1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những điều tuyệt đối "tránh" khi có hỏa hoạn

(Dân trí) - Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khuyến cáo, khi có hỏa hoạn, người dân tuyệt đối không nên vào nhà vệ sinh ẩn nấp, không nhảy vào bể chứa nước, không nhảy từ độ cao hơn 5 mét...

Trao đổi với PV Dân trí, Trung tá Huỳnh Quang Tuyến – Phó trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, tại các quán karaoke, phần lớn các vách tường được làm bằng gỗ, mút xốp để cách âm, có thảm lót sàn - đây là những vật liệu thuộc nhóm dễ bắt lửa nên khi xảy ra cháy, ngọn lửa thường bùng phát rất nhanh và mạnh.

Một khi cháy sẽ sản sinh ra nhiều khí độc CO. Khi người dân hít phải khí độc CO, cơ thể sẽ ngừng hô hấp trong vòng vài phút. Vì thế, khi xảy ra cháy, người dân cần cố gắng thoát ra khỏi hiện trường một cách nhanh nhất có thể.


Vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy, Hà Nội vào chiều 1/11 khiến 13 người chết (Ảnh: Thanh Thúy)

Vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy, Hà Nội vào chiều 1/11 khiến 13 người chết (Ảnh: Thanh Thúy)

Chưa hết, khi có hỏa hoạn, tuyệt đối người dân không chạy vào nhà tắm ẩn nấp vì ở đây cũng không thể tránh được khói, chưa kể ở đây cũng không tránh được lửa và nhiệt.

Ngoài ra, người dân tuyệt đối không nhảy vào bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

Trung tá Tuyến cũng dẫn chứng lại vụ cháy ở quận 11 (TPHCM) cách đây khá lâu, khi lực lượng chữa cháy khống chế được ngọn lửa thì phát hiện 4 người tử vong trong hồ nước sinh hoạt của gia đình do chết bỏng.

“Người ta cứ nghĩ vào trong hồ có nước là có thể giảm nhiệt nên nhảy vào hồ để lánh nạn nhưng không ngờ sức nóng của ngọn lửa đã đun sôi bể nước và gây bỏng khiến các nạn nhân tử vong”, Trung tá Tuyến nói.

Vụ cháy dãy quán karaoke vào cuối năm 2014 ở đường Trần Quốc Thảo (quận 3,TPHCM) cũng gây chết người
Vụ cháy dãy quán karaoke vào cuối năm 2014 ở đường Trần Quốc Thảo (quận 3,TPHCM) cũng gây chết người

Cũng theo Trung tá Tuyến, khi người dân vào các nhà hàng, quán karaoke, nhà cao tầng thì điều đầu tiên cần lưu ý là tìm lối thoát hiểm và cầu thang bộ để nếu không may xảy ra cháy còn biết đường thoát ra ngoài.

Một điều mà Cảnh sát PCCC TPHCM cũng lưu ý thêm với người dân là khi xảy ra cháy, tuyệt đối không thoát hiểm bằng thang máy, vì khi có cháy hệ thống điện sẽ bị ngắt nên người dân dễ bị mắc kẹt bên trong. Ngoài ra, lồng thang máy được thiết kế dạng hình ống nên khói sẽ luồn vào đây khá nhiều, rất dễ gây ngạt.

Một điều nữa, khi xảy ra cháy, người dân không nên nhảy từ trên cao xuống vì nguy cơ tử vong rất cao. “ Cũng có thể thoát sang các nhà, công trình lân cận qua ban công, sân thượng có cùng cao độ. Nếu không còn đường thoát thì người dân có thể tạm lánh nạn ở ban công, sân thượng chờ lực lượng chuyên nghiệp giải cứu, cũng có thể dùng các đồ vật sẵn có như chăn mền, áo quần để kết thành dây hoặc sử dụng cuộn vòi chữa cháy hoặc bám theo các đường ống bằng kim loại, cáp điện, cáp thoát sét,... nhằm thoát xuống dưới, tuyệt đối không nhảy từ độ cao hơn 5 mét xuống đất”, Trung tá Tuyến nhấn mạnh.

Trung tá Huỳnh Quang Tuyến – Phó trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TPHCM
Trung tá Huỳnh Quang Tuyến – Phó trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TPHCM

Cũng theo Trung tá Tuyến, trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì ngạt. Do đó, nguyên tắc đầu tiên khi xảy ra cháy là tìm mọi cách thoát ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt. Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài.

Trước khi thoát ra ngoài, nên lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí. Dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục.

Đình Thảo

Những điều tuyệt đối "tránh" khi có hỏa hoạn - 4