42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979-17/2/2021):
Lời hứa không thành của người lính ngã xuống ở mặt trận Hà Tuyên
(Dân trí) - "Hắn nói với mẹ, bao giờ về sẽ đóng cho mẹ một chiếc giường mô-đéc. Ăn Tết xong hắn đi mà không biết vợ vừa hoài thai...", người mẹ ứa nước mắt kể về đứa con trai đã nằm lại nơi biên giới phía Bắc.
85 tuổi, bà Nguyễn Thị Trung (xóm Hạ Khê, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn nhớ như in về người con trai cả - liệt sĩ Hà Huy Danh (SN 1956).
19 tuổi, người anh của 7 đứa em lên đường nhập ngũ. Sau thời gian chiến đấu ở chiến trường Lào, anh Hà Huy Danh được đơn vị cử đi học. Năm 1979, anh Danh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Hương (SN 1959). Chưa kịp có với nhau mặt con thì trước tình hình bành trướng của quân xâm lược Trung Quốc, đơn vị anh Danh lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Biền biệt mấy năm, đến Tết năm 1984, anh Danh được nghỉ phép về nhà. "Hắn về mang theo 1 bì gạo. Đó là cái Tết mà cả nhà không phải lo đói ăn", bà Trung nhớ lại.
Đó cũng là năm đầu tiên gia đình dựng được 1 căn nhà, dù nhỏ thôi nhưng không còn phải chịu cảnh mưa dột tứ mùa. Đứng trong căn nhà mới, anh ngắm nghía từng góc rồi nói: "Giờ mà có chiếc giường mô-đéc đặt vào đây thì hết ý mẹ nhỉ. Lần sau con về, con sẽ đóng cho mẹ một cái giường, để mẹ nằm cho thẳng lưng". Thời đó, chiếc giường mô-đéc là cả một gia tài.
Ăn Tết xong cũng là khi trả hết phép, anh Danh lại lên đường mà không hề biết người vợ đã hoài thai đứa con đầu lòng sau hơn 4 năm chờ đợi. "Hồi ấy làm gì đã có điện thoại, mệ Hương (bà Trung gọi con dâu cả của mình như thế) viết thư thông báo tin vui. Thằng Danh viết thư về dặn, nếu đẻ con trai thì đặt tên Biên, đẻ con gái thì đặt tên Thùy để kỷ niệm những năm tháng chiến đấu trên biên thùy", bà Trung kể.
Tháng 10/1984, cô bé Hà Thị Thùy cùng chiếc cằm chẻ giống bố như đúc chào đời trong vòng tay của mẹ và ông bà. Thời điểm đó, chiến sự trên tuyến biên giới phía Bắc đang diễn ra hết sức ác liệt. Những lá thư của anh Danh gửi về thưa dần rồi mất hút.
Đêm nằm mơ thấy người con trai cả về, mặc chiếc áo may ô, bà bảo con vào ăn cơm nhưng anh bảo "con phải đi đây mẹ ạ". Là người mẹ, bà Trung có những dự cảm không lành nhưng không dám nói với ai.
Từ đó chiều nào người mẹ cũng đi ra ngõ, ngóng ra đường, chờ hình ảnh đứa con khoác chiếc ba lô trở về. Nhưng hình ảnh ấy chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Năm 1985, gia đình nhận được giấy báo tử từ đơn vị: Liệt sĩ Hà Huy Danh đã hi sinh trong cuộc chiến giữ chốt ở mặt trận Hà Tuyên.
Bà đau từng khúc ruột khi đứa con trai cả giỏi giang, hiền lành của mình đã không thể trở về. Nén nỗi đau vào trong, bà cố tỏ ra cứng cỏi, động viên con dâu gắng gượng để thay chồng nuôi con. Lần hồi trong khó khăn, thiếu thốn, người con dâu của bà ở vậy thờ chồng, nuôi con khôn lớn.
Bà cắt cho con dâu một mảnh vườn, dựng nhà gần mình để "có gì còn chạy qua, chạy lại". Nay cô cháu gái đã yên bề gia thất, có công việc ổn định ở Hà Nội, mấy năm nay, con dâu bà chuyển hẳn ra đó để tiện trông cháu.
"Năm mô mẹ con, bà cháu mệ Hương cũng về ăn Tết. Có nhà riêng đấy nhưng mẹ con hắn cứ ở bên này với bà. Chúng nó vừa đi lúc trưa cả đấy", bà Trung không giấu được niềm tự hào khi kể về người con dâu và đứa cháu nội của mình.
Thương con dâu, cháu nội bao nhiêu thì bà thương người con trai của mình bấy nhiêu. "Mỗi khi nhắc đến thằng Danh nước mắt lại ứa ra, nghĩ mà thương con đứt ruột. Hồi đó đói lắm, con ra đi bữa cơm cho no cũng không có mà ăn. Giờ gia đình mình no đủ cả rồi, các em thành đạt, không thiếu gì thì con không còn...", người mẹ ngậm ngùi lấy khăn lau nước mắt.
Anh không về, mẹ đau đớn, buồn thương suốt thời gian dài nhưng người mẹ ấy vẫn mạnh mẽ động viên những đứa con trai còn lại lên đường thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Tiếp bước anh trai, 5 người em của liệt sĩ Hà Huy Danh đều kinh qua thời gian công tác ở trong quân đội, nhiều người gắn bó cả cuộc đời với nghiệp quân ngũ.
Mẹ bảo, ai cũng sợ mất mát, ai cũng sợ hi sinh thì làm gì có hòa bình, độc lập hôm nay. Mất đi đứa con trai yêu quý, mẹ đau lắm nhưng mẹ cũng tự hào bởi trên dải đất biên cương bình yên của Tổ quốc có một phần máu xương của con trai mẹ...