1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những điều ít người biết về kỳ đài Tuyên ngôn Độc lập 1945

Kỳ đài Tuyên ngôn Độc lập - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là công trình của kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (sau này là Thứ trưởng Bộ Xây dựng) và họa sỹ Ngô Văn Đệ.

Những điều ít người biết về kỳ đài Tuyên ngôn Độc lập 1945 - 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Sáng 1/9/1945, ông Ngô Huy Quỳnh được giao nhiệm vụ thiết kế kỳ đài cho Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Theo chủ trương, lễ đài cần làm giản dị nhưng nghiêm trang, trên lễ đài có thể đứng được ba chục người.

Nơi được chọn dựng kỳ đài là bồn cỏ giữa quảng trường Ba Đình. Trưa 1/9/1945, lễ đài bắt đầu được thi công. Thời gian hoàn thành kỳ đài rất gấp nên tập thể những người tham gia dựng kỳ đài phải làm việc cả đêm. Vật liệu dùng để dựng kỳ đài, được huy động từ các nhà buôn vải lụa Hàng Đào, Hàng Ngang; gỗ từ các nhà buôn gỗ.

Các ông như ông Hoàng Khuyến, thợ mộc giỏi ở phố Hàng Hành đảm nhiệm phần mộc; ông Dực chủ hiệu sửa chữa radio, tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành lo việc mắc hệ thống loa đài quanh quảng trường Ba Đình và các phố phụ cận, đồng thời đảm nhiệm luôn ngồi trực dưới gầm lễ đài để theo dõi kỹ thuật...

Trước lúc rạng đông ngày 2/9/1945, kỳ đài đã hoàn thành. Đó là một khối cao 4m, rộng 4m, phía trên kỳ đài có một cột cờ cao 10m, hai bên có hai lư hương bằng gỗ.

Quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày 2/9/1945, hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân hân hoan chờ đón thời khắc lịch sử của dân tộc.

Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:

“Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc... Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ ngày 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.

Cũng với Tuyên ngôn 2/9, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà mình, dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và cũng bắt đầu từ đấy, người dân Việt Nam bắt đầu một cuộc sống mới. Phấn khởi và tự hào, tất cả mọi công dân Việt Nam bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, không tiếc của cải và cả xương máu của mình, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. 70 năm qua là cả một quá trình phấn đấu hy sinh không gì so sánh nổi của cả dân tộc để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay.

Theo TTXVN/VIETNAM+
http://www.vietnamplus.vn/nhung-dieu-it-nguoi-biet-ve-ky-dai-tuyen-ngon-doc-lap-1945/341117.vnp