1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Những điều chưa biết về con tàu "không số" vừa trở thành bảo vật quốc gia

Con tàu còn lại duy nhất của Đoàn tàu “không số” lừng lẫy thuở nào, đã làm nên huyền thoại “đường Hồ Chí Minh trên biển” vừa chính thức được công nhận bảo vật quốc gia. Cũng chính con tàu này từng có thời gian dài góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Tàu HQ671 hay còn được biết đến với số hiệu C41, 641 đã góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển
Tàu HQ671 hay còn được biết đến với số hiệu C41, 641 đã góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Con tàu huyền thoại…

Tàu vận tải quân sự HQ671 từng có tên gọi khác là C41, 641 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân. Tàu dài 31,5m, rộng 5,8m, cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m, lượng giãn nước 165 tấn, là loại tàu Quảng Châu (trọng tải 50 tấn) do Trung Quốc sản xuất năm 1962, viện trợ cho Hải quân Việt Nam năm 1964. Khi đó, tàu được biên chế về Đoàn 125 (còn gọi là Đoàn tàu “không số”) làm nhiệm vụ vận tải chi viện chiến trường miền Nam theo con đường vận chuyển chiến lược trên Biển Đông mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - đường Hồ Chí Minh trên biển.

Từ năm 1967 đến năm 1971, tàu làm nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí, hàng hóa trên con đường vận tải chiến lược chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam và tham gia vận chuyển trong Chiến dịch vận tải VT5 (1968 - 1969), đưa vũ khí, hàng hóa từ cảng Hải Phòng vào cảng Gianh, tỉnh Quảng Bình, để từ đó, các lực lượng tiếp tục vận chuyển theo đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

Từ tháng 7-1971 đến năm 1974, tàu mang số hiệu 641, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa, phương tiện và bộ đội vào cảng Đồng Hới, Quảng Bình và cảng Cửa Việt, Quảng Trị để chuyển tiếp vào chi viện chiến trường miền Nam.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tàu 641 chở người, vũ khí, hàng hóa vào chi viện cho chiến dịch Huế - Đà Nẵng giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và chở lực lượng đặc công Hải quân ra tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. Sau năm 1975, tàu làm nhiệm vụ vận chuyển và trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Năm 1980, tàu 641 được mang số hiệu HQ671 và năm 1982 được biên chế về Hải đội 413, Vùng 4 Hải quân, làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu và vận chuyển bộ đội, hàng hóa chi viện cho xây dựng, bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và tuần tra bảo vệ khu vực căn cứ quân sự Cam Ranh.

Năm 2002, tàu HQ671 được biên chế về Hải đội 384, Cục Hậu cần Hải quân làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hậu cần phục vụ cho các đơn vị trong Quân chủng Hải quân. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961/23-10-2011), ngày 20-9-2011, tàu HQ671 được đưa từ Hải đội 384, Cục Hậu cần Hải quân về Bảo tàng của Quân chủng làm hiện vật trưng bày tuyên truyền chiến công “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Cựu chiến binh của Đoàn tàu không số thăm tàu HQ671 tháng 7-2016 (Ảnh: Bảo tàng Quân chủng Hải Quân)
Cựu chiến binh của Đoàn tàu không số thăm tàu HQ671 tháng 7-2016 (Ảnh: Bảo tàng Quân chủng Hải Quân)

Trở thành bảo vật quốc gia

Cùng với đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong hai con đường vận tải chiến lược vận chuyển chi viện cho quân, dân ta ở miền Nam đánh giặc. Những con người và con tàu làm nhiệm vụ vận tải bí mật trên con đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dũng cảm, can trường, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, nguy hiểm để vận chuyển hàng hóa, vũ khí trực tiếp chi viện cho các chiến trường khó khăn và xa nhất ở miền Nam mà đường Trường Sơn chưa tới được là Nam bộ và Nam Trung bộ; trong điều kiện địch có ưu thế tuyệt đối về không quân, hải quân và tổ chức ngăn chặn ta quyết liệt từ biển đến bờ, từ Bắc vào Nam. Để rồi từ đó, làm nên một con đường huyền thoại trên Biển Đông với nhiều chiến công huyền thoại, đóng góp quan trọng vào xây dựng và tăng cường sức chiến đấu của lực lượng vũ trang ở miền Nam thời điểm đó.

Với ý chí quyết tâm vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ tháng 10-1962 đến tháng 3-1975, Đoàn 759 sau này đổi tên là Đoàn 125 Hải quân (còn gọi là Đoàn tàu “không số”) đã tổ chức hàng trăm lượt chuyến tàu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy của biển khơi và sự phong tỏa, ngăn chặn quyết liệt của địch, vận chuyển được 97.596 tấn vũ khí, đạn dược và hơn 300 cán bộ trong đó có nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, tàu HQ671 làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho các đơn vị đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Nối tiếp những chiến công, tháng 10-1978, tàu nhận lệnh đi tìm kiếm 7 cán bộ, chiến sĩ của đảo Phan Vinh bị sóng nước làm trôi dạt trong khi đang làm nhiệm vụ.

Sau 8 ngày đêm kiên trì “cày đi xới lại” trên một vùng biển rộng lớn, vượt qua sóng to, gió lớn, tàu đã tìm cứu được cả 7 đồng chí và đưa về đơn vị an toàn. Đầu năm 1988, tàu làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo Đá Lớn. Cán bộ, chiến sĩ tàu HQ671 đã không quản ngại hy sinh, bình tĩnh, dũng cảm vững vàng vượt qua những khó khăn gian khổ, góp phần cùng đơn vị giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Đá Lớn. Sau đó, tàu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho việc xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Chính với những thành tích trên, tập thể đội tàu HQ671 (41, C41, 641) đã 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Được tặng thưởng: 4 Huân chương Quân công, 8 Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có 8 cán bộ, chiến sĩ của tàu qua các thời kỳ đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đó là các đồng chí: Bông Văn Dĩa, Lê Văn Một, Đặng Văn Thanh, Dương Văn Lộc, Huỳnh Văn Sao, Hồ Đắc Thạnh, Phan Nhạn, Nguyễn Sơn.

Từ thực tế lịch sử cho thấy, tàu HQ671 (có số hiệu khác là C41 và 641) là con tàu duy nhất còn lại của Đoàn tàu “không số” - lực lượng vận tải anh hùng đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, một kỳ công chiến lược, một nét đặc biệt đặc sắc, độc đáo về nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây là hiện vật có giá trị đặc biệt, một bảo vật có ý nghĩa không chỉ đối với Hải quân nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả dân tộc.

Theo Quỳnh Vân
Công an nhân dân