tầng khu này lên bằng cách mở thêm đường, cầu kết nối với trung tâm.
Dự án được kỳ vọng nhiều nhất là cầu - đường Nguyễn Khoái nối khu Nam với trung tâm thành phố và chia tải cho cầu Kênh Tẻ (theo trục đường Nguyễn Khoái - D1).
Cầu đường Nguyễn Khoái có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027. Khi hoàn thành, công trình sẽ tạo thành trục đường chính kết nối khu Nam với khu trung tâm TPHCM; giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cầu kênh Tẻ, đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y... hiện hữu; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực ngày một tăng cao.
Dự án được HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1.250 tỷ đồng, sau tăng lên hơn 2.800 tỷ đồng và hiện nay là 3.725 tỷ đồng, do điều chỉnh quy mô.
Một dự án cấp bách khác cũng dự kiến được khởi công cuối năm nay là Vành đai 2 (hai đoạn dài 6km, tổng vốn 14.000 tỷ đồng).
Trong đó, đoạn 1 dài 3,5km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước là xa lộ Hà Nội), được đầu tư giai đoạn một với mức vốn khoảng 9.328 tỷ đồng.
Đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài 2,8km, tổng kinh phí 4.543 tỷ đồng. Cả hai dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ từ đầu, rộng 67m, sau đó xây đường song hành hai bên và làm các nút giao. Phần đất trống giữa tuyến sẽ dự trữ cho việc triển khai sau này.
Ngoài hai dự án nêu trên, Vành đai 2 TPHCM còn hai đoạn khác chưa khép kín. Trong đó, đoạn 3 cũng ở địa bàn TP Thủ Đức, dài hơn 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đã thi công nhưng chưa hoàn thiện. Đoạn còn lại (đoạn 4) nằm ở phía nam thành phố, dài 5,3km nối quốc lộ 1 qua đường Nguyễn Văn Linh chưa được đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nhận định việc khép kín Vành đai 2 có ý nghĩa rất quan trọng để mở rộng không gian phát triển, kết nối đô thị, vận chuyển hàng hóa. Công trình sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội cho TP Thủ Đức và cả TPHCM.
"Nhiều năm qua, TPHCM phải cân đối nguồn lực eo hẹp bố trí cho các công trình, đến nay mới đủ điều kiện bố trí vốn cho Vành đai 2 trong giai đoạn 2021-2025", lãnh đạo TPHCM nói.
"Giải cứu" cửa ngõ
Vào dịp lễ, Tết hàng năm, khu vực xung quanh cảng hàng không Tân Sơn Nhất trở thành điểm nóng ách tắc xe cộ. Hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút, thậm chí "chôn chân" tại các tuyến đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ.
Điều này khiến việc triển khai dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) được đốc thúc, ưu tiên triển khai hơn bao giờ. Khi hoàn thành, tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn sẽ kết nối giao thông trực tiếp cho nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và giảm tải áp lực cho đường Cộng Hòa, Trường Chinh.
Tuyến đường mới này được xem là cửa ngõ thứ hai của sân bay Tân Sơn Nhất trong tương lai được đầu tư với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng.
Đầu năm 2024, công trình được triển khai đồng bộ 5 gói thầu xây lắp. Chủ đầu tư là Ban Giao thông cho hay, mục tiêu trước mắt tới ngày 30/7 hoàn thành gói thầu hầm chui đầu tuyến, khu vực đường Thăng Long.
Đến nay, tiến độ dự án đạt khoảng 30%, riêng hạng mục hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện ở đầu tuyến đạt hơn 50%. Toàn bộ công trình dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Nằm ở cửa ngõ phía Nam, hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ cũng là một trong những dự án được người dân mong mỏi sớm hoàn thành. Công trình đóng vai trò xóa bỏ luồng xung đột xe cộ tại nút giao này, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực quận 7 và một phần huyện Nhà Bè.
Đến nay, tổng khối lượng dự án đạt hơn 40%. Dự án có quy mô 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh, chiều dài mỗi hầm 456m, mặt cắt ngang đảm bảo 3 làn xe với kết cấu bằng bê tông cốt thép.
