1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những dòng nhật ký "vẽ" chân dung người lính trên mặt trận Hà Giang

Nhà văn Văn Giá

(Dân trí) - Những con chữ đầy ắp yêu thương giúp người đọc hình dung những ngày tháng sống và chiến đấu quả cảm của anh cùng đồng đội nơi chiến trường khốc liệt trong năm 1984 đó tại Hà Giang...

Tôi có một người bạn đồng môn thời đại học, quê Nam Định, tên là Phạm Thị Ngọc Hạnh. Chúng tôi ra trường năm 1980, mỗi người về một nơi công tác. Hạnh lên dạy học tại một trường cấp 3 thuộc thị xã Lào Cai (TP Lào Cai bây giờ). Đầu năm 1982, Hạnh kết hôn với một người bộ đội cùng quê đóng tại Lào Cai tên là Trần Đại Phong. Tháng 7 năm 1984, anh ấy hy sinh trên mặt trận Hà Giang, nơi ác liệt nhất của cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc lúc bấy giờ.

Mới đây, lứa bạn đại học chúng tôi gặp lại nhau, cô giáo Hạnh đưa cho tôi xem cuốn sổ nhật ký của người liệt sĩ ấy, được anh viết rải rác trong mấy tháng cuối cùng khi đơn vị từ Lào Cai chuyển sang mặt trận Hà Giang đánh giặc.

Đọc các di bút ít ỏi mà liệt sĩ Trần Đại Phong để lại, tôi thật xúc động. Những con chữ đầy ắp yêu thương gửi cho vợ và đứa con gái bé bỏng của mình đang sống tại một ngôi trường cấp ba khiến người đọc hình dung những ngày tháng sống và chiến đấu quả cảm của anh cùng đồng đội nơi chiến trường khốc liệt trong năm 1984 đó tại Hà Giang.

Cô giáo Hạnh bồi hồi nhớ lại: "Lúc ấy đứa con gái của mình mới có hơn một tuổi. Anh ấy đóng quân tại Lào Cai, tuy cách xa trường mấy chục cây số, nhưng thỉnh thoảng vẫn được về thăm nhà. Ngày 29/5/84, anh về thông báo với mình rằng đơn vị anh được điều động đi tăng cường bảo vệ biên giới Vị Xuyên - Hà Giang, giục mình thu xếp đồ đạc để đưa mẹ con về quê nghỉ hè. Mới nghe tin, mình tưởng anh nói đùa. Nhưng nhìn anh luôn tay thu dọn đồ của mẹ con cho vào va li, mình mới hiểu đó là sự thật. Thế là cả nhà bồng bế, dắt díu nhau ra ga Làng Giàng để xuôi tàu về quê. Về tới nhà bố mẹ đẻ, không kịp nghỉ ngơi, anh lại vội vã sang quê ngoại chào bố mẹ mình để ngày mai lên đường đi chiến đấu".

Những dòng nhật ký vẽ chân dung người lính trên mặt trận Hà Giang - 1

Bức ảnh kỷ niệm của chị Phạm Thị Ngọc Hạnh cùng chồng, liệt sĩ Trần Đại Phong.

Hôm sau, từ quê anh bắt xe trở về đơn vị rồi cùng hành quân sang mặt trận Hà Giang. Trong nhật ký, anh miêu tả khung cảnh lúc anh đi qua Tuyên Quang để lên Hà Giang rất sống động: "Hôm anh hành quân sang đây vui lắm em ạ, vui nhất là từ thị xã Tuyên Quang lên đến thị trấn Bắc Quang, những người dân ven quốc lộ 2 đổ cả ra đường để vẫy chào bộ đội, họ ném hoa, ném quà lên xe, các cháu thiếu nhi ném cả khăn quàng và sách vở cho các chú, các cô gái thì kín đáo và tế nhị hơn, họ quăng lên xe những khăn, quạt, những bức ảnh màu… kèm theo địa chỉ và những lời hẹn ước, còn các ông các bà thì thực tế hơn, họ cho bộ đội bánh kẹo, thuốc lá và hoa quả, ở những nơi bọn anh dừng chân, địa phương cho cả rau, quả, lợn gà, thậm chí có cả trâu nữa. Nhưng cảm động nhất vẫn là các mẹ già em ạ, có nhiều bà mẹ tay vẫy theo đoàn xe mà nước mắt rơi lã chã với lời nhắn nhủ mới tha thiết làm sao: "Đi cho mạnh khỏe rồi về với mẹ nhé con" (Trích nhật ký ngày 8/6/1984).

Khi nhập vào đơn vị, cuộc sống và chiến đấu vô cùng gian khổ của anh cùng đồng đội bắt đầu từ đó. Ngay ngày 12/6, anh được điều động lên chốt. Từ đây, anh đã ghi lại những dòng chữ chân thực này: "Người lính trên này vất vả lắm em ơi, có ngày phải nằm dưới hầm 24/24h vì chúng bắn pháo sang rất dữ dội. Mà nằm dưới hầm thì chả sung sướng gì đâu, bùn đất bê bết như ma, muỗi  thì đốt, không được phút yên tĩnh; ngớt pháo lại phải củng cố công sự, chuẩn bị cho chiến đấu. Ăn uống chỉ có độc món cá khô. Nói chung là sinh hoạt gian khổ và vất vả lắm, nhưng anh em trong đơn vị vẫn rất vui, rất bình tĩnh và yêu thương nhau hơn. Em biết không, chính bây giờ anh mới thấy hết  được tình cảm sâu sắc và cao thượng của người lính đấy em ạ. Anh em chia nhau từng điếu thuốc, chén trà, nhường nhau từng chỗ nằm khô ráo…".

Trong những ngày nằm chốt, anh lính Trần Đại Phong viết nhật ký có khi rất vội vã giữa những lúc đạn pháo của giặc tạm ngưng. Trang nhật ký được viết  vào lúc 18h ngày 7/7/1984 có đoạn: "Anh đang ngồi bó gối trong căn hầm chật chội, kê sổ lên đùi để viết những dòng này cho em! Hai ngày nay công việc bề bộn, bọn anh phải hì hục suốt đêm, chân tay rã rời nên ngày lại lăn ra ngủ, sáng nay cũng vậy, cơm xong là ngả mình liền, khi mở mắt đồng hồ đã chỉ 15h đúng.

Em hỏi làm gì mà phải thức suốt đêm ư? Biết nói với em thế nào bây giờ nhỉ… Đại để chỗ anh giữ chốt là bình độ 800 của điểm cao 2000. Bọn anh muốn tồn tại phải có cơm ăn, nước uống; và muốn chiến đấu thì phải có đạn dược súng ống; mà muốn ở được lâu, chiến đấu được dài ngày thì những thứ trên phải có thật nhiều. Tất cả những thứ này phải tự đi mà lấy cách đây 10 cây số đường rừng. Mọi nơi đều nằm trong tầm đạn pháo và súng bắn tỉa của địch nên toàn phải đi đêm thôi em ạ.

Đi đêm thì mức độ nguy hiểm về pháo đạn có đỡ hơn, nhưng lại bị vực sâu và thác cao đe dọa. Mới hôm qua thôi, một cơn lũ bất ngờ đã cuốn đi mất tích một người rồi đấy, em thử tưởng tượng xem, bị dòng thác cuốn đi từ độ cao 100m xuống vực thẳm thì người ta còn gì nữa. Anh chưa thấy ở đâu rừng núi hiểm trở - hoang vu đến dễ sợ như ở đây".

Ở một đoạn nhật ký khác viết tại Nậm Tà, ngày 9/7/1984, anh tâm sự với người vợ của mình những tâm tình vô cùng chân thật: "Người ta bảo ra trận lần đầu ai cũng hồi hộp, hy vọng, hào hứng, vui… hoặc ngược lại. Riêng anh sao không thấy có cảm giác ấy, mà chỉ thấy lo lắng cho toàn phân đội mà thôi. Chúng nó còn trẻ người, ngây thơ, vô tư và khờ khạo quá. Vì chúng nó mà anh thêm vất vả, và cũng vì chúng nó mà dạo này mình đâm ra nóng tính hơn nhiều. Ngay đêm qua thôi, cái thằng Thanh còi đưa em ra ga ấy, nó bị lạc đường làm cả phân đội phải dừng lại mất 3 tiếng đồng hồ để tìm nó khắp cánh rừng. Chưa hết đâu, chúng nó còn vừa đi vừa ngủ gật mà đường thì chông chênh, một bên là vách cao, bên là vực thẳm. Nhiều đứa còn tìm cách đánh rơi bớt đồ xuống khe cho nhẹ, em bảo thế có tức không?".

Lần theo các trang nhật ký viết vội trên trang số đã ố vàng, tôi chú ý đến đoạn dưới đây dành cho người vợ của anh, cô giáo Hạnh: "Em yêu thương! Đêm nay anh sẽ cùng đồng đội giáp mặt với quân thù, nhưng em cứ yên tâm, anh sẽ chiến thắng trở về và mẹ con em sẽ được "tử ấm, thê phong". Mình sẽ lại hạnh phúc! Sẽ lại đưa nhau về ngoại nghe em!....Chúc em và con mọi sự tốt lành! Hôn con thay anh đi, em!" (Trích Nhật ký "Chiều thứ hai 9/7/1984").