Trong đó, phần hầm kín dài 98m, phần hầm hở dài hơn 350m, độ tĩnh không thông xe dưới hầm là 4,75m. Vận tốc thiết kế 60km/h đối với phần hầm và 30km/h đối với các nhánh vào nút giao. Hiện nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu được đóng lại toàn bộ trong 8 tháng để chủ đầu tư thi công các hạng mục ngầm, đẩy nhanh tiến độ.
Chỉ lo thiếu cát đắp
Giai đoạn này, thành phố đồng thời tập trung hoàn thành những dự án trọng điểm như metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, 96% khối lượng); di dời hạ tầng kỹ thuật để thi công metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương); đặc biệt là thúc đẩy thi công Vành đai 3 đoạn qua TPHCM.
Vành đai 3 TPHCM đi qua 4 địa phương, riêng đoạn qua TPHCM dài hơn 47km (tại địa bàn TP Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi).
Sau 7 tháng khởi công (từ 18/6/2023), toàn tuyến Vành đai 3 qua TPHCM đạt 10% tổng sản lượng. Những ngày đầu năm 2024, hoạt động thi công tại các công trường qua Vành đai 3 (4 gói thầu) TPHCM vẫn nhộn nhịp. 6 gói thầu xây lắp còn lại được triển khai trong tháng 2 này.
Thành phố hiện có hơn 97% mặt bằng dự án. Phần diện tích còn lại đang được địa phương vận động người dân bàn giao. Dự kiến công tác này hoàn thành trước 30/4 năm nay. Mặt khác, việc thiếu nguồn vật liệu cát đắp cũng là khó khăn lớn hiện nay của Vành đai 3 đang được các tỉnh bàn bạc.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng công trường thi công cầu Cây Xanh (thuộc gói thầu XL6, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) cho biết, đơn vị phụ trách thi công 6km. Các mỏ cát cung cấp cho dự án chủ yếu từ các tỉnh miền Tây chuyển lên. Tuy nhiên, số lượng ít ỏi hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu.
Theo ông Lương Minh Phúc, nhu cầu vật liệu cho toàn tuyến Vành đai 3 ước tính gần 10 triệu m3. Trong đó, nguồn đất và cát phục vụ công tác san lấp khoảng 7 triệu m3; cát và đá xây dựng hơn 5,2 triệu m3.
Các đơn vị liên quan đã khảo sát và thống kê trong vùng có 120 mỏ vật liệu đang khai thác thuộc 8 địa phương, trong đó có ba tỉnh mà vành đai đi qua gồm: Bình Dương, Đồng Nai và Long An, còn lại chủ yếu ở miền Tây. Tổng trữ lượng tại 120 mỏ vật liệu này ước tính hơn 503 triệu m3.
"Tuy nhiên, nguồn này sẽ bị phân tán qua nhiều công trình lớn khác đang triển khai ở khu vực, dễ dẫn đến Vành đai 3 gặp tình trạng khan hiếm vật liệu", ông Phúc cho biết.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, nguồn cát hiện không thiếu, nhưng về chất lượng cát vẫn cần rà soát thêm để đảm bảo mục tiêu. Năm 2024, dự án cần 5,6 triệu m3 cát đắp trên tổng 9,2 triệu m3 cát toàn tuyến.
"Sắp tới đây, TPHCM trong vai trò là cơ quan điều phối của dự án, sẽ cùng với Ban quản lý dự án các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An sắp xếp làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về việc hỗ trợ nguồn cát", ông Cường nói và cho rằng vấn đề nguồn cát sẽ quyết định lớn đến thành bại của dự án.
Riêng dự án đường sắt đô thị đầu tiên (metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) của TPHCM đã có ít nhất 4 lần chạy thử nghiệm. Metro số 1 dự kiến tiếp tục được thử nghiệm vào 30/4 và đưa vào khai thác thương mại đúng tháng 7 năm nay.
Công trình hiện đạt hơn 96% tổng khối lượng. Trước đó, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro số 1, lùi thời gian hoàn thành tuyến này đến cuối quý IV/2023 với cam kết không phát sinh chi phí. Song dự án phải lùi hạn đưa vào khai thác thương mại đến tháng 7 năm nay thay vì năm 2023 như kế hoạch trước đó.