Còn đây, là trích đoạn trang nhật ký cuối cùng của anh: "Tối 9/7/84 - Từ trưa đến giờ mình cứ nghĩ mãi không biết có điềm gì đây mà sáng nay nằm ngủ sau khi mơ gặp vợ con, lại mơ tiếp đến cảnh chiến địa, thấy mình đi với trung đoàn trưởng và tham mưu phó sang nhận nhiệm vụ ở 772, rồi mình lại cùng đơn vị xông vào chiến đấu. Cảnh tượng thật là ác liệt nhưng sao vui thế, lửa đạn rợp trời và quân ta cứ xông lên như vào chỗ không người vậy… Giá trận tới diễn ra cũng như thế nhỉ? Hãy cầu mong mọi sự tốt lành và cùng nhau chiến thắng… Có lẽ mình nghĩ ngợi và lo lắng nhiều quá về cả trận này và gia đình chăng, nghĩ như thế có vẻ khoa học hơn hay là duy tâm điềm báo? Hãy đợi xem sao!...".

Sau trang nhật ký cuối cùng này đúng 3 ngày, đến ngày 12/7/1984, người chiến sĩ Trần Đại Phong đã hy sinh.

Cái tin hy sinh đau thương này đến với hai mẹ con cô giáo Hạnh tại trường cấp ba, nơi cô đang công tác. Cô Hạnh xúc động nhớ lại: "Khủng khiếp nhất là cái ngày mấy bác chỉ huy cấp trung đoàn 149, sư đoàn 356 lên trường mình mời BGH để thông báo: Chồng mình đã hy sinh ngày 12/7. Lúc đấy đất như sụp dưới chân mình, mình chẳng thiết làm gì nữa, chỉ thấy nỗi buồn đau choáng ngợp tâm hồn. Cứ nghĩ về người chồng còn quá trẻ, anh hy sinh khi mới 27 tuổi, còn mình mới 26 tuổi đã là gái góa chồng. Đứa con gái lúc cha hy sinh, nó chưa tròn 1 tuổi, phải 2 tuần nữa nó  mới tròn 1 tuổi".

Cô Hạnh cho biết, ít lâu sau mấy bác cán bộ  ở chiến trường Vị Xuyên về thăm mẹ con cô ở trường cấp ba có trợ giúp cô vài cái vỏ chăn rằn ri đã cũ  để làm tã cho đứa bé, vài cân đường, mấy bánh xà phòng 72 và vài chục kg gạo. Lúc ấy cuộc sống của các thầy cô giáo vô cùng nghèo khó, gạo không đủ ăn, nhiều bữa phải ăn sắn khô. Tuy thế cũng không thể so bì với nỗi khổ của bộ đội lúc bấy giờ…

Tôi, người thực hiện bài viết này không có nhiệm vụ nào khác ngoài việc ngồi chắp nối những dòng nhật ký đầy chân thực và thấm đẫm yêu thương của người liệt sĩ Trần Đại Phong dành cho vợ con trong những năm chiến tranh khốc liệt ấy. Qua những dòng nhật ký riêng tư, thấy hiện lên chân dung một người chiến sĩ quả cảm, trung dũng, chan chứa yêu thương vợ con, gia đình, đồng đội.

Tôi chỉ nói thêm mấy chi tiết có hậu này: Cái hôm người chiến sĩ Trần Đại Phong xin phép tranh thủ đưa hai mẹ con từ trường cấp ba Lào Cai về quê, chỉ được phép ở lại một đêm rồi sớm mai lại ngược lên đơn vị để hành quân sang mặt trận Hà Giang, anh đã để lại một giọt máu hoài thai, sau này trở thành một chàng trai kỹ sư điện giỏi giang, thành đạt. Đứa con ấy chào đời ngày 16/2/1985, nhưng như lời người mẹ, cô giáo Hạnh tâm sự: "Mình quyết định lấy ngày 17/2 làm ngày sinh của con trai để khắc ghi mối căm thù quân xâm lược đã cướp đi người cha của con".

Còn cô con gái lớn của vợ chồng cô Hạnh sau này cũng theo nghề mẹ, trở thành cô giáo dạy văn cấp ba như mẹ. Riêng cô Hạnh, sau khi chồng hy sinh, cô đã được chuyển về dạy tại ngôi trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong nổi tiếng cho đến khi về hưu cách đây mấy năm.